Kinhtedothi - Qua quá trình kiểm tra thực tế, đại diện nhiều địa phương thừa nhận, cần rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức để tránh những “hạt sạn” đã xảy ra trong lễ hội.
Đoàn rước kiệu hành lễ tại Đền Thượng trong hội Gióng 2014 tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Năm 2016, Bộ VHT&DL sẽ tăng cường thanh tra trước mùa lễ hội, đặc biệt đối với những điểm di tích được báo chí phản ánh để xảy ra nhiều tiêu cực, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết.
Hơn 3 tuần diễn ra lễ hội 2015, báo chí liên tục phản ánh tình trạng xô đẩy, bạo lực diễn ra trong lễ hội. Qua quá trình kiểm tra ở các địa phương, ông có thấy nhiều sự việc xảy ra như phản ánh?
- Ngay khi lễ khai ấn ở đền Trần (Nam Định) khai màn, đoàn thanh tra của Bộ VHTT&DL đã có mặt. Chúng tôi khẳng định, lễ khai ấn (đêm 14 tháng Giêng) diễn ra trong trật tự, nền nếp. Một phần giữ được trật tự là buổi lễ đó chỉ có khách mời, quân đội và công an; không có người dân. Sau lễ khai ấn, nhà đền mở cửa, người dân ùa vào nên xảy ra cảnh cướp lộc. Hay như lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), cảnh cướp giò hoa tre chỉ là một phần của lễ hội. Thế nhưng cũng phải khẳng định là Ban Tổ chức không lường trước được việc để cướp lộc tự do sẽ xảy ra các hình ảnh phản cảm như thế. Chính vì vậy, khi làm việc với địa phương, họ thừa nhận cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức, để mùa lễ hội năm sau diễn ra trật tự, văn minh hơn.
Năm 2016, trước mùa lễ hội với những điểm để xảy ra tình trạng phản cảm, Thanh tra Bộ sẽ kiểm tra khâu chuẩn bị tổ chức, khắc phục.
Trước mùa lễ hội 2015, Bộ VHTT&DL tập trung chỉ đạo thanh tra kiểm tra, nhắc nhở vấn đề sử dụng tiền lẻ trong lễ hội. Thế nhưng, vấn đề nổi cộm của lễ hội năm nay lại là bạo lực. Phải chăng, Bộ VHTT&DL đã định hướng quản lý “lệch”?
- Lễ hội là chốn đông người, diễn ra trong không gian chật hẹp, không nảy sinh vấn đề này sẽ nảy sinh vấn đề khác, Bộ đều lường trước có khả năng xảy ra chen lấn, xô đẩy. Trong các văn bản chỉ đạo các vấn đề lễ hội của Ban Bí thư T.Ư, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh, Ban Tổ chức đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho Nhân dân. Bộ hoàn toàn không lúng túng trong việc chỉ đạo, vì chỉ có thể ra văn bản chỉ đạo chung, không thể chỉ đạo từng lễ hội.
Theo quan điểm cá nhân ông, nên có biện pháp nào để hạn chế xô đẩy, chen lấn ở lễ hội đền Trần (Nam Định), hội Gióng (Sóc Sơn), cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ)…?
- Theo tôi, đã là nghi thức của lễ hội truyền thống thì không nên bỏ, nhưng cần hạn chế số người tham gia. Chúng ta có thể học hỏi từ lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang). Khi nghi thức tắm bà, xé áo phát lộc chỉ có khoảng 600 người có giấy mời được tham gia. Họ được bố trí ghế ngồi, nhận lộc theo trình tự, nên buổi lễ diễn ra rất trật tự. Ở đền Trần, có lẽ chúng ta cần nghiên cứu có nên mở cửa cho dân vào lễ sau giờ phát ấn không, bởi vì nhiều người dân vào chỉ cướp lộc. Với tục đập trâu, chém lợn chỉ nên làm hình tượng hóa, có tính chất biểu diễn, không được đập thật, chém thật...
Bộ VHTT&DL vừa ban hành tiêu chí chấm điểm lễ hội. Tiêu chí ấy sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Bộ trưởng ban hành quyết định kèm theo 19 tiêu chí chấm điểm lễ hội, trong đó có tiêu chí đặt hòm công đức, đặt tiền lẻ… Bộ trưởng sẽ phân công cho các cơ quan chức năng theo dõi thu thập thông tin, trong đó, thông tin quan trọng là thu thập từ các cơ quan báo chí. Cuối năm, Bộ sẽ tổng kết các biên bản báo cáo chấm điểm để bình xét thi đua của từng cơ sở.
Xin cảm ơn ông!