Bức tranh chưa sáng sủa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Báo cáo Năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Việt Nam do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 25/1 tại Hà Nội cho thấy: Dù có những chuyển biến nhưng bức tranh về năng lực hoạt động của các HHDN Việt Nam chưa thực sự sáng sủa.

Đa số HHDN Việt Nam có năng lực hoạt động ở mức cơ bản và khá, rất ít hiệp hội được đánh giá ở mức đáp ứng cao chu cầu của DN...

Chưa thoát “vòng luẩn quẩn”

Từ tháng 7 - 10/2012, nhóm nghiên cứu Ban Pháp chế VCCI khảo sát thực tế tại 50 HH đa ngành cấp tỉnh và 28 HH ngành hàng cấp quốc gia trên cả nước, dựa vào 5 chỉ số đánh giá: Chiến lược phát triển và năng lực quản trị, năng lực tài chính và cơ sở vật chất, năng lực vận động hội viên, năng lực vận động chính sách, năng lực xây dựng và phát triển cộng đồng DN.

Trong thời hội nhập toàn cầu, sự chuyên nghiệp của HHDN sẽ góp phần chia sẻ thông tin, xúc tiến thương mại, tạo lợi thế trong đàm phán quốc tế cho DN... và nhất là thúc đẩy liên kết kinh doanh - điểm yếu của DN tư nhân Việt Nam. Song theo khảo sát, nhân lực tại các HH rất hạn chế, không đủ am hiểu kinh doanh hay khả năng ngoại ngữ. Phần lớn HH ngành hàng quốc gia cho rằng, năng lực cán bộ đáp ứng được ở mức cơ bản (71%) hoặc một phần (17%); còn tỷ lệ đáp ứng mức cơ bản tại các HH đa ngành cấp tỉnh chỉ là 52%. Nguyên nhân một phần do với mức lương trung bình thấp của xã hội (3 - 4 triệu/tháng), HH không thể tuyển dụng nhân lực tốt.

Bức tranh chưa sáng sủa - Ảnh 1

Hàng trước khi xuất xưởng tại Công ty Thép Việt - Đức. Ảnh: Việt Linh

Trong khi đó, "dịch vụ chất lượng cao mà HH cung cấp được DN xem là một tiêu chí để gia nhập. Đã có những DN trả phí rất cao để vào HHDN nước ngoài tại Việt Nam hay HHDN ở các nước mà không tham gia HHDN trong nước. Còn với HH, khi không có hội viên, hội viên không đóng phí thì chắc chắn không thể đủ nguồn lực hoạt động. Như vậy, bản thân các HHDN Việt Nam đang lâm vào “vòng luẩn quẩn” chưa có lối thoát", ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết: Một số DN tâm sự "không rỗi hơi" mà tham gia HH bởi việc đó chỉ để vui vẻ, trong khi họ đang "sống dở chết dở". Đúng là nhiều HH chưa phản ánh được nhiều tiếng nói của hội viên, dù DN đang có nhiều bức xúc. Muốn thoát khỏi "vòng luẩn quẩn" này, HHDN phải hướng tới chất lượng hơn số lượng, biết dấn thân gỡ khó cho DN.

Thực tế để tồn tại, nhiều HHDN tìm cách vận động để được hưởng cơ chế "hội đặc thù" với sự đảm bảo của Nhà nước về tài chính, nhân lực. Nhưng theo nhóm nghiên cứu, về lâu dài điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập và chuyên nghiệp của HH, bởi khi HH lấy kinh phí nhiều từ ngân sách, việc vận động chính sách có còn khách quan? Theo TS Lê Đăng Doanh, không thể chỉ vì "ăn lương" Nhà nước mà một số HH trở thành công cụ cho chính quyền địa phương hơn là cầu nối cho DN với cơ quan chính sách.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý  

Một chức năng cốt lõi của HHDN là đại diện bảo vệ quyền lợi DN, tham gia vận động chính sách và đối thoại chính quyền DN. Để thực hiện chức năng này, yếu tố đầu tiên vẫn là HH có địa vị phù hợp. Song thực tế, khung pháp luật về hoạt động Hội nói chung và HHDN nói riêng vẫn chưa hoàn thiện. Quyền tự do lập Hội được quy định tại Hiến pháp nhưng Luật về Hội đã mất rất nhiều năm dự thảo mà vẫn chưa thông qua, Nghị định riêng về HHDN dù đã có chỉ thị của Thủ tướng nhưng nhiều năm qua cũng chưa được ban hành. Điều HH mong mỏi nhất hiện nay là Nhà nước sớm ban hành Luật về Hội hoặc Nghị định riêng điều chỉnh hoạt động các HHDN. Chỉ khi đó, họ mới điều chỉnh được chiến lược và hoàn thiện quản trị, xác lập chính thức về vị trí và vai trò với cơ quan Nhà nước.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, bản thân các HHDN cần cố gắng nâng cao năng lực, gắn kết hội viên với chính quyền. VCCI cũng kiến nghị cơ quan Nhà nước tăng cường cơ chế đối thoại với HHDN để lắng nghe nhiều hơn trước khi xây dựng chính sách hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan Nhà nước chuyển giao nhiều dịch vụ công cho HHDN, như chức năng điều phối quota trong xuất khẩu gạo mà Hiệp hội Lương thực đang thực hiện. Hoặc chuyển giao các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư cho HH cũng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu DN, vì HH hiểu rõ DN nên sẽ huy động được nhiều vốn đóng góp của DN, vừa giúp HH phát triển hội viên. Nhà nước cũng cần tăng năng lực cho HHDN bằng cách đưa các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp của cơ quan Nhà nước với DN chuyển thành hỗ trợ gián tiếp thông qua HH, để HH trở thành "cánh tay nối dài" của cơ quan Nhà nước.

Tuy là một HH ngành hàng lớn với trên 100 hội viên, chiếm 90% năng lực sản xuất thép cả nước, nhưng nhiều khi HH Thép Việt Nam rất mệt mỏi khi tham gia trợ giúp DN theo đuổi các vụ kiện tụng. Một trong các nguyên nhân là thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, mà việc thuê tư vấn luật rất tốn kém. Nếu chúng tôi không theo được các vụ kiện đến cùng thì DN sẽ bị bên kiện bất hợp tác, chặn đường xuất khẩu, trong khi DN đang phải đối mặt rất nhiều vụ kiện về chống trợ cấp, chống phá giá... không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay trong nội khối HH thép Đông Nam Á, phải chiến đấu với DN tại nhiều nước khổng lồ như Trung Quốc...

Ông Phạm Chí Cường Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam