Bừng sáng vùng quê Hà Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay (30/12/2011), Hà Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh (1997-2012). 15 năm, quãng thời gian chưa phải là dài, nhưng bộ mặt nông thôn và đô thị của Hà Nam đã có những bước phát triển mang tính đột phá.

Nhân dịp này, báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu bài viết về sự đổi mới trên những vùng quê Hà Nam sau 15 năm tái lập tỉnh.

1. Xin được mở đầu câu chuyện về sự đổi mới của các vùng quê trong tỉnh sau 15 năm tái lập từ thị trấn miền sơn cước Ba Sao (Kim Bảng). Nói về sự đổi thay ở mảnh đất cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Phạm Xuân Dụng khẳng định: "Đúng là khác xa một trời một vực!". Anh cho biết: Thời điểm 1997, ngay đến QL 21A chạy qua Ba Sao cũng chưa có một km đường nào được nhựa hoá. Nghe anh gợi chuyện, cánh báo chí lại nhớ đến một bức ảnh mà đồng nghiệp chúng tôi chụp ở Ba Sao những ngày đầu tái lập tỉnh. Ảnh chụp một nhóm học sinh tiểu học dắt những xe đạp cao gần ngang đầu, đi bộ ngược con dốc Bòng Bong khi đó vừa dốc, hẹp, quanh co, vừa lởm chởm đá. Bây giờ thì khó có thể hình dung lại hình ảnh ấy bởi QL 21A không những được mở rộng, mặt đường phẳng, độ dốc được hạ thấp mà những khúc cua cũng đã nắn lại tương đối thẳng, thuận tiện cho các phương tiện tham gia giao thông. Men theo con đường nhỏ dẫn vào các xóm núi Cốc Ngoại, Cốc Nội, Suối Ngang, Voi Chẹt, Ba Chồm, Ba Hang, Lục Nhạc… đâu đâu cũng thấy một mô típ nhà vườn, cây cối sum suê, không khí trong lành. Na dai, sắn cao sản mấy năm gần đây trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu ổn định ở mức cao cho hàng trăm gia đình vườn đồi. Dọc hai bên quốc lộ, các loại hình dịch vụ, thương mại ngày càng phong phú tạo lên một phố núi trẻ đang phát triển. Phát huy lợi thế đồi rừng bằng các giống con nuôi đặc sản, Ba Sao hiện có hơn 800 đàn ong mật cùng các mô hình nuôi chim trĩ, nuôi nhím đã từng được các tỉnh bạn đến tham quan học tập. Trung tâm bò sữa, trạm thu mua sữa tươi của ngành nông nghiệp tỉnh đặt tại đây cũng đã tạo nên một điểm nhấn cho sản xuất nông sản hàng hoá. Những thế mạnh này đã khiến Ba Sao xa xôi, nghèo khó một thời nay trở thành địa phương khá giả, tỷ lệ hộ nghèo hạ xuống mức thấp (8%). Năm 2009, Ba Sao trở thành thị trấn và cũng cùng thời điểm đó, định hướng phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái đã chính thức được khởi động. Vui hơn khi năm 2011, tỉnh Hà Nam có riêng một nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, tạo niềm tin về hướng phát triển bền vững của thị trấn miền núi này.

 Háo hức đi tìm ý tứ cho bài viết về sự khởi sắc của các vùng quê, chúng tôi đến một xóm núi khác của xã miền núi Khả Phong (Kim Bảng). Từ Ba Sao đi chừng sáu cây số "đường cực đẹp" (lời một đồng nghiệp trong đoàn). Dừng chân ở làng kinh tế mới Đồng Cỏ, Đống Son (Khả Phong) dưới chân dãy núi Quèn Vồng. Hợp tác xã chăn nuôi thuỷ sản Khả Phong đứng chân bên con đê bao chắn nước 74 (đắp năm 1974), đứng trước sự đổi thay đến không ngờ của xóm núi nơi đây, bên những ngôi nhà mái ngói ba gian, năm gian dựng nên bằng nguồn thu từ kinh tế trang trại, tiếng nói cười ríu rít quyện hoà cùng tiếng trẻ ngân nga học bài, tất cả đều không khỏi ngỡ ngàng. Vui hơn khi biết rằng, diện mạo khởi sắc, sáng sủa ấy không chỉ dừng lại ở Đống Son, Đồng Cỏ mà đã và đang lan tỏa đến Đồng Lạch, Thung Đồng trong, Thung Đồng ngoài với diện tích trên dưới trăm héc ta.

