Đây là chia sẻ của GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô bên lề Hội thảo Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức ngày 29/9.
Gạt bỏ lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm trong lập Quy hoạch
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, lập Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu công việc khó nhưng phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Tuy nhiên, điểm thuận lợi đó là có sự quyết tâm rất lớn từ chính quyền thành phố, luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách trực tiếp, gần như song hành với đơn vị tư vấn từng buổi, từng ngày, từng hoạt động; thúc đẩy các đơn vị sở ngành, quận huyện cùng vào cuộc. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng nên chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 6 tới nay, Liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn cho phát triển Thủ đô.
Thuận lợi nữa là lập Quy hoạch Thủ đô do Liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều người đã tham gia với tâm thế không phải thực hiện một công việc đơn thuần là lập quy hoạch, mà đây là cơ hội để đóng góp trí tuệ, hiểu biết, tâm tư, trăn trở của mình vào sự phát triển của Thủ đô. Coi đây vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là vinh dự được cống hiến để tạo ra sự kết tinh, đột phá và phát triển.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, bên cạnh những thuận lợi còn có khó khăn nhất định. Vì lập Quy hoạch Thủ đô thực sự là vấn đề lớn, có nhiều yếu tố phức tạp do lần đầu thực hiện theo phương pháp tích hợp. Do vậy để Quy hoạch đạt chất lượng rất cần sự tham gia rộng rãi của nhiều tổ chức, người dân. Đặc biệt, những người thực hiện phải biết gạt bỏ những yếu tố ràng buộc vì lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm mà phải đứng trên góc độ lợi ích toàn cục, vì sự phát triển Thủ đô, bộ mặt, hình ảnh của cả quốc gia.
Coi trọng phát triển môi trường văn hoá
Đánh giá về những khó khăn trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô, PGS.TS Lê Quân - Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đây là đồ án quy hoạch được đặt trên nền hệ thống lý thuyết quy hoạch hiện đại là quy hoạch tích hợp, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác…
Đưa ra góp ý vào bản dự thảo đồ án, PGS.TS Lê Quân cho rằng, trong xây dựng đồ án Quy hoạch quan trọng này, Hà Nội cần xác định rõ triết lý phát triển, lấy con người là trung tâm và coi trọng phát triển môi trường văn hoá. Vì xa rời văn hoá sẽ không kết nối được với lịch sử, trong khi Hà Nội vốn dĩ là đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.
“Từ cơ sở này, việc xác định hướng phát triển cho một đô thị vừa phải bảo tồn bề dày trầm tích văn hoá với nhiều lớp lịch sử chất chứa trong mình lại phải tạo ra một cộng đồng đô thị hiện đại, lấy con người làm trung tâm là những tiêu chí giúp Hà Nội có bước phát triển vững vàng” - PGS.TS Lê Quân cho hay.
Đề cập đến mục tiêu xây dựng đô thị Hà Nội xanh, PGS.TS Lê Quân cho rằng, cần phải hoạch định, có cơ chế, chính sách nhất định giúp cho việc bảo tồn không gian xanh sẵn có trong đô thị và phát triển được hành lang xanh, các không gian xanh trong cấu trúc của hệ thống đô thị trong đồ án Quy hoạch Thủ đô tới.
Bên cạnh đó, yếu tố mặt nước cần quan tâm đặc biệt bởi Hà Nội vốn là đô thị có hệ thống sông nước quan trọng với nhiều di sản như hồ Tây, hồ Gươm, hệ thống sông Tô Lịch, sông Nhuệ… Khi kết nối lại hệ thống này sẽ tạo ra những di sản không chỉ phát huy ai trò vai trò về kiến trúc cảnh quan mà còn đem lại giá trị có tính nhận diện đặc trưng cho đô thị Hà Nội.