Bữa cơm gia đình giữa vòng xoáy cuộc sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề được Bộ VHTT&DL phát đi...

Kinhtedothi - “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề được Bộ VHTT&DL phát đi trong Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay. Đây cũng là vấn đề được đề cập đến nhiều trong các cuộc bàn luận về hạnh phúc gia đình. Bởi thực tế cho thấy, khi mối quan hệ trong các gia đình lỏng lẻo dần, việc ăn với nhau một bữa cơm cũng thành việc khó.

Một người vợ than thở, đã rất lâu rồi vợ chồng không ngồi cùng mâm cơm với nhau. Vòng quay của cuộc sống cuốn cả hai xoay tròn, xoay tròn mỗi ngày. Trưa vợ chồng ăn ở công ty, chiều vợ về nhà lo cho con và ăn cơm một mình, anh ăn ở ngoài rồi đi học… Nhiều khi được ăn cùng nhau một bữa cơm gia đình cũng là điều xa xỉ. Công việc của chị, chị biết, công việc của anh, anh lo, vợ chồng không được giãi bày, chia sẻ, cứ thế, mất dần đi những điểm chung. Và đây cũng là nguyên nhân khiến họ ngày càng xa cách. 
Bữa cơm gia đình giữa vòng xoáy cuộc sống - Ảnh 1
Một cô bé kể, lúc nào cô cũng có cảm giác muốn nổi loạn, bởi bố mẹ đâu biết những khoảng trống vô hình trong lòng cô bé khi suốt ngày bận rộn với công việc, các mối quan hệ và những bản hợp đồng. Bố mẹ đâu biết đã bao nhiêu ngày cô bé phải ăn cơm một mình, có khi chỉ là bát mỳ tôm cho qua bữa. Một hôm đến nhà bạn chơi, cô bé được mẹ bạn giữ lại ăn cơm. Bố mẹ bạn chỉ là những người công nhân bình thường, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trên mâm cơm hôm ấy chỉ có một đĩa rau, đĩa thịt kho nhỏ và một bát canh nhưng cả nhà quây quần bên nhau đầm ấm biết bao. Cô bé đã nhiều lần nghe bạn bảo, “nhìn bố mẹ túng thiếu mà thèm một cuộc sống đầy đủ như bạn”. Nhưng những lúc ấy, cô bé chỉ biết cười mà cay xè khóe mắt. Bởi bạn đâu biết điều cô bé mơ ước nhất không phải là những thứ vật chất đủ đầy, mà giấc mơ lớn nhất trong lòng cô chính là những bữa cơm gia đình đầm ấm như gia đình bạn.

Câu chuyện ấy có lẽ không phải là cá biệt trong cuộc sống hiện đại bây giờ. Rất nhiều gia đình chỉ có ít người, nhưng cả ngày cũng không có thời gian để cùng ăn với nhau một bữa cơm. Con cái đi học, cha mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, thành thử bữa cơm tụ họp thưa thớt dần. Dần dà, tất cả điều này làm cho thời gian dành cho nhau trở nên hiếm hoi. Đây là một thực tế đáng buồn đã và đang xảy ra trong nhiều gia đình hiện nay. Trong không ít ngôi nhà tiện nghi, chỉ thường xuyên có mặt người giúp việc thay chủ nhà chăm lo cơm nước cho con cái. Bởi khi ấy, người vợ còn mải lo làm ăn, người chồng đi công tác vắng.

Trong các cuộc nói chuyện về hạnh phúc gia đình, không ít người đàn ông phàn nàn: Những bữa ăn là sợi dây gắn bó các thành viên trong gia đình lại với nhau và kéo người đàn ông về với gia đình. Thực tế, không phải không có những gia đình hiện đại vẫn giữ được cho mình một lối sống bền chặt, gắn kết. Họ đã cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững đúng nghĩa, có sự liên quan mật thiết với nhau trong một vòng tròn cha - mẹ - con cái. Và bữa cơm được coi là “cái cớ” cần thiết và đầy đủ để nuôi dưỡng sự gắn kết ấy. Nhưng thực sự, chuyện "cơm áo gạo tiền" đang ngày càng tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình, khiến những đứa trẻ phải sống trong ngôi nhà nơi bố mẹ chỉ mải mê kiếm tiền, bỏ mặc con cái. Đó cũng là lý do “bữa cơm gia đình” tưởng như là chuyện đương nhiên, đã trở thành một việc khó rất cần sự kêu gọi, chung tay lưu giữ lại.

“Đừng để cho bếp nguội lạnh”, đó cũng là lời khuyên của tất cả chuyên gia tư vấn trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình. Cũng đừng làm một bữa ăn qua loa, người này đứng dậy, một lát sau người khác ngồi xuống. Hãy tận dụng những điều tuyệt vời mà bữa cơm mang lại để không người chồng, người vợ, người con nào có thể quên khi mỗi khi xa gia đình. Có người đã ví bữa cơm giống như chim chiều về tổ, đó chính là lúc vợ chồng, con cái về bên nhau, cùng chăm chút và thể hiện tình yêu thương với tổ ấm của mình. Bữa ăn có sự sum họp của tất cả các thành viên cũng nhắc nhở mọi người phải quan tâm đến nhau, quan tâm tới sự vắng mặt của nhau. Bữa cơm là thời gian quý báu nhất trong ngày mà bố mẹ và các con có thể gần gũi trò chuyện. Nếu ai đó không có ai để chờ đợi và không đợi ai cho bữa cơm gia đình, đó quả là một bất hạnh. 

Bởi thế, dù xã hội hiện đại đến đâu chăng nữa, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp, mà cụ thể là bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong mọi thời điểm, khi ta nhỏ, khi ta lớn, khi ta già đi. Hãy trân trọng và biết tận dụng sức mạnh tuyệt vời của bữa cơm gia đình trong việc giữ gìn tổ ấm cũng như nuôi dưỡng tâm hồn, đó không phải điều quá khó nếu mỗi người biết tự điều chỉnh cách sống của mình.