Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BRICS mở rộng khiến Mỹ quan ngại?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng với nhiều nhà sản xuất dầu mỏ hơn cũng như nhiều cường quốc khu vực hơn sẽ khiến Mỹ đặc biệt lo ngại vì có thể thúc đẩy quá trình phi USD hóa

Washington chịu tác động lớn từ nỗ lực phi đô la hóa của BRICS

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là các thành viên sáng lập của BRICS. Nam Phi gia nhập BRICS năm 2010. Tờ Newsweek nhận định, nhóm BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới vào năm 2014 nhưng chưa bao giờ có được động lực cũng như sự gắn kết cho đến thời gian gần đây.

Đầu năm nay, các cường quốc trong khu vực là Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chính thức gia nhập BRICS.

Theo Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov, số lượng quốc gia quan tâm đến BRICS lớn hơn nhiều so với khả năng kết nạp của khối với gần 30 quốc gia muốn nhận được lời mời gia nhập. Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO, và Thái Lan - quốc gia trước đây thường duy trì lập trường trung lập - giờ đây cũng bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.

Các nước BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới, 28% sản lượng kinh tế thế giới và 47% sản lượng dầu thô toàn cầu. Một BRICS mở rộng 10 thành viên với nhiều nhà sản xuất dầu hơn cũng như nhiều cường quốc khu vực hơn sẽ khiến Mỹ đặc biệt lo ngại vì có thể thúc đẩy quá trình phi đô la hóa.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm nhân dịp dự Hội nghị ngoại trưởng BRICS tại Nizhny Novgorod, Nga ngày 10/6/2024. Ảnh: AP
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm nhân dịp dự Hội nghị ngoại trưởng BRICS tại Nizhny Novgorod, Nga ngày 10/6/2024. Ảnh: AP

Một trong những giải pháp để BRICS đẩy mạnh tiến trình phi USD hóa là khuyến khích "tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và tài chính" giữa các nước thành viên.

Trong đó, Trung Quốc đã đi đầu trong nỗ lực này. Sau khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ để mua hàng hóa của Moscow, chủ yếu là dầu mỏ, và nhân dân tệ đã vượt qua đồng USD để trở thành đồng tiền chính trong thương mại Trung Quốc - Nga. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đàm phán với các nhà sản xuất dầu lớn khác như Ả Rập Saudi, Iran và Iraq để hướng tới việc sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ cho các giao dịch dầu mỏ.

Năm 2023, ước tính khoảng 20% ​​lượng dầu toàn cầu được mua và bán bằng các loại tiền tệ khác, không phải bằng USD. Không chỉ các quốc gia đang chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ như Nga, Iran mà ngay cả Brazil, UAE và Ả Rập Saudi... cũng đang có động thái tự bảo vệ khỏi tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây với thương mại dầu mỏ và hàng hóa khác.

Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh, Trung Quốc và Nga - hai cường quốc BRICS, đang chuyển hướng tăng mạnh việc mua dự trữ vàng cho kho dự trữ ngoại hối trong những năm gần đây.

Newsweek cảnh báo, nỗ lực làm suy yếu đồng USD sẽ có những hậu quả nghiêm trọng với Mỹ và nền kinh tế nước này, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát. Cùng với đó, chính sách trừng phạt kinh tế của Mỹ không chỉ làm suy yếu đồng USD mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington.

Đồng tiền chung BRICS thách thức đồng USD

Trong bài phát biểu bên lề Diễn đàn Hòa bình Thế giới lần thứ 12 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 7/7 vừa qua, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov thông báo, các nước thành viên BRICS đang thảo luận về việc phát hành đồng tiền chung của nhóm này và nhấn mạnh quá trình đang tiến triển rõ rệt.

Đây không phải lần đầu tiên đại diện một nước thành viên BRICS đề cập đến nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu. Thực tế, ngay từ những năm đầu sau khi nhóm này thành lập vào năm 2009, việc phát hành đồng tiền chung để không phụ thuộc vào đồng USD đã là một trong những ưu tiên chính sách của BRICS.

Kế hoạch đầy tham vọng này được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây khi Mỹ và các nước phương Tây tăng cường sử dụng đồng USD làm công cụ trừng phạt kinh tế của một số nước thành viên BRICS mà tiêu biểu là Nga và Trung Quốc.

Hơn nữa, việc tỷ giá giữa đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác liên tục tăng thời gian gần đây càng "tiếp lửa" cho mong muốn tách khỏi đồng USD.

Trước tình hình đó, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 vào năm 2022, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố nhóm này dự định sẽ phát hành "đồng tiền dự trữ toàn cầu mới" và sẵn sàng làm việc cởi mở với tất cả đối tác thiện chí.

Sau đó, đến Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 vào tháng 8/2023 tại Johannesburg, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng nhấn mạnh sự cần thiết của đồng tiền chung BRICS nhằm giảm tác động của biến động tỷ giá đồng USD lên các nước thành viên nhóm này.

Về lý thuyết, một đồng tiên chung của BRICS, chiếm gần 1/3 GDP toàn cầu, sẽ mang lại một giải pháp thay thế hấp dẫn cho đồng USD.

Theo tạp chí Foreign Policy, khác với các đồng tiền trong quá khứ, đồng BRICS hoàn toàn có khả năng làm lung lay vị trí của đồng USD trong thương mại quốc tế. Với việc xuất siêu lên đến hàng trăm tỷ USD, tự thân các nước BRICS đã có thể đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của nhau.

Trên thực tế, BRICS là tập hợp các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới. Sự đa dạng vị trí địa lý khiến danh mục xuất khẩu hàng hóa các nước thành viên BRICS cũng rất khác nhau và bổ sung tốt cho nhau. Chính tiềm năng giao thương to lớn giữa các nước BRICS mở ra không gian sử dụng khổng lồ cho đồng tiền chung của nhóm.

Hơn nữa, tiềm năng này không chỉ giới hạn trong 10 nước thành viên hiện tại. Mỗi thành viên BRICS đều là đầu tàu kinh tế trong khu vực địa lý của mình, do đó hoàn toàn có thể lôi kéo các quốc gia lân cận sử dụng đồng tiền chung của nhóm.

Tuy nhiên, việc thành lập đồng tiền chung BRCIS không hề đơn giản. Quá trình này sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận chung về chính sách kinh tế của các nước thành viên, bao gồm các thỏa thuận về giới hạn nợ và chi tiêu công. Các nước thành viên BRICS sẽ cần tạo sự minh bạch về dữ liệu kinh tế và chính sách tiền tệ để tạo dựng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế và các đối tác thương mại.

Bên cạnh đó, giống như đồng euro và Ngân hàng T.Ư châu Âu, một đồng tiền chung BRICS cũng cần có một ngân hàng T.Ư đa quốc gia. Quá trình thành lập ngân hàng dạng này vô cùng phức tạp và tốn thời gian, song cũng không phải bất khả thi.

Giới chuyên gia nhận định rằng một đồng tiền chung BRICS sẽ không sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, xu hướng phi USD hóa và những dấu hiệu khác khiến Washington cần xem xét lại những gì đang thúc đẩy các quốc gia BRICS và khu vực Nam bán cầu cùng tìm cách thay thế đồng USD, Newsweek cảnh báo.