Bung đêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trà hãm mấy cốc nước tâm sen uống mong vớt vát được một giấc ngủ cho qua cái đận cơ thể quá mệt nhọc vì phải dùng nhiều thuốc kháng sinh.

Mà toàn dạng kháng sinh liều cao mới tiệt hẳn cái họng sưng tấy, mưng mủ và đã bắt đầu nhiễm khuẩn sang tai. Những cơn sốt gần bốn mươi độ kéo dài gần sáu tiếng trong suốt hai ngày dường như đã vắt kiệt sức lực Trà.
Minh họa: Quỳnh Hoa
Minh họa: Quỳnh Hoa
Du đi vắng bỏ mặc Trà co ro trong mấy lớp chăn. Giờ thì những cơn sốt đã dứt, chỉ có thuốc thang là vẫn gầm gào trong mạch máu. Nước uống bao nhiêu cũng không thải ra hết độc tố. Bác sĩ dặn ăn thêm nhiều hoa quả, miệng đắng mấy cũng đã gắng ăn. Du đi làm gọi điện về nhắc uống thêm bột sắn dây và hai viên C sủi. Sự nỗ lực cầu hòa với cơ thể khó khăn hơn Trà tưởng. Suốt mấy hôm không có nổi cảm giác buồn ngủ, chờ đợi thèm một cái ngáp dài. Cơ thể nôn nao tựa như đi lại chỉ bằng hai nửa bàn chân chênh vênh trên mặt đất. Và cứ khoảng nửa đêm là toàn thân nổi ban ngứa ngáy. Trà ước gì có thể kêu than được với Du. Nhưng vào giờ ấy, Du chắc hẳn đã ngủ quên trong phòng trực của bệnh viện bên đống giấy tờ lộn xộn. Không có cách nào khác, Trà đành tự thương mình. Nước tâm sen có vẻ hiệu quả, hai mi mắt như được một bàn tay yếu ớt cố kéo sụp xuống. Trong giấc ngủ mê man chập chờn, Trà thấy mình đang ở trong một căn phòng tuềnh toàng, những cánh cửa bị mở bung vì gió. Chị ra sức đóng lại, nhưng đóng được cánh này thì cánh kia bật mở. Ngoài kia là bóng đêm, là vô vàn hiểm nguy đang rình rập xung quanh. Chúng có thể ào đến uy hiếp Trà khi không có cánh cửa nào ngăn lại.

Nhà Trà hai tầng kiên cố. Đi đâu về cũng phải tra ba lần chìa khóa mới vào được trong nhà. Cửa sắt, cửa gỗ lại thêm một lớp cửa kéo, vậy mà nhiều khi vẫn chẳng thể yên lòng. Có người ở nhà cũng chỉ dám mở hai lớp cửa trong cùng ra cho thoáng. Vẫn phải có một cái khóa to đoành án ngữ mới yên tâm là nhà cửa an toàn. Khu Trà ở đa phần là công nhân. Cứ nửa đêm, họ đi làm ca về, tiếng mở cửa lạch cạch hồi lâu khiến Trà tỉnh giấc. Chị nghĩ mỗi ổ khóa không chỉ ngăn kẻ lạ mà còn khiến chính chủ nhân thêm xa lạ với ngôi nhà. Vì phải bóc dần từng lớp cửa mới chạm đến những thân quen. Ngôi nhà thành thánh địa của nỗi sợ hãi, cô đơn, hoan hỉ và điên loạn. Con người hiện đại chỉ thấy độc một ý nghĩ, rằng càng co mình lại thì càng được an toàn. Những nấm mộ sống là cách người ta ví von với ngôi nhà. Mặc kệ, dẫu thế nào Trà cũng vẫn muốn co ro trong cái tổ an toàn. Thậm chí có lúc Trà nghĩ hay là làm thêm vài cánh cửa, mua thêm vài ổ khóa. Riêng phòng ngủ của Trà luôn được chốt trong bởi hai then cửa bằng sắt rất dài. Nếu không vậy làm sao có thể dỗ dành giấc ngủ khi Du cứ vắng nhà hoài. Nhiều hôm chẳng phải bận trực thì Du cũng ở lại để tiết kiệm thời gian cho quãng đường hơn mười cây số từ viện về nhà. Tổng cộng cho cả đi lẫn về ngót nghét hơn ba chục cây số. Thời gian ấy, anh có thể tranh thủ ngồi tại phòng làm việc để nghiên cứu bệnh án hoặc chúi đầu vào sách vở học lấy bằng tiến sĩ. Cuộc đời Du là những cái đích liên tiếp cần đạt đến. Trà không thấy có bóng dáng mình trong đó. Giống như ngôi nhà này cũng vậy, Du đâu thiết tha gì. Học vị và danh tiếng mới là những thứ quan trọng với Du.

