Hãng tin TASS trích dẫn một nguồn tin từ Ủy ban châu Âu cho biết: “Ủy ban châu Âu đã khởi xướng một cuộc điều tra lên Tổ chức Thương mại thế giới - WTO vào tháng 7/2021 liên quan đến các quy tắc mua sắm của Chính phủ Nga vi phạm quyền của các nhà sản xuất châu Âu. Theo nguồn tin trên, giai đoạn đầu tiên của quá trình tham vấn song phương sẽ diễn ra vào ngày 13/9 tới.
Vào năm 2014, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea. Ảnh: AP |
Các quan chức EU cho rằng chính sách thay thế hàng nhập khẩu của Nga, được thực hiện nhằm đáp trả lệnh các trừng phạt đơn phương chống lại Nga do cả EU và Mỹ áp đặt liên quan đến cuộc xung đột Ukraine năm 2014, đã vi phạm chính sách thương mại của WTO. Theo các quan chức EU, chính sách này của Nga được cho là dành sự ưu đãi đối với các sản phẩm và dịch vụ nội địa.
Các cuộc tham vấn sẽ kéo dài trong 2 tháng. Nếu không có quyết định nào được đưa ra trong khoảng thời gian này, hội đồng trọng tài của WTO sẽ trực tiếp xem xét cuộc điều tra.
Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Moscow và Brussels giảm 21% vào năm ngoái, nhưng Nga vẫn là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU, chiếm 4,8% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của khối, theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu. Trong năm 2020, khoảng 36,5% hàng hóa nhập khẩu vào Nga đến từ các quốc gia châu Âu.
Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa EU và Nga trong năm ngoái đạt giá trị 204,9 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Nga từ EU bao gồm: Máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất, hàng hóa sản xuất, nông nghiệp và nguyên liệu thô.
Vào năm 2014, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea. Kể từ đó, các biện pháp trừng phạt này liên tục được gia hạn và kéo dài. Các cuộc đàm phán về việc hủy bỏ thị thực và một thỏa thuận cơ bản mới về hợp tác đã bị đình trệ, một số quan chức Nga bị cấm đến các nước EU và tài sản của họ bị đóng băng. Ngoài ra, EU cũng thực hiện các hạn chế về thương mại, tài chính và quân sự đối với Nga. Đáp lại, Moscow cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước EU.