Nhắc đến sự đổi thay ở các vùng quê, chúng tôi xin được làm người đồng hành dẫn khách về thăm một "địa chỉ đỏ" trong kháng chiến chống Pháp - làng Đức Bản (Nhân Nghĩa, Lý Nhân). Chủ trương dồn đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh sau ngày tái lập như làn gió mát thổi về khắp các vùng quê trong đó có Đức Bản. Cơ chế hợp lòng dân đã khơi thông sức sáng tạo của mỗi hộ gia đình. Anh bạn đồng nghiệp người làng Đức Bản khoe rằng: Đã nhiều năm nay 100% diện tích đất "hai lúa" ở đây đều phủ kín các cây trồng vụ đông, trong đó chủ lực là cây dưa chuột xuất khẩu và bầu bí, rau xanh các loại. Nhờ có sự chuyển dịch đúng hướng, người dân có cơ hội làm giàu ngay trên đồng đất quê mình với thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm (cao hơn mức bình quân chung của tỉnh - 21 triệu đồng/người/năm). Câu chuyện ở "làng kháng chiến", "làng dưa" Đức Bản chỉ là một trong những minh chứng sinh động về sự khởi sắc của nhiều vùng quê thuần nông trong tỉnh sau 15 năm tái lập mà nguyên nhân cốt lõi về sự đổi thay đó bắt nguồn từ định hướng đúng, trúng của cấp uỷ, chính quyền, từ sự linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với cơ chế mới, cơ chế hội nhập và phát triển của mỗi người dân thôn quê.

Bừng sáng vùng quê Hà Nam - Ảnh 1

Thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, Hà Nam).

Thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ  Hà Nam (khoá XVI ), với quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, tinh thần cầu thị và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của người dân đã giúp vượt qua rào cản đó. Đặc biệt, chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) đã rộng mở thêm đường hướng cho các vùng quê lên hương khởi sắc. Từ 5 xã làm điểm giai đoạn 2009 - 2011, 23 xã làm điểm giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nam đang hướng tới mục tiêu phấn đấu đến 2015 toàn tỉnh có tối thiểu 22 xã đạt chuẩn NTM, 30 xã đạt 50% và số xã còn lại đạt 30% tiêu chí trở lên và đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM.

2. Ngược dòng thời gian xa hơn đôi chút, nói về rốn nước đồng chiêm trũng Bình Lục, câu thơ của Cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến nổi tiếng một thời "Bông nổi cho chim, bông chìm cho cá" chỉ còn lại là một ký ức. Hôm nay, về lại đúng làng Vị Hạ (Trung Lương, Bình Lục, trước đây thuộc An Đổ nơi Cụ Tam Nguyên cáo quan về ở ẩn, dạy học, làm thơ), người ta khó lòng có thể tìm lại hình ảnh "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo". Trong ngôi nhà mái bằng bốn gian mới xây năm trước, cụ ông Lê Ngọc Biển (82 tuổi) trầm ngâm giãi bày: Trước năm 1997, cả làng chỉ có vài đoạn đường lát gạch nghiêng từ xưa để lại, thế mà nay toàn bộ đường làng, ngõ xóm và những trục đường chính ra đồng đều đã bê tông hóa. Hiện nay, toàn tỉnh 100% các xã có đường liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ trường kiên cố, cao tầng đạt trên 80%. Hà Nam  đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua "Đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phong trào làm đường giao thông nông thôn".