Trà bị viêm amidan mãn tính. Chẳng cần phải trái gió trở trời mới bị nó hành. Đêm nào quên đắp chăn che cổ là y rằng muốn nổi điên vì ngứa. Mỗi lần đi khám là mang về cả vốc kháng sinh liều cao. Ấy thế nhưng cũng chỉ là chấm dứt một cơn bệnh tức thời chứ chẳng có cách nào chữa tiệt. Trà từng nói “Hay là anh nghiên cứu tìm cách nào chữa khỏi hẳn bệnh cho em đi”, Du cười: “Em là cứ phải sống chung với bệnh. Chịu khó súc miệng nước muối mỗi sáng, không ăn uống đồ lạnh và luôn phải giữ ấm cổ của mình”. Mấy lời đó, bác sĩ nào chẳng dặn. Ai cũng bảo Trà sướng vì có chồng làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn, ốm đau có người chăm. Nếu Trà nói mình chưa bao giờ được nhờ chồng về bệnh tật, thuốc thang chắc sẽ chẳng ai tin là thật. Du tận tâm, tận tình với tất cả những người bệnh tìm đến với anh. Thậm chí trong giờ khám đầu ngày, người ta sẵn sàng bỏ thêm tiền, xếp hàng dài để được tận tay anh khám chữa. Chỉ có Trà là bệnh nhân duy nhất chờ đợi anh mỗi ngày trong suốt mười năm qua mà vẫn chưa tới lượt. Anh lúc nào cũng bận và Trà luôn được xếp sau cùng một cách chẳng đắn đo. Làm sao Du hiểu nỗi hoang mang của Trà qua từng đêm vắng. Những cơn sốt có thể ập đến. Kẻ trộm có thể đột nhập. Chập cháy có thể diễn ra. Hỏa hoạn bùng lên đốt cháy tất cả bằng ngọn lửa phừng phừng hả hê căm giận. Vùng này trũng, biết đâu một cơn mưa lũ cũng có thể nhấn chìm tất cả. Căn nhà sẽ chính thức hóa thành một nấm mồ. Khi đó chắc Du vẫn còn ở rất xa…
                   * * *
Hàng xóm cũ chuyển đi, hàng xóm mới vừa đến. Trà chưa thấy ai chuyển nhà mà nhẹ tênh như gã. Độc một cái ba lô lép xẹp chắc đủ đựng vài bộ quần áo là cùng. Vừa mới đến đã thấy gã bấm chuông mượn Trà cái chổi quét nhà. Cũng hơi lạ vì ở đây người ta không có thói quen mượn đồ của nhau. Nhà ai có thì dùng, không có phải sắm, chưa kịp sắm thì tự khắc phục. Cực kỳ hạn chế phiền hà nhau dù chỉ là mấy lời chào hỏi. Nhưng gã hàng xóm mới lại khác, tính xuề xòa y như mới từ quê ra. Hai nhà xây lô sát nhau, sân thượng chỉ được ngăn cách bởi hàng rào sắt bao quanh. Sáng, Trà lên tập thể dục đã thấy gã hì hụi bê đất lên đổ thùng xốp trồng cây. Gã không những trồng hoa mà còn trồng thêm đủ giống rau củ quả. Mấy cây mướp được trồng cạnh hàng rào bên mé nhà Trà. Gã hớn hở bảo: “Để mai này có quả, cả hai nhà đều có bát canh ngon”. Thêm giàn hoa thiên lý thơm mát cả ngày hè. Hôm nào hái hoa, gã cũng phần cho Trà một vốc. Lách tay qua hàng rào sắt dọc ngang, gã thả xuống chiếc rổ trên tay Trà cả trăm bông hoa đang bung nở. Du khen canh thiên lý nấu cua sao ngon thế. Khen mướp luộc chấm nước sấu dầm mắm đúng thật tốn cơm. Ấy thế nhưng cứ nhắc đến hàng xóm là Du lại bĩu môi dè bỉu: “Đàn ông chỉ lúi húi với mấy cây rau thì làm được công to việc lớn gì cho đời”. Trà cười chua chát bảo: “Còn như em, em chả cần người đàn ông chỉ thích làm công to việc lớn”. Du dằn bát xuống bàn lầm lì đứng dậy, chưa đầy năm phút sau đã phóng vội ra đường. Trà thấy lòng trống rỗng nên xin nghỉ làm một ngày, loay hoay lau hai tầng nhà cũng vừa thấm mệt. Nhưng thèm vườn rau như gã hàng xóm quá nên cũng tính chạy xe men theo cánh đồng trước nhà kiếm ít đất về gieo hạt giống.

