Bức tranh ảm đạm của doanh nghiệp xây dựng

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng nợ vòng quanh, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp vật liệu… đang khiến nhiều nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, chưa có lối ra.

Thị trường bất động sản ảm đạm, giá vật liệu tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Công Hùng
Thị trường bất động sản ảm đạm, giá vật liệu tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Công Hùng

Dự báo một năm khó khăn

Ngành bất động sản đóng băng đã đẩy những DN xây dựng dân dụng như Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, Fecon hay Coteccons... vào thế hoạt động cầm chừng. Với Công ty CP Fecon, doanh thu hoạt động tài chính trong quý I/2023 giảm tới 46% so với cùng kỳ 2022.

Nguyên nhân là do doanh thu giảm và chi phí tài chính của DN này tăng 47% so với cùng kỳ, lên hơn 69 tỷ đồng, trong đó lãi vay đã tăng 44%, lên hơn 66 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2023, nợ phải trả của Fecon ở mức 4.377 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay chiếm 3.050 tỷ đồng, chiếm 70% nợ phải trả, gồm 1.891 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.159 tỷ đồng vay dài hạn.

Nặng nề nhất có thể kể đến Tập đoàn Hòa Bình, riêng quý I/2023, DN này kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp 203 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 198 tỷ đồng. Khó khăn từ hoạt động tài chính trong khi chi phí lãi gia tăng, cùng với các chi phí khác khiến tập đoàn lỗ ròng 444 tỷ đồng và là quý lỗ đậm thứ hai liên tiếp.

Khó càng thêm khó, khi trong tháng 3, nhóm thầu phụ tại một số dự án do Hoà Bình là tổng thầu như V8, V9 Vinhomes Smart City, L7 Vin Gia Lâm, CT7, CT5 Ecopark... đã thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ.

Được biết, các công ty trên đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty. Nhưng đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công tác quản lý và điều hành sản xuất gặp khó khăn.

Hòa Bình đặt kế hoạch lãi 125 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm ngoái, tập đoàn này thua lỗ 1.140 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả kinh doanh quý I/2023, đại diện Tập đoàn Hòa Bình cho biết, đang tiếp tục thu hồi công nợ và cơ cấu lại nguồn vốn, tìm cách bù đắp các thiếu hụt về tài chính khi nguồn vay từ các ngân hàng chưa kịp đáp ứng đủ dòng tiền.

Thay đổi quy định về đơn giá định mức

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, nhìn từ góc độ hiệp hội, trong một thập kỷ trở lại đây, năm 2023 là năm ngành xây dựng gặp khó khăn nhất. Bởi vì tập trung rất nhiều yếu tố từ kinh tế chung của toàn thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam. Ngành xây dựng gắn bó mật thiết, đồng thời, cũng chịu tác động mạnh nhất bởi ngành bất động sản.

Giai đoạn 2020 - 2023, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, ngành xây dựng được hỗ trợ bởi đầu tư công cho các công trình hạ tầng kỹ thuật với lượng vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có một số ít DN làm được nên việc làm chưa phân bổ đều. Nhìn chung, DN xây dựng đang rất khó khăn khi vừa không có việc làm, vừa gặp vấn đề công nợ từ các các chủ đầu tư. Không có nguồn thanh toán, bên "chịu trận" cuối cùng của cuộc khủng hoảng bất động sản lại là DN xây dựng.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Fecon Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, thị trường là vấn đề lớn với DN xây dựng. Một trong những "cứu cánh" là đầu tư công nhưng lại có những rào cản nhất định.

Thứ nhất đến từ quy định về Luật Đấu thầu, bởi khi chọn thầu thường xem năng lực kinh nghiệm đối với các công trình tương tự trong vòng 5 năm. Nếu nhà thầu có năng lực kinh nghiệm cấu thành để thực hiện dự án nhưng công trình tương tự không có cũng không thể tham gia thị trường.

Thứ hai, đơn giá định mức của Nhà nước chưa theo kịp thị trường dẫn đến DN xây dựng tham gia đầu tư công nguy cơ lỗ, đặc biệt là đơn giá vật liệu xây dựng khi tăng cao không thể cập nhật định mức. Bởi vậy, một số dự án đầu tư công khó có thể đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, một số đơn giá do địa phương công bố thường thấp hơn thị trường từ 8 - 12%. Như Vinaconex sau khi nhận gói thầu cao tốc đoạn Mai Sơn – Quế Lộ, bộ phận dự toán thi công đã thấy lỗ 40%.

"Nhiều câu hỏi được đặt ra, sao biết lỗ vẫn còn làm? Nếu không làm thì không có việc để lo bảo hiểm xã hội và tiền lương cho người lao động, bộ máy công ty. Do đó, nhà thầu biết lỗ nhưng chấp nhận để hy vọng ngày mai tìm được công trình khác để bù đắp" - Chủ tịch VACC chia sẻ.

Về vấn đề giải pháp, đại diện VACC kiến nghị cần có hành lang pháp lý công bằng hơn để bảo vệ nhà thầu. Ví dụ, cơ chế bảo đảm thanh toán của chủ đầu tư, nếu muốn nghiệm thu, đưa vào sử dụng công trình phải xác định trách nhiệm của nhà thầu đã hoàn thành.

Đồng thời cần một cuộc cách mạng về đơn giá định mức trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, cần cơ chế hỗ trợ nhà thầu một cách bình đẳng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cơ chế về đào tạo khi không có DN nào có thể đảm đương, tài chính.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích thêm, nếu trước kia lao động thời vụ trong ngành chiếm 80 - 85% thì nay đã giảm xuống còn 65 - 70%, nghĩa là trình độ công nghệ tăng lên nên sẽ cần có thợ được đào tạo chuyên nghiệp mà những DN vốn vừa và nhỏ không thể đủ khả năng. Vì thế, trước mắt Hiệp hội đang liên kết các DN lớn để thành lập trường đào tạo.

 

Hiện nay, vốn vay xây dựng đang được quan niệm là vốn vay dịch vụ công nghiệp chứ không phải sản xuất. Trong khi đó xây dựng sản xuất ra sản phẩm quy mô lớn nhưng không được ưu đãi về lãi vay như sản xuất công nghiệp. Ưu đãi của ngân hàng chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà thầu xây dựng.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần