Để đón sóng đầu tư FDI với quy mô lớn hơn, bền vững hơn, giá trị cao hơn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới.
Giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm qua
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT, 5 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,71 tỷ USD. Tính tới ngày 20/5/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong 5 năm qua.
Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Cụ thể, năm 2021, vốn đăng ký đạt 31 tỷ USD, tăng 9% và vốn thực hiện đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với năm 2020. Lũy kế đến 20/12/2021, Việt Nam đã thu hút được 408 tỷ USD với trên 35.500 dự án FDI còn hiệu lực đồng thời số vốn đã giải ngân đạt 251 tỷ USD, đạt 62% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. 5 tháng đầu năm 2022 vốn đăng ký đạt 11,71 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 13,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 12,9 tỷ USD không kể dầu thô.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng thông tin, xu hướng gia tăng vốn, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã và đang thể hiện rõ nét. Tiêu biểu phải kể đến tập đoàn Lego với mức đầu tư là 1,3 tỷ USD và Coca-Cola với mức đầu tư là 136 triệu USD, đây đều là những tập đoàn lớn, nổi tiếng trên thế giới.
Việt Nam đã nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự góp mặt của một số tên tuổi sáng giá trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Foxconn…
Những tập đoàn, công ty nói trên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khả năng mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất, gia công linh kiện điện tử, thiết bị di động chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu, mà còn là địa điểm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius cho biết, cộng đồng DN Mỹ nhận được nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki nói: AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản.
Các cuộc khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)... gần đây cũng cho thấy 60 - 65% DN thành viên đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động trong năm 2022.
Vốn FDI vào Việt Nam năm 2022 có thể đạt 40 tỷ USD
Cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của các nhà đầu tư tăng mạnh.
Cách đây hơn một tuần, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc, và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5 - 7% từ năm 2023.
Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam là thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) hấp dẫn năm 2022 và những năm tiếp theo. Nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực RCEP, đã có hiệu lực, mang lại lợi thế thương mại cho Việt Nam và kích thích đầu tư, bao gồm cả FDI vào Việt Nam.
Các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng theo chất lượng quốc tế. Theo Bộ KH&ĐT, hiện nay, cả nước có 335 KCN với tổng diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường để thu hút các dòng vốn ngoại tệ mạnh từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu (EU)...
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, với những tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm cùng với sự lạc quan, tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư FDI, có thể kỳ vọng vào bức tranh thu hút vốn ngoại khởi sắc trong thời gian tới... Do vậy, năm 2022, Việt Nam có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21 - 22 tỷ USD vốn thực hiện như mục tiêu đề ra.
Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư chất lượng cao
Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị đề ra các mục tiêu thu hút FDI trong giai đoạn 2021 - 2025 với số vốn đăng ký 150 - 200 tỷ USD, vốn thực hiện 100 - 150 tỷ USD; tương ứng giai đoạn 2026 - 2030 là 200 - 300 tỷ USD và 150 - 200 tỷ USD.
Về chất lượng, tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao phấn đấu tăng 50%, tỷ trọng lao động qua đào tạo tăng 70%, tỷ lệ nội địa hóa tăng 30% vào năm 2025 và tăng tương ứng 100%; 80% và 40% vào năm 2030 (so với 2018). Bên cạnh đó, chủ trương thu hút FDI vào kinh tế xanh cũng như quá trình chuyển giao công nghệ xanh (tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh).
GS Nguyễn Mại cho rằng, mục tiêu về số lượng đặt ra tại Nghị quyết là hoàn toàn có thể thực hiện được trên cơ sở Việt Nam có thể chế chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định với thị trường gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hơn thế, Việt Nam đang có nhiều điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí dịch chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng. Dù vậy, để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI, Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài kiến nghị cần có sự đổi mới nhận thức và thống nhất hành động.
Hơn nữa, các cơ quan hữu quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát về đầu tư đồng thời có chính sách hỗ trợ DN nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn và sớm ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến địa phương thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất liên quan đến việc tạo hành lang pháp lý cụ thể để nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài trở thành công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước...
"Một số lĩnh vực của Việt Nam sẽ thu hút FDI mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như hậu cần, công nghệ, dịch vụ tài chính, dịch vụ tiện ích, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sản xuất và bất động sản công nghiệp. Đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường cũng được cả Chính phủ Việt Nam và chính quyền cấp tỉnh khuyến khích." - Ông Lê Xuân Đông - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường và dịch vụ tư vấn tại FiinGroup - nhà cung cấp dữ liệu tài chính và phân tích hàng đầu tại Việt Nam