Bùng nổ dịch vụ ”Dùng trước - Trả sau”

PGS.TS Lê Trọng Vĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng "Dùng trước - Trả sau" đang rất phổ biến trên thế giới. Theo báo cáo của Worldpay (Anh), dự báo dịch vụ này sẽ tăng trưởng nhanh trong 5 năm tới. Sau một thời gian dài người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 thì đây được xem là một giải pháp tốt.

Xu hướng chung
Bắt đầu từ cuối năm 2008, trên thế giới xuất hiện khái niệm tài chính mới Fintech, đây là thuật ngữ tiếng Anh được hiểu là "công nghệ tài chính". Nó làm thay đổi các cách thức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiền tệ và tập trung mạnh nhất vào lĩnh vực tài chính. Fintech được mở ra như một lĩnh vực hoàn toàn mới ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói riêng và ngân hàng nói chung.

Những sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ, quy trình… mới của công nghệ được áp dụng vào thị trường tài chính giúp cho nó nâng cao hiệu suất hiệu quả hơn so với trước đây. Hoàn thiện hơn các dịch vụ, sản phẩm tài chính phù hợp với thời đại internet giúp người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng hơn trong mọi nhu cầu.
 Người tiêu dùng mua hàng theo thanh toán trực tuyến. Ảnh: Trần Dũng
Hệ sinh thái Fintech hiện len lỏi trên thị trường tập trung vào các mảng sau: Trung gian thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngân hàng, công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, điểm tín dụng, gọi vốn cộng đồng. Các công ty Fintech chính là đơn vị làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chính, đảm nhận chạy chương trình, thiết kế tạo ra những sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng internet, điện thoại di động cho các ngân hàng và công ty tài chính. Hiện nay được mở ra rất nhiều với 154 công ty Fintech trên thị trường Việt Nam còn trên thế giới con số ước tính lên đến 10.000 công ty Fintech. Phần lớn các công ty Fintech đều có nguồn vốn nước ngoài, hơn 70% đến từ Anh, Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Nhiều nhất vẫn là lĩnh vực thanh toán (37 công ty), cho vay (25)…

Đối với lĩnh vực ngân hàng, các công ty Fintech hỗ trợ các dịch vụ chuyển và thanh toán. Đối với lĩnh vực tài chính thì nó chính là nền tảng kết nối người đi vay với bên cho vay mà không nhất thiết phải đến gặp trực tiếp. Các quá trình như tiếp cận, đăng ký và hoàn thiện thủ tục, xét duyệt hồ sơ đều được cập nhật tự động.

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot có thể nhận diện, tổng hợp các nhu cầu, dịch vụ tài chính thông qua hệ thống thuật toán của mình. Fintech chính là bước khởi đầu của công nghệ 4.0 trong tài chính nó dành thay đổi thói quen của người tiêu dùng, người cho vay từ truyền thống sang online. Với Fintech nó còn thay đổi số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tài chính, nhân viên ngoài nghiệp vụ tài chính ngân hàng còn phải am hiểu CNTT.

Thị trường "Dùng trước - Trả sau"

Với sự xuất hiện của hàng loạt start-up lớn mạnh thị trường dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" của thế giới và Việt Nam dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đợt dịch thứ 4 với sức mua dự báo tăng, trong bối cảnh lượng tiền trong túi người tiêu dùng hạn hẹp, người dân vẫn e ngại tiếp xúc nơi đông người là điều kiện cho dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" phá triển ít nhất trong vòng 5 năm tới. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua việc sử dụng các dịch vụ "mua trước, trả sau" vào năm ngoái. Worldpay, kỳ vọng sẽ đạt giá trị dịch vụ này 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025.

Tại châu Á, thị trường Nhật Bản đang được các ông chủ Mỹ quan tâm và PayPal, một công ty Fintech đang lên kế hoạch bỏ ra tới 2,7 tỷ USD để mua lại Paidy - một nền tảng "Dùng trước - Trả sau" của Nhật Bản. Paidy ra đời cách đây 13 năm, hiện có 6 triệu khách hàng, có các nhà đầu tư lớn như Goldman Sachs và PayPal Ventures. Paidy cho phép các nhà kinh doanh online cung cấp thanh toán qua thẻ tín dụng và trả góp cho khách hàng của họ.

Tại Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng mới chỉ biết đến dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" qua thẻ tín dụng do các ngân hàng cung cấp. Ưu việt lớn khiến cho khách hàng thích hơn sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng không phải chịu các khoản phí ẩn và lãi suất "cắt cổ" khi chậm thanh toán. Ngoài ra khác với thẻ tín dụng, sử dụng dịch này khách hàng sẽ biết chính xác số tiền mà mình phải trả cho các công ty Fintech. Khách hàng đăng ký "Dùng trước - Trả sau" tiếp cận thủ tục đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều so với thẻ tín dụng đòi hỏi nhiều thời gian và thủ tục giấy tờ. Thậm chí với một số công ty, một số khách hàng có thể được phê duyệt ngay lập tức và có thể bắt đầu giao dịch.

Nếu như thị trường thẻ tín dụng của các ngân hàng được thiết kế dành cho các khách hàng có điểm tín dụng cao thì dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" có đối tượng khách hàng rộng lớn hơn. Thậm chí, dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" hướng đến cả những người chưa có đủ lịch sử tín dụng. Điểm thu hút khách hàng nữa chính là lãi suất phạt của "Dùng trước - Trả sau" cũng thấp hơn nhiều so với thẻ tín dụng (được cho là hình thức tín dụng đắt tiền nhất với lãi thanh toán quá hạn lên tới 48%/năm)…

Thử thách các doanh nghiệp Việt

Giới tài chính, ngân hàng Việt Nam đang trông chờ vào cú bắt tay lịch sử của Mambu (Đức) với với KMS Solutions (Mỹ) để gia nhập vào thị trường chuyển đổi số ở Việt Nam. Hai bên dự tính triển khai một ngân hàng số toàn diện, cung cấp giải pháp tự động hóa cho ngân hàng, và hàng loạt dịch vụ như "Dùng trước - Trả sau", tài khoản thanh toán, thanh toán ngang hàng... cho khách hàng cá nhân. Mambu được coi là kỳ lân công nghệ Đức với giá trị khoảng 1,7 tỷ euro.

Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Manbu là dịch vụ công nghệ phần mềm trong ngân hàng. KMS Solutions là hãng CNTT phạm vi hoạt động toàn cầu và cơ hội hợp tác với các công ty phần mềm hàng đầu trên thế giới. KMS Solutions hướng đến các DN tại châu Á có mong muốn phát triển và tăng khả năng cạnh tranh bằng việc tận dụng các công nghệ tân tiến nhất. Tại Việt Nam, KMS Solutions có khoảng 1.000 lập trình viên, chuyên gia.

Ngoài ra, Kredivo (nền tảng cung cấp dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" đến từ Indonesia) đã gia nhập thị trường

Việt Nam với slogan “Mua trước trả sau trong 30 ngày với lãi suất 0%”. Tại Indonesia, Kredivo là đối tác thanh toán của các ông lớn trong ngành thương mại điện tử như Tokopedia, BukaLapak, Moka hay Shopee nên chắc chắn đây sẽ là đối thủ khá nặng cân cho các công ty Việt. Kredivo đã hợp tác với Công ty VietCredit nhằm triển khai các tính năng thanh toán hóa đơn và khoản vay cá nhân trong thời gian đầu, rút ngắn thời gian tìm hiểu thị trường dân số gần 100 triệu dân này.

Thị trường Việt đang chứng kiến Fundiin là một công ty đi đầu tham gia dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" từ cuối năm 2020. Người tiêu dùng Việt có thể mua ngay, dùng ngay nhưng có thể thanh toán qua với 3 kỳ hạn lần lượt trong 3 tháng hoàn toàn không mất lãi. Fundiin hiện có hơn 100 đối tác và đang dự tính hợp tác với Sapo, kết nối với 100.000 đơn vị bán lẻ trên nền tảng này.

Ví trả sau MoMo, sản phẩm hợp tác của TPBank và MoMo mới đây đã cho phép người dùng sử dụng hạn mức trên ví trả sau để thanh toán, mua sắm hàng trăm dịch vụ ngay trên ứng dụng MoMo và trả tiền sau (từ 35 - 45 ngày). Người dùng Việt Nam có thể thanh toán các dịch vụ thiết yếu như: hóa đơn điện và nước, Internet, phí chung cư, học phí; mua hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi; dịch vụ ăn uống; mua sắm online...

Fintech đang tồn tại cả 2 mặt sáng - tối nhưng khi nó đang là xu thế chung của thế giới thì các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính công nghệ Việt Nam không thể chậm trễ.q

Fintech không chỉ “màu hồng” thực trạng cho thấy rằng có nhiều vấn đề lừa đảo xảy ra. Modern Tech (TP Hồ Chí Minh) đã lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư, công ty này đã huy động vốn gắn mác Singapore, Ấn Độ... để phát hành cổ phiếu nhưng thực ra là phát hành đồng tiền số thay vì phát hành cổ phiếu như hợp đồng. Ezubao (Trung Quốc) là một tổ chức cho vay ngang hàng trên mạng, hoạt động theo hình thức lừa đảo Ponzi. Ezubao thông báo mức lợi nhuận từ 9 - 14,6%/năm và khoảng 1,15 triệu nhà đầu tư đã "sập bẫy" mô hình lừa đảo này với tổng số tiền thiệt hại lên tới 50 tỷ NDT.