Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đầu thành công trong công tác Thừa phát lại tại Hà Nội

Bạch Dương - Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân 17 năm ngày Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế & Đô thị ra số đầu tiên (20/7/2006 - 20/7/2023), sáng 20/7/2023, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Toạ đàm “Thực hiện chế định Thừa phát lại - hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp”.

Các vị khách mời và diễn giả tham gia buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức. Ảnh: Khánh Huy
Các vị khách mời và diễn giả tham gia buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức. Ảnh: Khánh Huy

Gợi mở những giải pháp cao nhận thức của người dân về công tác Thừa phát lại

Công tác Thừa phát lại ngày càng khẳng định địa vị pháp lý cũng như vai trò trong hoạt động tư pháp và xã hội hóa thi hành án dân sự. Đồng thời, góp phần bảo đảm tốt hơn, tối ưu hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan Nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; Góp phần giảm thiểu áp lực cho Tòa án, cho cơ quan thi hành án, qua đó, giảm bớt tình trạng án tồn đọng.

Thừa phát lại còn góp phần xây dựng và tạo ra môi trường hành lang pháp lý rõ ràng và đảm bảo cho các giao dịch dân sự, kinh tế được thực hiện theo đúng pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Với mong muốn bạn đọc có cái nhìn tổng quát về công tác Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị, tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thực hiện chế định Thừa phát lại - hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp”.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý và những người trực tiếp thực hiện công việc Thừa phát lại, Tọa đàm không chỉ phác thảo bức tranh chung về công tác Thừa phát lại tại Hà Nội mà còn gợi mở những giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của công tác Thừa phát lại.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 2/2014 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 05 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP là các Văn phòng: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân. Đến nay, số lượng văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội lên đến con số 38.

Trong khó khăn của những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, các văn phòng Thừa phát lại đã nhận được chỉ đạo sâu sát, chỉ đạo kịp thời của UBND TP, hỗ trợ, tạo điều kiện của Sở Tư pháp TP Hà Nội và các cấp, các ngành của địa phương.

Có thể thấy, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai và đến nay, được đông đảo người dân đón nhận..

Các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu nhiều chục tỷ đồng cho người được thi hành án...

Thời gian qua, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần thúc đẩy ổn định, trật tự trong giao lưu dân sự, kinh tế thông qua hoạt động lập vi bằng, tạo lập chứng cứ giúp chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cho hoạt động xét xử của tòa án; đồng thời, xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại cho thấy những thông tin về điều kiện thi hành án của đương sự do Thừa phát lại cung cấp đã giúp bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, giúp cơ quan thi hành án có thêm cơ sở đưa ra các phương thức tổ chức thi hành án phù hợp.

Tuy nhiên, thực tế công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó cũng là lý do Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức cuộc Toạ đàm này.

38 Văn phòng đã lập được 10.054 vi bằng

Là Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nam đã sâu sát và gắn bó với công tác bổ trợ tư pháp nhiều năm qua. Đặc biệt, từ khi Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Hà Nội hiện có 38 Văn phòng Thừa phát lại.

Bà Nguyễn Phương Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy
Bà Nguyễn Phương Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Với vai trò nhà quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, bà Nguyễn Phương Nam chia sẻ, hiện nay có 38 Văn phòng Thừa phát lại, 8 Văn phòng được cấp hoạt động từ trước năm 2023, 30 Văn phòng được cấp từ tháng 3/2023 đến nay với 91 Thừa phát lại hoạt động. Hiện tại, với số lượng Thừa phát lại và Văn phòng hoạt động phần lớn ổn định, đầu tư cơ sở vật chất, Thừa phát lại được trau dồi chuyên môn về nghiệp vụ.

Qua thống kê của phòng Bổ trợ tư pháp, số lượng lập vi bằng nhiều đã đóng góp một số ngân sách không nhỏ vào ngân sách của TP, giảm thiểu công việc của các cơ quan chức năng. 6 tháng đầu năm, 38 Văn phòng đã lập được 10.054 vi bằng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Thừa phát lại ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, một số quy định về nghị định chưa phù hợp vói thực tế hiện nay. Qua công tác kiểm tra, công văn hướng dẫn về Thừa phát lại ít, chủ yếu là Thông tư 05 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại).

Có một số bất cập ở Thông tư 05/TT-BTP, là đăng ký Vi bằng, bởi chưa được quy định cụ thể như thế nào. Vì vậy, mỗi Sở Tư pháp tỉnh, thành lại quy định đăng ký Vi bằng khác nhau.

