Với chiến lược đúng đắn, nhiều năm qua, Marvel đã trở thành người tiên phong với các bom tấn chuyển thể từ chuyện tranh về đề tài báo thù và các siêu anh hùng.
Năm nay, Avengers của Marvel, với doanh thu toàn thế giới khoảng 1,5 tỷ USD, không chỉ lọt vào top 10 phim có doanh thu cao nhất mà còn chiếm được tình cảm của nhiều nhà phê bình khó tính. Không chỉ có thế, tương lai của hãng vẫn còn rất sáng láng khi họ quyết định mời Joss Whedon tiếp tục viết kịch bản và đạo diễn The Avengers 2 . Ngoài ra, không thể không nhắc đến những bộ phim trọng điểm của Marvel sẽ ra rạp vào mùa hè năm sau như Captain America: The Winter Solider và Thor: The Dark World . Có thể nói, năm 2012 là một năm không thể hạnh phúc hơn đối với Marvel Studios.
Tuy không đình đám như phim truyện, nhưng thể loại hoạt hình của Hollywood từ lâu vẫn... không có đối thủ. Với những tác phẩm nổi bật được giới thiệu bởi các ông lớn quen thuộc là Pixar, DreamWorks, Blue Sky Studios, Laika Entertainment, các fans của phim hoạt hình đã được thưởng thức bữa tiệc độc đáo trong năm. Từ Brave đến Madagascar 3: Europe's Most Wanted hay Ice Age: Continental Drift , với những câu chuyện đặc biệt, kỳ diệu cùng hiệu ứng hình ảnh sống động chưa bao giờ người yêu mến phim hoạt hình lại được đã mắt đến thế.
Câu chuyện được quan tâm nhất hàng năm ở Hollywood chính là mùa phim hè. Phim hè năm nay đã làm nên bước đột phá tại kinh đô điện ảnh thế giới với những bộ phim cùng dàn diễn viên ấn tượng vừa giành được điểm cao từ phía các nhà phê bình, vừa nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Rõ ràng, qua nhiều năm, Hollywood đã dần xóa đi khoảng cách giữa phim thương mại doanh thu cao nhưng bị đánh giá là hời hợt, chỉ phô bày kỹ xảo là chính và dòng phim nghệ thuật được sản xuất để tham dự Oscar. Năm 2012, các bộ phim chủ lực của mùa hè như The Avengers và The Dark Knight Rises đã hoàn thành nhiệm vụ là giữ cho phòng vé sáng đèn trong nhiều tuần, còn các phim nhỏ hơn như Best Exotic Marigold Hotelcủa John Madden, Moonrise Kingdom của Wes Anderson và Magic Mike của Steven Soderbergh thì lại ăn điểm nhờ diễn xuất của diễn viên. Chủ đề trong các bộ phim này rất khác nhau và cùng nhận được lời khen ngợi từ các nhà phê bình giành cho tài năng của người đạo diễn. Bởi họ đã truyền được cảm hứng cho khán giả khiến điện ảnh ngày càng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong xã hội hiện nay.
4 năm trôi qua, kể từ khi Avatar đem đến cho thế giới điện ảnh một cách Nghe và Nhìn mới, 3D chính chính thức bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ. Năm 2012 tiếp tục khẳng định công nghệ 3D đang ở thời của nó. Bỏ qua mọi phiền toái về sự đồng bộ với hệ thống rạp chiếu, rõ ràng 3D là định dạng cần thiết nếu các nhà làm phim muốn dùng hiệu ứng hình ảnh để tiến sâu một bước nữa, chạm tới tâm hồn người xem. Lần đầu tiên, những bộ phim 3D hay nhất của mùa phim năm nay, có một sức sống mạnh mẽ trong một thời gian dài. Không chỉ riêng các phim họat hình vốn được coi là thích hợp nhất với định dạng này là Brave và Ice Age thì các phim bom tấn ăn kèm với bắp rang bơ cũng khiến người xem đã mắt với hiệu ứng 3D. Từ Men In Black 3 tới cuộc hành trình của tàu không gian trong Prometheus, cảnh người nhện vun vút bên các tòa nhà chọc trời ở khu Mahattan và cuối cùng là toàn bộ binh đoàn báo thù trong The Avengers, tất cả đều trông rất tuyệt với hiệu ứng 3D.
