Diễn đàn kinh tế Davos mùa Hè 2016 với chủ đề "Cuộc cách mạng lần thứ 4 và tác động chuyển hóa", thu hút sự tham gia của hơn 1.700 lãnh đạo chính trị và DN đến từ hơn 90 quốc gia trên thế giới. Trong 3 ngày họp, với khoảng 200 cuộc hội thảo, các đại biểu tập trung vào vấn đề cải cách công nghệ và ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ tới kinh tế. 80% cuộc hội thảo sẽ liên quan đến công nghệ. Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ cao cũng sẽ được giới thiệu trong khu vực triển lãm của diễn đàn.
Đặc biệt, tại Diễn đàn Davos năm nay, các đại biểu đặc biệt quan tâm và tập trung thảo luận tới việc đưa nền tài chính, tiền tệ hồi phục “hậu” Brexit. Ông Ian Bremmer - Giám đốc Eurasia Group khẳng định, việc cử tri Anh ủng hộ Brexit đã khiến cho nền kinh tế và các nhà đầu tư trên toàn thế giới rơi vào tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương Michael Falcon của Ngân hàng JP Morgan Chase & Co cho rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu Brexit đúng là một cú sốc nhưng chưa phải là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bên cạnh vấn đề ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, các đại biểu cũng thảo luận về tương lai nước Anh sau khi hoàn toàn “ly hôn” với EU. Giám đốc điều hành Matthew Prince thuộc Công ty CloudFlare Inc, Mỹ khẳng định, vai trò của London – Thủ đô nước Anh được ví như một nam châm nhờ các chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Nhiều DN quốc tế khẳng định, tác động từ Brexit là có nhưng không quá nghiêm trọng. Chia sẻ biện pháp chặn trước và giải quyết tác động của Brexit tới thị trường thế giới, cũng như nền kinh tế Hàn Quốc, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, bao gồm việc mở rộng chi tiêu tài chính là cần thiết. Về kế hoạch lâu dài, kinh tế toàn cầu cần tìm động lực tăng trưởng mới. Có mặt trong ngày thứ 2 của Diễn đàn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, nước này sẽ mở rộng hợp tác với các nước trên thế giới, cải thiện nền kinh tế mở cửa, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất. Đồng thời xây dựng môi trường đầu tư công bằng, minh bạch và đưa ra dự đoán cho các nhà DN quốc tế. Trước những tác động từ Brexit tới thị trường tài chính, tiền tệ trên toàn thế giới nói chung, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, mặc dù không tránh khỏi những dao động ngắn hạn về tăng trưởng trong quá trình chuyển tiếp, song nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phải chịu một "sự hạ cánh cứng". Bên cạnh đó, ông Lý Khắc Cường cũng nêu rõ, Trung Quốc cam kết duy trì, phát triển tốt quan hệ với cả EU và Vương quốc Anh. Đồng thời kêu gọi các nước nỗ lực chung tay để khôi phục nền kinh tế toàn cầu sau “cú sốc” Brexit.
Brexit - chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Diễn đàn kinh tế Davos mùa Hè 2016. Ảnh: Min Rui |