Khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại của di tích lăng mộ vua Lê Túc Tông
Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đã ký Công văn số 2096/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc bảo đảm an toàn, an ninh cho di tích trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Bộ VHTT&DL nhận được thông tin lăng mộ vua Lê Túc Tông (thuộc Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa) bị đào bới trái phép để truy tìm cổ vật. Trước sự việc này, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại của di tích lăng mộ vua Lê Túc Tông. Đồng thời kiểm tra tổng thể hiện trạng các di tích khác trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm di tích, đề xuất phương án xử lý.

Khu lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh. Ảnh: Bá Nam
Bộ VHTT&DL cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho di tích, di vật, cổ vật thuộc di tích; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cùng với đó, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm di tích, di vật, cổ vật thuộc di tích.
Trước đó, như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, vào khoảng 22 giờ 15 phút ngày 3/5, trong quá trình kiểm tra thường xuyên khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông, nằm tại thôn 1, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, lực lượng của Ban Quản lý di tích Lam Kinh đã phát hiện những vật thể bất thường.
Cụ thể, gần khu lăng mộ có một chiếc điện thoại màu xanh với ngôn ngữ hiển thị bằng tiếng Trung, một giấy tờ tùy thân của nam giới mang quốc tịch Trung Quốc và một cây "xăm" – dụng cụ chuyên dùng để dò tìm cổ vật bằng cách thăm dò lòng đất – vẫn đang cắm xuống khu vực đất gần mộ. Đáng chú ý, tuy không phát hiện hành vi đào bới, nhưng dấu hiệu "xăm" xuống lòng đất cho thấy mục đích rõ ràng là thăm dò tìm cổ vật.
Sau khi phát hiện vụ việc, Ban Quản lý đã lập tức báo cáo lên cấp trên. Ngay sau đó, Sở VTT&DL Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với Công an tỉnh vào cuộc điều tra.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 4/5, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ 2 đối tượng là những người đã xâm hại lăng mộ.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật trái phép trong khu vực di tích.
Đồng thời giao Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường quản lý, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được giao quản lý, trực tiếp quản lý, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Khu Lăng mộ đá cổ hơn 100 tuổi giữa lòng Hà Nội cần được tôn tạo
Kinhtedothi - Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải có tính đặc thù cao về kiến trúc, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo, lăng được xây toàn bộ bằng đá cẩm thạch trắng theo kiểu chữ ''Đinh'', dài 8m, cao 6m. Toàn bộ công trình được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1962.
Độc đáo phong tục lấy đỏ tại lăng mộ tướng quân Chu Bá
Kinhtedothi - Nghi thức rước mã, hóa vàng lấy lửa thiêng cầu may diễn ra tại khu mộ Chu Bá. Vàng mã được hóa theo tục lệ và người dân lấy lửa đó đem về nhà gọi là “lấy đỏ” đầu năm.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm phạm, để lại thiết bị dò cổ vật và giấy tờ lạ
Kinhtedothi - Khu lăng mộ vua Lê Túc Tông, thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, có dấu hiệu bị xâm phạm trái phép. Tang vật tại hiện trường cho thấy khả năng vụ việc liên quan đến hoạt động truy tìm cổ vật trái phép với yếu tố nước ngoài.