Lễ hội rộn ràng trở lại
Sau 3 năm (2020-2022) không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, năm nay, Lễ hội khai ấn Đền Trần được tổ chức trở lại với đầy đủ các nghi thức truyền thống. Mở đầu lễ hội Khai ấn Đền Trần là nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ diễn ra sáng 1/2 (11 tháng Giêng năm Quý Mão). Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần hàng năm.
Ngoài ý nghĩa tâm linh là rước Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về bái tổ tiên triều và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ, nghi lễ này còn mang ý nghĩa tri ân công đức các bậc tiên tổ, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.
Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ với đoàn rước khoảng 200 người, đi đầu là đoàn cờ ngũ sắc, nghi trượng, dàn bát âm, tiếp đến là kiệu sứ giả và cuối cùng là các phật tử tụng kinh. Đoàn rước kiệu Ngọc Lộ xuất phát từ Đền Trần tới Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp) tổ chức các nghi lễ tại đây, sau khi rước chân nhang, đoàn rước quay trở về Đền Trần và tiếp tục thực hiện nghi lễ tại Đền Thiên Trường.
Trong chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần hàng năm, cùng với Lễ rước kiệu Ngọc Lộ còn có Lễ rước Nước tế Cá diễn ra vào 2/2 (12 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ rước Nước, tế Cá là nghi lễ quan trọng, tái hiện các nghi lễ truyền thống được thực hiện từ xa xưa tại Đền Trần. Nghi lễ này ngoài việc tri ân công lao của triều đại Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước và cư dân làng chài, còn mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Theo thông lệ, từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng hàng năm sẽ diễn ra các nghi thức: Dâng sớ, thỉnh chân nhang tại Đền Cố Trạch; sau đó tổ chức rước kiệu ra giếng Rồng, tiến hành nghi thức lấy nước.
Đoàn rước gồm: Đội rước rồng, lân; chiêng, trống, đội bát âm, kiệu rước Nước, kiệu rước Cá, đội đánh bắt cá với vật dụng đầy đủ như vó, giậm, nơm…; kiệu Thánh, đội tế nam quan, đội tế nữ quan.
Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh giếng Rồng, đánh bắt hai loại cá Triều đẩu (cá quả) và Long ngư (cá chép), đựng trong những chiếc thúng sơn đỏ để chuyển đến kiệu Rồng.
Sau các nghi thức, đoàn bắt đầu rước Nước và rước Cá về Đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng Nước và tế Cá. Tiếp theo, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc). Nghi lễ phóng sinh cá ra sông Hồng có ngụ ý, tổ tiên nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới nên phải nhân nuôi đàn cá để khai thác lâu dài chứ không được tận diệt nguồn lợi thiên nhiên.
Đảm bảo văn minh lễ hội
Những năm trước kia, trong thời gian diễn ra nghi lễ rước kiệu ấn Đền Trần, tình trạng ném tiền lẻ vào kiệu ấn để lấy may diễn ra khá phổ biến. Sau lễ Khai ấn là tình trạng chen lấn, xô đẩy, giành giật bất cứ thứ gì được cho là “lộc” của nhà Đền tại Ban thờ Trung thiên. Những hành động trên xuất phát từ ý thức chủ quan, suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận người dân mê muội, không phân biệt được giữa nét đẹp văn hoá tâm linh với mê tín dị đoan.
Để khắc phục tình trạng ném tiền lẻ và cướp lộc, Ban tổ chức lễ hội đã cho lắp đặt nhiều camera tại khu vực nội tự Đền Thiên Trường để theo dõi, xử lý các hành vi phản cảm, thiếu văn hoá. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, Ban tổ chức sẽ có những biện pháp nhắc nhở, gửi văn bản về cơ quan quản lý của các cá nhân, tập thể tham gia lễ hội.
Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nam Định - Trưởng BTC Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023 Nguyễn Thị Như cho biết: Năm nay, ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) từ 22 giờ 15 đến 22 giờ 40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22 giờ 40 đến 23 giờ 10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; từ 23 giờ 15 thực hiện nghi lễ Khai ấn. Ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng) từ 2 giờ thực hiện lễ hồi Kiệu ấn, từ 5 giờ tổ chức phát ấn cho Nhân dân và du khách thập phương tại 4 điểm gồm 3 nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa. Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung. Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn, tại khu vực Đền Trần tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: Múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật.
Không gian lễ hội cũng được mở rộng với khu quảng trường trung tâm thuộc giai đoạn 1 của dự án Khu di tích lịch sử Văn hóa Trần đã hoàn thành. TP đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các phương án để đảm bảo việc tổ chức lễ hội đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng đi lễ đầu Xuân của khách thập phương. Đáng chú ý, sẽ tổ chức 5 vòng an ninh với các phương án đảm bảo về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; thành phố dựng sẵn các ki-ốt phục vụ bán hàng đảm bảo ngăn nắp.
Ngay từ cuối năm 2022, UBND TP Nam Định đã xây dựng kế hoạch khai ấn và tổ chức lễ hội. Sau đó, TP Nam Định đã thành lập BTC lễ hội, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan để chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội. Đặc biệt, công tác tổ chức an ninh đã được công an tỉnh và các lực lượng của TP lên phương án.
Phương án về an ninh đã được Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt. Phương án bảo vệ đêm khai ấn gồm 5 vòng đảm bảo công tác dâng hương và các đại biểu, Nhân dân tham dự lễ Khai ấn được an toàn tuyệt đối.
Năm nay, khuôn viên lễ hội đã hoàn thiện Giai đoạn 1 khuôn viên Văn hoá Trần với 92,5ha đã được Ban Quản lý TP tỉnh Nam Định bàn giao cho TP đưa vào quản lý, sử dụng, khai thác, phục vụ cho du khách tập phương tham quan quanh khu vực đền Trần.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nam Định - Trưởng BTC Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023 Nguyễn Thị Như