Theo quy định, trong 3 ngày, Vi bằng phải đăng ký tại Sở Tư pháp. Số lượng vi bằng năm 2021 có khoảng 18.000 Vi bằng, năm 2022 là 24.500 Vi bằng. Số lượng Vi bằng nhiều, kho chật, công chức giải quyết việc khiêm tốn, lại vừa cập nhật, kiểm tra, vào sổ nên đây cũng là khó khăn, vướng mắc, bất cập lớn.

Ngoài ra, quy định, các Sở Tư pháp chủ động báo cáo tỉnh/thành phố về việc xây dựng dữ liệu phần mềm cập nhật vi bằng. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu như thế nào thì không nêu rõ trong Nghị định, chưa nêu quy chuẩn, tiêu chuẩn,…

Qua theo dõi, một số Văn phòng Thừa phát lại họat động hiệu quả là các Văn phòng: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thăng Long – Hà Nội... Cũng có Văn phòng từ khi thành lập đến nay chỉ lập được ít Vi bằng.

Sở Tư pháp TP Hà Nội đang tham mưu lãnh đạo Thành phố kế hoạch kiểm tra Văn phòng Thừa phát lại và sẽ kiểm tra 5 Văn phòng Thừa phát lại để tìm hiểu khó khăn và kịp thời báo cáo Sở Tư pháp, UBND Thành phố Hà Nội.

"Nghị định 08/NĐ-CPvề tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, quy định chức năng nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng hạn chế. Do đó, chúng tôi kiến nghị đề xuất mở rộng công việc cho Thừa phát lại, trong thời gian tới, sửa đổi Nghị định hoặc xây dựng Luật Thừa phát lại" - bà Nam phát biểu.

Hội Thừa phát lại Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình cho biết, văn phòng Thừa phát lại Ba Đình được thành lập theo Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 24/02/2014 của UBND Thành phố Hà Nội. Với Giấy đăng ký hoạt động số 03/TP-TPL-ĐKHĐ ngày 17/3/2014 của Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội.

Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình có địa chỉ tại số 61 phố Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Văn phòng được tổ chức và hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh với 12 người, trong đó 6 thừa phát lại, 4 thư ký nghiệp vụ, một kế toán kiêm văn thư, một thủ quỹ kiêm lưu trữ.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình. Ảnh: Khánh Huy
Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình. Ảnh: Khánh Huy

Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đã lập được 14.065 Vi bằng. 100% Vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp Hà Nội theo đúng quy định. Về công việc Tống đạt văn bản giấy tờ, Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đã ký hợp đồng và tiến hành Tống đạt với TAND quận Ba Đình; đã nhận và tống đạt được 4.490 văn bản. Về thi hành án dân sự, trong những năm qua văn phòng không tiếp nhận thêm việc mới, chỉ thực hiện những việc còn đang dở dang. Đã thu cho người yêu cầu được 22,658 tỷ đồng, thu 673 triệu đồng tiền phí.

Ông Lạng nhấn mạnh, ngay từ khi mới thành lập, Văn phòng đã lập và ban hành các quy trình thực hiện nhiệm vụ, như: Quy trình lập vi bằng, Quy trình tống đạt văn bản, Quy trình xác minh điều kiện thi hành án, Quy trình tổ chức thi hành án, và Quy trình công tác lưu trữ.

Quá trình hoạt động, Văn phòng luôn quán triệt Thừa phát lại và các cán bộ giúp việc tuân thủ đúng các quy trình mà Văn phòng đã ban hành. Đồng thời Văn phòng đã xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, quán triệt trong toàn bộ nhân viên và Thừa phát lại trong Văn phòng để cùng thực hiện.

Chia sẻ về Hội Thừa phát lại, ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thừa phát lại Hà Nội cho biết, sau 5 năm thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành, ngày 26/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 chấm dứt việc thí điểm, từ 1/1/2016 cho chính thức thực hiện Chế định Thừa phát lại trên phạm vi toàn quốc.

Tại Hà Nội, tháng 2/2014 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại. Tháng 10/2014 UBND TP tiếp tục Quyết định cho phép thành lập thêm 3 Văn phòng Thừa phát lại (Văn phòng Thừa phát lại quận Nam Từ Liêm, Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đô và Văn phòng Thừa phát lại Đông Dương). Cho nên năm 2014 cũng là năm Chế định Thừa phát lại chính thức được thực hiên trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện cơ chế kinh tế thị trường sâu rộng của đất nước, các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội nói riêng, toàn quốc nói chung sẽ phát triển và hình thành một hệ thống các Văn phòng chuyên nghiệp có quy mô lớn. Cùng với sự phát triển của Chế định Thừa phát lại, nhu cầu có một môi trường hoạt động chuyên nghiệp cho những người làm nghề Thừa phát lại là tất yếu.