Cuối cùng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến ứng cử viên lấp lánh của mùa giải Oscar sắp tới, Life of Pi. Đứa con tinh thần mới nhất của đạo diễn Lý An cũng là tác phẩm đầu tiên mà đạo diễn nổi tiếng này thực hiện ở định dạng 3D đã làm khiến cho cha đẻ của Avatarkhông tiếc lời khen ngợi.
Bom xịt Dark Shadowscủa đạo diễn Tim Burton bị các nhà phê bình đánh giá là được làm với một kịch bản lười nhác. Bộ phim Rock of Ages nói về âm nhạc thập niên 80 thì tệ như đời sống hôn nhân của tài tử đóng vai chính trong đó, Tom Cruise. Total Recall làm lại là một sản phẩm dở ẹc. Batttleship thì không khác gì một game điện tử chơi đông người. Men in Black III tuy có chút thành công ở mức độ vừa phải nhưng vẫn bị xếp vào danh sách phim cẩu thả... đó là những cái tên điển hình thuộc hàng ngũ kẻ bại trận ở Hollywood trong năm qua.
“Không có gì là mãi mãi” - câu này hoàn toàn thích hợp để nói về tương lai của dòng phim khoa học giả tưởng. Kể từ lúc phiên bản 3D của Star Wars Episode I: The Phantom Menace được trình chiếu vào tháng 2/2012, có thể xem như đây là cột mốc đánh dấu thời kỳ đi vào ngõ cụt của phim khoa học giả tưởng. Battleship hay Total Recall phơi bày dấu hiệu mệt mỏi của các nhà biên kịch. The Hunger Games và Men in Black III tuy có được tình cảm của các nhà phê bình và khán giả nhưng không chiếm được trọn vẹn trái tim của người hâm mộ thể loại khoa học giả tưởng.
Năm 2012 cũng cho thấy thế giới showbiz chưa bao giờ hết ồn ào, nhất là khi những sự cố, những câu chuyện buồn đó làm bào mòn lòng tin của con người và hoài nghi với hai từ “hạnh phúc”, “thủy chung”. Năm 2012 khép lại bằng cuộc ly hôn lịch sử giữa Tom Cruise và Katie Holmes. Trái ngược với sự phỏng đoán của nhiều người, là sẽ “ồn ào và dai dẳng”, cặp đôi chia tay trong hòa bình. Katie đạt được thỏa thuận là giành quyền nuôi con gái Suri. Một câu chuyện đáng lưu tâm nữa trong thế giới người nổi tiếng là scandal lộ ảnh được coi là bằng chứng ngoại tình của nữ diễn viên thần tượng nổi tiếng Kristen Stewart. Trong thời gian mặn nồng với bạn trai Robert Pattinson, Kristen lại hẹn hò với đạo diễn đã có vợ. Tuy nhiên, do sự việc chưa đến mức nghiêm trọng cộng với sự nỗ lực chân thành của cô, Robert đã tha thứ cho bạn gái và hai người đã trở về bên nhau.
Năm 2012, cũng là năm hỷ đối với các minh tinh nổi tiếng hàng đầu Holywood: Một số thì làm cưới trong mơ với người mình yêu như Natalie Portman, Anna Hathaway, Justin Timberlake và Jessica Biel, Blake Lively và Ryan Reynolds. Cặp uyên ương nổi tiếng Brad Pitt - Angelina Jolie mới chụp ảnh cưới và trao nhẫn đính hôn chứ chưa chịu tổ chức hôn lễ chính thức.