Chứng kiến và trực tiếp ghi lại những hình ảnh về sự khởi sắc của các vùng quê có lẽ ít ai có thể rành bằng anh em làm công tác tuyên truyền, báo chí. Nếu như những năm "chín bảy, chín tám", về các xóm lẻ dọc ven các chân núi đất thuộc dãy Kẻ Non (Thanh Tâm, Thanh Lưu, Liêm Sơn, Liêm Túc thuộc huyện Thanh Liêm) nhiều người không khỏi băn khoăn, chạnh lòng bởi  cảnh heo hút, nghèo nàn, bởi sự cách trở giao thông ở nơi đây. Vậy mà sau 15 năm tái lập tỉnh, hòa vào nhịp điệu đi lên của các xã bạn, huyện bạn, dải đất "chiêm khê, mùa úng", này khởi sắc, lên hương trông thấy. Lão ông Nguyễn Văn Cư (thôn Chanh Thượng, Liêm Sơn; nguyên Bí thư Huyện uỷ Thanh Liêm) trong một lần chuyện vãn với nhà báo cứ gật gù tâm đắc: "Đổi thay nhiều lắm chứ! Nhà báo xem, đường bê tông len vào từng xóm núi, nhà dân hai tầng, ba tầng chiếm đa số" và cười rất hể hả mà rằng, ai cũng bảo đó là chuyện mãi đâu đâu, bao giờ mới thành hiện thực. Thế mà, bây giờ chuyện ấy chẳng còn gì là xa lạ, hão huyền nữa. Nối dài thêm câu chuyện đổi thay diện mạo và đời sống bà con ở các vùng thôn quê, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Thanh Liêm  Đỗ Ngọc Giao nói hết sức chân thành: "Bây giờ, trong báo cáo, nội dung an sinh xã hội, mà cứ quen tay viết xoá đói giảm nghèo thì quả là không còn đúng, không còn phù hợp nữa. Có chăng, chỉ có thể viết là giảm nghèo bền vững nữa thôi!". Theo số liệu của ngành Thống kê: Thu nhập bình quân đầu người (tính riêng khu vực nông thôn) tăng từ dưới 150.000 đồng/người/tháng lên mức trên 1,3 triệu đồng/ người/ tháng; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm còn 11,6%;  tỷ lệ hộ gia đình xây dựng nhà kiên cố chiếm trên 50% (tỷ lệ này năm 1997 là dưới 20%); 100% số xã có hệ thống truyền thanh, điểm bưu điện văn hóa kết nối internet; 70% số thôn, xóm có nhà văn hoá; số thuê bao điện thoại tăng từ 5 thuê bao/100 người dân lên mức trên 110 thuê bao/100 người dân.

15 năm với bấy nhiêu ngày - sự khởi sắc của mỗi lũy tre làng có thể nói vượt ngoài tưởng tượng của nhiều người. Trong khuôn khổ của một bài báo sẽ rất khó có thể nói tường tận, cặn kẽ sự khởi sắc về diện mạo và chất lượng đời sống người dân các vùng quê trong tỉnh sau 15 năm tái lập. Xin được mượn lời một cụ bà giáo dân xứ Cẩm Sơn (Thanh Lưu) để làm lời kết cho bài viết: "Đúng là nhờ ơn Đảng, Bác dẫn lối chỉ đường, nhờ ơn lãnh đạo các cấp quan tâm, bà con dân nghèo các xóm núi, đồng chiêm chúng tôi mới được như ngày hôm nay. Thật mãn nguyện lắm lắm…".

* 100% số thôn có cán bộ y tế; 100% hộ nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ giải quyết việc làm; 100% trẻ em được tiêm chủng mở rộng đúng độ tuổi; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 39% (năm 1997) xuống còn 17% (năm 2011).

* Bình quân lương thực theo đầu người của tỉnh Hà Nam đạt 570kg/người/năm, cao hơn mức bình quân của các tỉnh trong khu vực 90kg/người/năm và cao hơn mức bình quân chung của cả nước 60kg/người/năm.