Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước chuyển lớn trong phát triển đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2013 là một năm có rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng và phát triển nhà ở, của Thủ đô Hà Nội bị đình trệ.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ghi nhận, sau gần 3 năm, kể từ khi có Quy hoạch chung, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị; đã rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại mang tính "thâm căn cố đế" của các đô thị lớn.

Quy hoạch - khối lượng công việc "khổng lồ"

Sau khi Quy chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP đã chỉ đạo đẩy nhanh, hoàn thành công tác lập các loại quy hoạch xây dựng đô thị; các quy hoạch chuyên ngành, các đề án, kế hoạch dài hạn và hàng năm, làm cơ sở để các cấp thực hiện. Đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở QH - KT đã có 19 đồ án đang được hoàn thiện để xin ý kiến Bộ Xây dựng và trình phê duyệt. Trong năm 2013 sẽ hoàn thành, thông qua Tập thể UBND TP 31/32 đồ án. 12 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, 7 đồ án phân khu khác đã thông qua Tập thể UBND TP... Hiện, TP đã chỉ đạo tổ chức triển khai nghiên cứu 10 đồ án thiết kế thị, trong đó tuyến Trần Phú - Kim Mã đã được phê duyệt thiết kế đô thị và đang triển khai thực hiện. 100% trong tổng số 401 xã của Hà Nội đã lập đề án và tổ chức lập xong quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các quy hoạch như: Xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang, giao thông vận tải đang trình Bộ Xây dựng thẩm định. 31 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đã được TP phê duyệt, trong đó có quy hoạch hệ thống thủy lợi, quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, quy hoạch phát triển điện lực của 29 quận, huyện. Số lượng đồ án quy hoạch mà Hà Nội đã triển khai xác lập, phê duyệt trong thời gian qua là khối lượng công việc "khổng lồ". Kết quả đạt được đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP và sự quyết tâm của các sở, ngành, quận, huyện.

Nhận định về động lực tạo nên những bước chuyển biến trong phát triển đô thị thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Hà Nội đã có những bước đi đột phá, vận dụng được những khoa học trong quản lý đô thị, quản lý quy hoạch.

 
Cầu vượt nút Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt đã góp phần không nhỏ vào việc giảm UTGT trên địa bàn. Ảnh: Thanh Hải
Cầu vượt nút Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt đã góp phần không nhỏ vào việc giảm UTGT trên địa bàn. Ảnh: Thanh Hải
Tích cực gỡ khó cho thị trường bất động sản

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, TP đã thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Tổ công tác đã rà soát được 40 dự án, trong đó gồm 15 dự án xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và 25 dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà thương mại. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà, khu đô thị mới nhằm kiểm soát công tác phát triển nhà theo đúng các quy định. Phân loại 19 dự án để có phương án tiếp tục thực hiện hoặc tạm dừng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, Hà Nội đã tích cực đôn đốc hoàn thành các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo kế hoạch.

Trong năm 2013 đã có thêm 125 căn hộ cho người thu nhập thấp tại Đại Mỗ, Từ Liêm, đã được đưa vào sử dụng. TP đã giải quyết cho 738 cán bộ công chức vào nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên. Ba dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long; Phú Nghĩa giai đoạn 1; Thạch Thất đã được hoàn thành với khoảng 2.200 phòng đáp ứng chỗ ở cho hơn 15.300 công nhân.

Nhìn lại tình hình quản lý xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong năm 2013, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý khai thác là một trong những khâu đột phá, chiến lược của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cùng với phát triển nhà ở, công tác quản lý hạ tầng, dịch vụ đô thị đã được TP chú trọng đầu tư, tăng cường quản lý. Qua đó tạo nên những thay đổi tích cực trong lĩnh vực cấp thoát nước; xử lý nước thải, rác thải; tăng chất lượng vận hành, quản lý các công viên, vườn hoa, cây xanh...

Hạ tầng tiếp tục được cải thiện

Năm 2013, giao thông tiếp tục để lại được nhiều dấu ấn với việc kéo giảm được tai nạn và ùn tắc giao thông đồng thời nhiều tuyến đường, nút giao thông được cải tạo, xây dựng mới. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhận định, các ngành, các đơn vị đã có sự kết hợp đồng bộ, tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm vi phạm, đầu tư hạ tầng và tăng cường hệ thống giao thông công cộng... Từ 127 điểm có nguy cơ ùn tắc cao nay đã giảm xuống còn 54 điểm.

Phát huy thành công của các năm trước, năm 2013, TP lại tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2 cầu vượt nhẹ tại 2 nút giao thông trọng điểm, đó là cầu vượt nút Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và cầu vượt nút Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh góp phần không nhỏ vào việc kéo giảm UTGT trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm cầu vượt tại nút Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.

Cùng với các công trình cầu vượt, năm 2013, TP cũng đã thông xe đưa vào khai thác Dự án đường Vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng cầu. Dù đoạn đường được thông xe không dài nhưng lại có tác dụng rất lớn trong việc giảm UTGT cho nút giao thông Ô Chợ Dừa, đồng thời từng bước hoàn thiện tuyến đường Vành đại 1 từ Trần Khát Chân đến Hoàng Cầu. Bên cạnh đó, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung, TP cũng yêu cầu Sở GTVT, chủ đầu tư các dự án khẩn trương hoàn thiện đường Vành đai I (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái); Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn Tôn Thất Tùng đến sông Lừ; Vành đai 2,5 hồ Đền Lừ - Kim Đồng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ GPMB để thi công các dự án đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - chợ Mơ - ngã Tư Vọng và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; cải tạo nâng cấp cầu Dịch Vọng bắc qua sông Tô Lịch…

Với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các huyện ngoại thành, năm 2013, TP đã mở mới thêm 3 tuyến buýt đến các huyện. Đó là tuyến buýt số 61, Vân Hà (Đông Anh) - Mê Linh; tuyến 62 Bến xe Yên Nghĩa - Thường Tín; tuyến 63 Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Mê Linh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) Cát Linh - Yên Nghĩa, để đến năm 2015 có thể đưa vào vận hành.