Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cho thấy nỗ lực của Chính phủ song nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng phải dựa vào nội lực, năng suất lao động trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN), tìm kiếm động lực tăng trưởng cho giai đoạn sau năm 2020.

 
Tăng năng suất lao động và hàm lượng KHCN
Theo các đại biểu (ĐB), 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 6,98% là mức tăng cao nhất và dự báo tăng trưởng cả năm 2018 đạt kế hoạch. Xuất siêu đáng mừng, tỷ giá ổn định, lạm phát kìm được là đáng mừng. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu chỉ ra nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tồn tại và hạn chế. Khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc; dư địa thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là thu ngân sách T.Ư khó khăn.
Môi trường kinh doanh, cải cách hành chính vẫn còn tình trạng T.Ư quyết tâm, nhưng xuống đến địa phương còn hạn chế. Quốc hội đã chất vấn tư lệnh ngành, nhưng trên thực tế, khúc mắc phát sinh rất nhiều ở cơ sở. Cần có giải pháp để xác định và xử lý đồng bộ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. 
ĐB Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018), số thu nội địa tăng chậm, các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán trong những năm gần đây; tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, số lượng thành lập mới lớn nhưng số DN chờ phá sản cũng khá cao...
ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kontum) nhắc đến câu chuyện tăng năng suất lao động. "Tay nghề lao động của Việt Nam đạt nhiều kết quả cao tại các giải quốc tế nhưng để tạo thành đội ngũ đông đảo những người lao động như thế chưa đạt. Cần có cách nhìn đúng đắn và toàn diện trong hoạch định chính sách, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cải thiện trình độ kỹ thuật lao động. Khuyến khích đầu tư KHCN, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sang hoạt động có giá trị gia tăng, nâng cao đóng góp vào năng suất các nhân tố tổng hợp”- ĐB Tô Văn Tám nói.
Tuy vậy, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thứ bậc về môi trường cạnh tranh của Việt Nam bị giảm đi do chúng ta chưa kịp theo các nước trong đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, chưa thích nghi kịp với các nước trong khu vực. “Nếu không nâng cao, đổi mới năng lực sáng tạo thì không cạnh tranh được. Phải áp dụng KHCN, nâng cao năng suất tăng giá trị hàng hóa của chúng ta lên”- ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Sản xuất, lắp ráp ô tô tại nhà máy ô tô Hyundai Thành Công. Ảnh: Nguyễn Lương
Đầu tư trọng tâm, giảm phụ thuộc tín dụng
Trong tình hình mới, Chính phủ đã sớm đề xuất và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tuy vậy 3 trụ cột tái cơ cấu được tiến hành chậm, khó hoàn thành mục tiêu trước năm 2019.
Quá trình sắp xếp lại DNNN không hoàn thành. Mục tiêu 1 triệu DN khó khăn. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Nghiên cứu ban hành các chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức DN, đặc biệt là DN tư nhân.
Theo ĐB Quốc Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh), giải pháp thời gian tới, ổn định nền kinh tế là cần ưu tiên. Chính sách tiền tệ cũng cần thận trọng. Lãi suất cố gắng không tăng trong thời gian tới để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN. Tổng mức tín dụng ở Việt Nam là 136% trên GDP. Cung tín dụng không nên cao hơn 16% như các năm trước (18%). Thiếu hẳn một thị trường chuyên biệt, đặc biệt 2 trung tâm tài chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên sớm tạo mọi điều kiện tạo 2 thị trường vốn, trung tâm tài chính.
Bàn về tài chính – ngân sách, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh một thành quả của quản lý đầu tư công là quản lý theo trung hạn, xoá dần tình trạng “ăn đong”. Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng 3 năm qua đủ để thấy vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
“Chẳng hạn, chưa ở đâu có kiểu phân bổ như chúng ta: 64 tỉnh, thành mỗi địa phương có 1 dự án dùng vốn trái phiếu Chính phủ. Cần quyết định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên. Chúng ta chú trọng phân bổ đầu vào (nôm na là chia tiền ngân sách) mà chưa thực sự phân tích đầu ra xem bao nhiêu dự án hiệu quả. Tôi tán thành phân bổ ngân sách theo hiệu quả đầu ra và đề nghị Chính phủ tới đây phải có cam kết là với vốn đầu tư như thế thì đầu ra sẽ như thế nào” - ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhận định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Đến năm 2020, đảm bảo các địa phương thu sát với dự toán

Tốc độ giao dự toán năm 2018 cho 16 địa phương tăng hơn 18%. Cụ thể, Hà Nội dự toán năm 2018 tăng 24,5% so với năm 2017; Đà Nẵng tăng 24,8%; TP Hồ Chí Minh tăng 24,5%... Để khắc phục tình trạng này, năm 2019, Bộ điều chỉnh lại để vẫn đảm bảo tăng thu nội địa, cổ phẩn hóa, thoái vốn Nhà nước nhưng phải đảm bảo phù hợp với các địa phương. Theo đó, Hà Nội năm 2019 giảm xuống còn 12,9%, Đà Nẵng còn 15,6%, TP Hồ Chí Minh tăng 12,9%... Từ đó, càng ngày dự toán càng sát với thực tế và đến năm 2020 đảm bảo các địa phương thu sát với dự toán.

Về điều chỉnh đầu tư công trung hạn, thực chất là kế hoạch con của kế hoạch tài chính 5 năm và nó không thể tách rời nhau. Mục tiêu chung thì điều chỉnh nhưng kiên quyết giữ mức bội chi và nợ công của nhiệm kỳ theo đúng tinh thần nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm. Nếu không thay đổi, đến năm 2020 tổng mức đầu tư công vượt trên 100.000 tỷ đồng và trong đó có khoảng trên 300.000 tỷ đồng vượt ở ngân sách địa phương theo phân cấp. (Trần Long ghi)