Gã hàng xóm tình nguyện vác mấy bao đất lên sân thượng giúp Trà. Tư vấn luôn cách trồng và chăm sóc từng loại cây. Trà tò mò hỏi gã về gia đình. Gã cười giòn tan bảo cố trồng một vườn rau sạch để đón vợ con từ quê xuống: “Mấy chậu hoa sen cạn, vợ anh thích lắm. Cô ấy bảo đó là thứ mùi hương thanh thoát, dễ chịu nhất trên đời. Đám ngải cứu sẽ giúp cô ấy đỡ phần nào căn bệnh đau đầu mãn tính. Em có thích gấc không? Vợ anh thì thích lắm. Gấc nấu xôi, ép dầu để làm đẹp da và chống rụng tóc. Nên anh tính vụ tới sẽ trồng thêm dây gấc”. Gã dường như dư thừa năng lượng mỗi khi nói về vợ con mình. Làm nhen lên trong lòng Trà sự ghen tị rất đỗi đàn bà dù thừa biết mình cực kỳ vô lý. Phúc ai người ấy hưởng, ai bảo ngày xưa Trà mê mẩn mẫu đàn ông tài giỏi như Du. Rồi sau này có giữ trong nhà ông chồng mang mác phó giáo sư cũng chẳng khác gì ôm một cuốn từ điển bách khoa dày cộp. Mà loay hoay chẳng biết để làm gì, vì liệu có thể tìm thấy trong đó hai từ “hạnh phúc”? Khi mà một đứa con, Du cũng không muốn có với Trà. Anh khất con như người ta khất nợ. Năn nỉ, ì èo một cách khổ sở. Học xong văn bằng hai, anh xin khất con để học lên thạc sĩ. Giờ anh sắp hoàn thành học vị tiến sĩ mà chuyện con cái xem ra vẫn ơ hờ. Nhiều lúc Trà nghĩ đứa con chờ đợi lâu chắc nó đã đầu thai vào một gia đình khác. Nơi người ta hàng ngày vẫn hau háu đón chờ. Rồi một ngày nào đó, đến cả Du cũng bỏ rơi Trà. Mà cái cách của Du thì đơn giản lắm chẳng cần phải toan tính mệt đầu. Anh cứ mải chìm đắm vào công việc và sẽ quên đi Trà còn tồn tại trong thế giới của hiện thực này.

Du càu nhàu khi thấy đám dây mướp cuối mùa héo quắt rụng đầy lá sang sân thượng nhà mình. Trà bảo rụng thì quét, canh ngọt cả mùa sao chẳng thấy thở than. Du bỗng nhiên nổi tính ghen tuông, miệng phun ra đầy những lời hằn học và tục tĩu. Ngạc nhiên chứ, Trà chưa từng thấy Du như thế. Một ca chẩn đoán sai bị cấp trên khiển trách, Du mang cơn hậm hực về trút giận lên đầu vợ. Ghen thì sao? Nếu ngoại tình được thì Trà cũng ngoại tình quách cho rồi. Một gã thợ điện lương ba cọc ba đồng thì đã có sao? Học vị đầy người như Du chắc gì đã là thước đo của sự tử tế mà vênh váo với đời. Chỉ tiếc gã đã có gia đình. Trong mắt gã, Trà chỉ là một người hàng xóm cởi mở, dễ gần và thỉnh thoảng rất cần giúp đỡ. Để thay hộ cầu dao, kiểm tra điện chập cháy khét lẹt chỗ nào hoặc mắc thêm cái bóng điện ngoài ban công cho sáng. Đàn bà muôn đời chỉ nên rung động vì những điều giản đơn như thế. Như cái cách mà Trà thấy yên tâm mỗi khi bóng đêm ập xuống. Chị đã không còn sợ những cánh cửa mở bung hoang hoải. Bởi nếu lỡ chuyện gì xảy ra thì vẫn còn có gã hàng xóm để Trà cầu cứu.

Một hôm đi làm về, Trà bất ngờ thấy nhà hàng xóm đầy ắp tiếng cười. Những cánh cửa mở toang nên tiếng cười tràn ra tận ngõ. Trà đứng đó ngẩn ngơ nhìn chị vợ đang ngồi cắt tóc cho tụi nhỏ trên sân thượng. Gã đàn ông hôm nay hạnh phúc, bắc ghế hái những chùm hoa thiên lý cuối mùa. Cảnh tượng đó bình yên đến nghẹt thở. Nó nhấn nhá vào tim Trà đôi lần nhói buốt. Đêm nay có thể những cánh cửa lại bung mở trong giấc mơ chập chờn. Chúng đòi một bàn tay đàn ông khép lại. Nhưng Du thì xa quá, còn gã hàng xóm bây giờ đã không thể là chỗ dựa mơ hồ trong trí tưởng tượng của Trà. Lúc khóa lại từng lớp cửa để bước lên phòng, Trà băn khoăn không biết có nên nói với Du về việc mình đã gần đến tuổi rất khó để sinh con…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần