Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BOT và câu chuyện đứng trên đầm lầy

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai 5/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV. Có lẽ, BOT vẫn sẽ là chủ đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi với Bộ trưởng.

 BOT dự đoán là từ khóa được nhắc tới nhiều trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Sau 1 năm, vấn đề vẫn còn nguyên
Cách đây đúng 1 năm, trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 3 ngày (từ 4 - 6/6/2018), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là những câu hỏi xoay quanh vấn đề về BOT. Điều làm dư luận bức xúc nhất không phải là tên gọi mà chính những bất cập liên quan đến các dự án BOT giao thông mà Bộ GTVT loay hoay mãi không xử lý được. Trước những câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Thể đã xin lỗi và nhận trách nhiệm về các yếu kém của ngành giao thông đồng thời hứa sẽ giải quyết sớm những yếu kém này.
Một năm đã trôi qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ lại một lần nữa đứng trước Quốc hội để trả lời chất vấn của các đại biểu. Sau 1 năm nhiều biến động, dự kiến năm nay sẽ còn có nhiều vấn đề nóng được các đại biểu đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành GTVT, và có lẽ, BOT vẫn sẽ là “từ khóa” được nhắc tới nhiều trong phiên chất vấn này.
Nhìn lại 1 qua, không thể phủ nhận Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những tồn tại ở các dự án BOT giao thông. Có thể kể tới việc cơ quan này đã tiến hành giảm giá vé tại 39 trạm BOT, hoàn thành quyết toán 62 dự án BOT, dừng triển khai 14 dự án cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT trên đường hiện hữu (tính từ năm 2017 đến nay)...
Tuy nhiên, nếu đặt cạnh những tồn tại vẫn đang còn hiện hữu thì có thể thấy, những “thành tích” này của Bộ GTVT chẳng thấm vào đâu. Bài toán sai vị trí của 17 trạm BOT vẫn chưa có lời giải; chất lượng công trình của một loạt dự án BOT bị phát lộ mà điển hình nhất là cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; tính minh bạch trong công tác thu phí tại một loạt dự án BOT bị đặt nghi vấn; đề án lắp đặt thu phí tự động không dừng liên tục trễ hẹn...
Trong 1 loạt vấn đề trên, vấn đề chất lượng công trình dự án BOT và tính minh bạch trong công tác thu phí đã trở thành 2 đề tài thật sự gây sóng gió của ngành GTVT trong thời điểm cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Chắc chắn đây vẫn sẽ là những đề tài được đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi cho “tư lệnh” ngành GTVT Nguyễn Văn Thể. Chỉ có điều, không biết Bộ trưởng Thể sẽ trả lời ra sao hay vẫn sẽ giữ “phong cách” như lần trả lời chất vấn trước là xin lỗi, nhận trách nhiệm và hứa khắc phục (?!).
Giải pháp chỉ mang tính bề nổi
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, nhìn lại 1 năm qua có thể thấy, hầu hết những vấn đề trọng điểm nhất liên quan đến bất cập trong các dự án BOT đều chưa được Bộ GTVT xử lý. Chỉ tính riêng bất cập ở Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Bộ GTVT cũng loay hoay mãi không đưa ra được lời giải ngoài giải pháp mà “ai cũng đoán được” là cho giữ nguyên vị trí, cho hoạt động và tiếp tục giảm giá vé.
Có lẽ điều Bộ GTVT làm được nhiều nhất trong 1 năm qua đối với các vấn đề BOT là giảm giá vé nhưng trớ trêu ở chỗ, giải pháp này chỉ có tác dụng bề mặt, giống như đi trên đám cỏ mọc trên đầm lầy. Đạp xuống chỗ này chỗ khác lại phình lên. Thế nên mới có tình trạng phản ứng của tài xế và người dân cứ âm ỉ tràn từ dự án BOT này sang dự án BOT khác bất chấp việc giảm giá vé liên tục được triển khai.
Nói về vấn đề BOT nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm phải có một giải pháp tổng thể, giống như trị bệnh nặng phải uống thuốc liều cao. Giải pháp như nào đương nhiên Bộ GTVT và Bộ trưởng Thể biết, chỉ có điều có thể và có dám áp dụng không. “Tất cả các dự án BOT nước ta sai nhiều nhất vẫn ở khâu quản lý Nhà nước. Từ đó mới dẫn đến tình trạng thu quá, thu vượt, thu không chính xác và tạo ra sự phản ứng của dân. Đấy là những nguyên nhân chính, sai phạm chính ở các dự án BOT” – ông Cao Sỹ Kiêm nói thêm
Do vậy, dư luận cho rằng, đã đến lúc Bộ GTVT cần nhìn thẳng vào sự thật, phải đánh giá một cách nghiêm túc hơn toàn bộ những công trình BOT, xem sai ở điểm nào, mức độ bao nhiêu để có cái khắc phục xử lý, cả về vật chất và trách nhiệm chính trị đối với những cá nhân, tập thể sai phạm. Phải xử lý nghiêm để tránh tiền lệ xấu về sau, bởi nếu xử lý đồng bộ, nghiêm túc thì sẽ không khắc phục được và cái xấu sẽ có điều kiện tồn tại phát triển, từ đó gây mất lòng tin trong dân và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.