“Bữa tiệc” âm nhạc mới Á – Âu đã khép lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 12/10, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình bế mạc “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”. Đến dự có ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ.

Diễn ra trong 5 ngày từ 8-12/10 tại Hà Nội và TP Hạ Long (Quảng Ninh), Festival đã giới thiệu với khán giả gần 100 tác phẩm tiêu biểu của các nhạc sĩ đến từ hơn 30 quốc gia châu Á, châu Âu và Việt Nam.

Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, hình thức khác nhau như Giao hưởng, Thính phòng, Dân gian, Dân tộc, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng đã được trình diễn trong 7 chương trình chính. Đặc biệt, buổi hoà nhạc dân tộc Việt Nam tại hang Đầu Gỗ đã để lại ấn tượng sâu sắc với các đại biểu và du khách quốc tế.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” đã quảng bá những thành tựu âm nhạc mới của các nhạc sĩ đương đại, đồng thời, giới thiệu về đất nước – con người – văn hóa, âm nhạc Việt Nam với bạn bè quốc tế, nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và phát triển văn hóa giữa Việt Nam và các nước Á, Âu.

 
Nghệ sĩ Bùi Công Duy biểu diễn trong đêm bế mạc.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy biểu diễn trong đêm bế mạc.
Phát biểu tại lễ bế mạc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014 cho rằng: “Gần 100 tác phẩm được trình bày đã vẽ nên bức tranh sinh động, đầy màu sắc về âm thanh, về tình hữu nghị, đoàn kết và về tài năng của các nhạc sĩ đương đại Á – Âu. Chia tay nhau ở đây, nhưng các nhạc sĩ sẽ vẫn kết nối trái tim với nhau bằng âm nhạc. Khi chúng ta nghĩ đến âm nhạc, âm nhạc vang lên, nghĩa là chúng ta đã gần nhau. Và hy vọng trong tim các bạn sẽ mãi lưu giữ hình ảnh đất nước Việt Nam mến khách của chúng tôi”.

Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam” cho các nhạc sĩ quốc tế tham dự festival.

Trước khi diễn ra lễ bế mạc là phần trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cùng các nghệ sĩ Violon Stepan Yakovich, Bùi Công Duy, nghệ sĩ đàn Harp Nana Kinemura, ca sĩ Nhật Thủy, nghệ sĩ Soprano Hà Phạm Thăng Long, nghệ sĩ Tenor Mạnh Dũng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản - Honna Tetsuji.

Khán giả cùng bạn bè quốc tế đã được thưởng thức 7 tác phẩm, gồm: “Nostalgia Passacaglia” (Kyrgyzstan); “Những ô cửa” Chương I (nhạc sĩ Trọng Đài – Việt Nam); “A time for prayer” (Nhật Bản); Bản Giao hưởng số 9 "Cửu Long dậy sóng" chương 3 Đêm trăng Tháp Mười (nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam – Việt Nam); “Miền xa thẳm” (nhạc sĩ Đức Trịnh – Việt Nam); trích Opera “Cô Sao” (nhạc sĩ Đỗ Nhuận – Việt Nam); “Chiếu dời đô” (nhạc sĩ Doãn Nho – Việt Nam).

Các tác phẩm trong đêm diễn bế mạc viết về những chủ đề khác nhau của cuộc sống, phản ánh cảm xúc triết lý sâu sắc của cá nhân đối với quê hương, thế giới và nhân loại. Tất cả tạo nên bức tranh hòa âm đa dạng, sắc thái khác nhau, khắc họa vẻ đẹp cuộc sống, những cung bậc về nội tâm con người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần