Brexit và bài học cho ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS David Camroux - Chuyên gia cao cấp tại Học viện Chính trị Paris đã liên hệ sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) tới bài học cho khối ASEAN.

Brexit là quyết định của cử tri Anh về việc nước này rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 23/6 vừa qua, thường được mô tả như một cuộc “ly hôn”.
Brexit thực sự là gì?
Theo GS David Camroux, có một quan điểm sai lầm cơ bản nằm ngay ở bản chất của lá phiếu Brexit: Hơn 52% cửa tri Anh bỏ phiếu để lựa chọn rời đi, dường như cho rằng đó là bỏ phiếu cho một hành động đơn phương, trong khi đó, thực chất họ đã bỏ phiếu cho cả một quá trình. Trên phương diện pháp lý, quá trình này thậm chí sẽ không được chính thức khởi động cho đến khi chính phủ Anh viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, đòi hỏi từ 2 -10 năm để giải quyết triệt để cuộc “ly hôn” này.
 

GS David Camroux đã phân tích những nguyên nhân trực tiếp và sâu xa của cuộc trưng cầu dân ý. Theo đó, việc chia rẽ về đi hay ở của người dân Anh đã chia rẽ mạnh mẽ theo từng khu vực, độ tuổi, học vấn và trình độ. Lập luận của phe “Rời đi” mạnh mẽ hơn, nêu ra những lợi ích như tự do thương mại, chống cạnh tranh thiếu lành mạnh về cả kinh tế và khu vực việc làm, trong khi đó phe “Ở lại” chỉ vin vào luận điểm rằng, một khi Brexit diễn ra, kinh tế Anh sẽ thiệt hại nặng nề mà không nhấn mạnh những lợi ích đạt được. Hiện có thể phác thảo ra 2 kịch bản dựa vào lựa chọn của chính phủ Anh – “Brexit cứng” là cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với EU, hủy bỏ và tái đàm phán FTA với 27 nước thành viên; “Brexit mềm” là vẫn tham gia vào Thị trường Chung châu Âu, tuân theo hệ thống pháp lý của EU. Dù ở kịch bản nào thì vẫn cần thời gian cho các đàm phán, Anh sẽ đều “được” và “mất” theo cách riêng.
Brexit, bài học cho ASEAN
Anh - một trong ba trụ cột của EU và là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới lại muốn tách khỏi cộng đồng kinh tế từng được coi đó là hình mẫu của ASEAN. Việc đa số cử tri Anh chọn Brexit minh chứng cho sự mâu thuẫn về quyền lợi  trong quá trình hội nhập. Do đó, Brexit là hồi chuông cảnh tỉnh để ASEAN cân nhắc tiến trình hội nhập sao cho sát với nhu cầu của người dân chứ không phải để phục vụ các dự án lớn đem lại lợi ích cho một bộ phận thiểu số.
Theo ông David Camroux, so với châu Âu, ASEAN có nhiều lợi thế hơn về giới hạn về địa lý nhưng khó khăn hơn so với EU để tiếp nhận thêm thành viên hay khả năng tách thành viên. Bên cạnh đó, vấn đề toàn cầu hóa cho tới nay đem lại lợi ích cho hầu hết các quốc gia thành viên nên vấn đề xung đột lợi ích chỉ là rủi ro cần đề phòng. Tuy nhiên, vẫn có các vấn đề chưa đồng nhất giữa ASEAN, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông giữa nhóm nước có biển và không có biển. Bên cạnh đó,tình hình chính trị của các quốc gia ASEAN đang ngày càng biến đổi, không thể tránh khỏi sự khác biệt.
Trả lời câu hỏi rằng nguyên tắc đồng thuận của ASEAN liệu có ảnh hưởng tới vai trò trung tâm của khối trong giải quyết các vấn đề khu vực như Biển Đông, GS David Camroux khẳng định, ASEAN cần linh hoạt trong nguyên tắc này, có thể cân nhắc 100% đồng thuận bằng một tỷ lệ đa số, để đảm bảo giải quyết các vấn đề khu vực mềm dẻo hơn. Trên hết, ASEAN cần tiếp tục quá trình hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác với các cường quốc như Nhật Bản, Mỹ cũng như EU để tái cân bằng khu vực, thêm tiếng nói bảo vệ luật pháp và quy định quốc tế. “Quá trình hội nhập giống như đi xe đạp, muốn tiến lên thì bạn đừng ngừng đạp bánh”, theo GS David Camroux.

Giáo sư David Camroux tốt nghiệp Đại học Sydney (Bằng Cử nhân danh dự) và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Paris III: Sorbonne Nouvelle. Ông là đồng chủ bút của tờ “Tạp chí các vấn đề thời sự khu vực Đông Nam Á” (The Journal of Current Southeast Asian Affairs). Giáo sư cũng là nhà bình luận thường xuyên về các vấn đề khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương cho truyền thông Pháp. Ngoài lĩnh vực học thuật, giáo sư còn là thành viên của Ủy ban Châu Á - Thái Bình Dương tham mưu cho Ban thư ký quốc tế của các Đảng cầm quyền Pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần