Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bùng phát trở lại vấn nạn lừa đảo trên mạng xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại dịch Covid-19 đã khiến người dùng thay đổi thói quen mua sắm thay vì trực tiếp trở thành trực tuyến trên mạng xã hội Facebook. Không thể phủ nhận những tiện ích mà phương thức này mang lại nhưng nhiều đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng 
Theo một báo cáo mới đây của Bộ Công an, trong 5 năm 2015-2019, toàn quốc đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tương đương với khoảng hơn 2.000 vụ án/năm. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chỉ từ 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn quốc đã phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy tình hình phức tạp của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt với tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, vấn nạn lừa đảo, đặc biệt là qua môi trường mạng xã hội như Facebook lại đang gia tăng trở lại. Một trong những thủ đoạn thường thấy và đã có nhiều nạn nhân được ghi nhận là rao bán nhiều mặt hàng có giá trị nhưng khi nhận được tiền của khách hàng thì không giao hàng.
Mới đây công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ Đỗ Thị Kim Ngân tức Ngân “gốm” (SN 1985, trú tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung tố cáo, Ngân đã sử dụng tài khoản Facebook để livestream bán hàng và thậm chí chi tiền để chạy quảng cáo trên nền tảng này để dễ dàng “câu” khách.
 
 Thủ đoạn lừa đảo của Ngân ''gốm'' là rao bán các sản phẩm đắt tiền với giá rẻ bất ngờ
Ngân tự phong mình là “nữ hoàng làng gốm” Bát Tràng trên mạng xã hội và khoe sở hữu một cửa hàng gốm sứ lớn nhất làng. Thế nhưng thực tế, đối tượng chỉ chụp ảnh để “minh họa”.

Sau khi bị nhiều người dùng “vạch mặt”, Ngân vẫn “ngựa quen đường cũ”, lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo mang tên Đỗ Thị Kim Ngân, Ngân Paula, Ngân “gốm” gia nhập vào các nhóm bán hàng như: Mê đồ bếp, bán hàng EU… rồi đăng bán các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử gắn mác thương hiệu châu  Âu. ‘
 
Ngân lượm lặt những hình ảnh đồ gia dụng trên mạng rồi đăng lên các hội nhóm, niêm yết giá bán hàng siêu rẻ bằng 50% hay 1/10 giá thị trường. Ngân dụ dỗ người dùng chuyển khoản thanh toán trước. Khi khách hoàn tất việc chuyển khoản thì Ngân cắt đứt liên lạc, chặn số điện thoại hoặc giao hàng rởm cho khách. 
 
Theo admin của group "Vạch trần thủ đoạn lừa đảo của Đỗ Thị Kim Ngân", từ cuối tháng 6/2021 đến nay, đã có gần 40 người lên tiếng bị Ngân “gốm” lừa đảo với số tiền hơn 450 triệu đồng. Thậm chí khi cơ quan chức năng truy tìm đối tượng để điều tra, Ngân vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi lừa đảo. 

Tương tự Ngân “gốm”, Trần Nguyễn Diệp Anh (SN 2003, trú TP Sơn La, tỉnh Sơn La) đã bị công an Sơn La bắt giữ về vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào tháng 5/2021.
 
 Hình ảnh hotgirl đồ hiệu được Diệp Anh sử dụng để ''bẫy'' những người cả tin.
Diệp Anh sử dụng nick Facebook “Tran Nguyen Diep Anh” thường xuyên đăng bài bán hàng online các mặt hàng túi xách, giày, đồng hồ hàng hiệu… giá hàng chục triệu đồng nhưng được giảm giá “sốc” khiến các tín đồ hàng hiệu cả tin “sập bẫy”.

Để tạo lòng tin cho "con mồi", Diệp Anh đã xây dựng hình ảnh một hotgirl trên mạng xã hội với cuộc sống trần ngập hàng hiệu với giá từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó Diệp Anh còn khá công phu khi bỏ tiền để chạy quảng cáo, thuê người tương tác để địa chỉ Facebook của mình nổi bật hơn. Từ đó thu hút được một lượng lớn người tin tưởng từ người có tiền cho đến những phụ nữ đang thất nghiệp ở nhà muốn có việc làm online.
 
Được biết, chiêu trò lừa đảo chính của Diệp Anh là nhận tiền khách chuyển khoản để đặt cọc mua hàng nhưng không giao hàng cho họ. Với mánh khóe tinh vi, đối tượng đã chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng. 
 
Lừa đảo qua mạng có thể bị phạt tù chung thân
 
Quay trở lại câu chuyện của Ngân “gốm”, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho rằng, trong quá trình điều tra nếu xác định Ngân “gốm” phạm tội và có tính chất chuyên nghiệp, số tiền lừa đảo lên tới hơn 500 triệu đồng thì khung hình phạt tối đa cho Ngân “gốm” là tù chung thân tại khoản 4, điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015.
 
 Luật sư Nguyễn Hồng Thái.
Luật sư Thái cũng cho biết, người dùng trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào cần kiểm tra kỹ sản phẩm, dịch vụ, nhà sản xuất và cẩn trọng trước khi thực hiện bất kỳ thao tác chuyển tiền nào. Trong trường hợp người tiêu dùng bị lừa đảo cần thông báo cơ quan chức năng gần nhất để cùng tố cáo những tổ chức, cá nhân lừa đảo. Từ đó, dễ dàng có phương án xử phạt theo đúng luật. 
 
Nói về thông tin về xu hướng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng gia tăng, Trung tá Lê Minh Hải, Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) cảnh báo, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tình hình an ninh trật tự sẽ diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt là các loại tội phạm mới trong lĩnh vực công nghệ cao như: Lừa đảo đầu tư vào sàn ngoại hối để hưởng lãi lên đến hàng chục phần trăm/ngày; kiếm tiền online…do vậy người dùng cần cảnh giác và tỉnh táo trước mọi quyết định đầu tư hay mua món hàng giá trị.
 
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
 
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng... Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cảnh báo.
 
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia: Thông qua hệ sinh thái tín nhiệm mạng (https://tinnhiemmang.vn) người dùng có thể kiểm tra các thông tin tin cậy (website, email, số điện thoại...) của tổ chức, đơn vị nhằm tránh gặp phải tình trạng lừa đảo trên mạng.
 
Đồng thời, website https://canhbao.ncsc.gov.vn cũng là nơi để các cá nhân có thể chủ động báo cáo những địa chỉ không an toàn và có dấu hiệu lừa đảo.