Theo đó, ngày 16/10/2020 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4667/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Thừa phát lại TP Hà Nội. Theo Quyết định trên, Hội Thừa phát lại TP Hà Nội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được UBND TP Hà Nội phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

Sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19, ngày 27/3/2021, Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại TP Hà Nội mới chính thức diễn ra. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, và thông qua Dự thảo Điều lệ Hội.

Ngày 27/6/2022 Chủ tịch UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2038/QĐ-UBND phê duyệt Điều lệ Hội Thừa phát lại TP Hà Nội. Hiện nay, Hội Thừa phát lại TP Hà Nội có 62 hội viên; trụ sở thuê tại tầng 5 Tòa nhà số 158 phố Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công dân Việt Nam đang hành nghề Thừa phát lại tại các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội, tự nguyện thành lập và tham gia, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Thừa phát lại là hội viên của Hội; duy trì sự ổn định, phát triển hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn TP.

Đồng thời, xây dựng các giá trị chuẩn mực của Thừa phát lại Thủ đô, phát triển đội ngũ Thừa phát lại có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Ông Lạng cho biết thêm, thời gian tới, Hội Thừa phát lại TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động như: Tuyên truyền mục đích của Hội; Đại diện cho hội viên trong các mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo quy định của pháp luật; Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện các nội dung liên quan đến các chủ trương chính sách về Thừa phát lại theo đề nghị của cơ quan Nhà nước…

Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật; Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội…

Cần tháo gỡ “điểm nghẽn” cho Thừa phát lại

Tại buổi Tọa đàm, ông Quách Sỹ Hiển, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thăng Long – Hà Nội chia sẻ, hiện nay hoạt động thừa phát lại gặp nhiều khó khăn, Văn phòng chúng tôi chưa ký được hợp đồng nào bên Tòa, chi phí tống đạt, thu chi thanh toán chậm khả năng không làm được, thi hành án bị bó quyền nên không làm được.

Hiện nay, Văn phòng chú trọng mảng lập Vi bằng, đến thời điểm này lập được hơn 500 Vi bằng từ khi có giấy phép hoạt động. Do đó, Văn phòng hoạt động chủ yếu từ doanh thu Vi bằng.

Ông Quách Sỹ Hiển, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thăng Long – Hà Nội, bày tỏ ý kiến tại toạ đàm. Ảnh: Khánh Huy
Ông Quách Sỹ Hiển, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thăng Long – Hà Nội, bày tỏ ý kiến tại toạ đàm. Ảnh: Khánh Huy

"Những Vi bằng ghi nhận sự kiện hành vi liên quan đến đất đai thì theo quy định của pháp luật phải có giấy tờ chứng minh đất đai theo quy định của pháp luật. Chúng tôi chỉ lập Vi bằng ghi nhận sự cam kết' - lời ông Hiển.

Về chi phí lập Vi bằng thì trong Nghị định ghi phí lập Vi bằng dựa trên sự thỏa thuận của Văn phòng và khách hàng. Hiện tại ở Hà Nội có rất nhiều Văn phòng mới mở ra và các tỉnh hoạt động tại TP Hà Nội đang có phí mà không theo kiểu như tối thiểu nên mạnh ai nấy thu, thu thấp, thu cao,… Công sức lập Vi bằng quá vất vả nhưng ngoại tỉnh về thu rất thấp nên khó khăn cho việc thu phí.

Khó khăn nữa là ký tên trong hợp đồng giao dịch là của công chứng - chứng thực mà Vi bằng không liên quan, bắt buộc phải công chứng - chứng thực thì chúng tôi lập Vi bằng nhưng như thế là vi phạm điều 37 Nghị định 08. Ông Quách Sỹ Hiển kiến nghị vấn đề này để sửa đổi Nghị định, để Thừa phát lại có thẩm quyền rộng ra hơn.

Ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Việt Hưng cho biết, mặc dù được Nhà nước giao cho thực hiện 4 công việc: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của các cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, viện kiểm sát; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của bên được thi hành án.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các Văn phòng Thừa phát lại ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu thực hiện lập vi bằng, một số ít văn phòng thực hiện tống đạt. Trong báo cáo chủ yếu về lập vi bằng, tống đạt nhưng xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án hầu như không có.

Để tháo gỡ điểm nghẽn ấy, ông Phạm Anh Dũng đề xuất nên giao các vụ việc thi hành án nhỏ, dân sự cho Văn phòng Thừa phát lại thực hiện để giảm tải công việc cho các chấp hành viên, có thời gian tập trung vào các vụ án lớn, thu tài sản lớn.

Bởi lẽ, về việc xác minh điều kiện thi hành án do chấp hành viên thực hiện sẽ phù hợp với các khoản thu ngân sách Nhà nước còn bồi thường thiệt hại, thanh toán hợp đồng giữa công dân với công dân, giữa các tổ chức Nhà nước,… thì nên để cho Thừa phát lại đi xác minh tài sản của bên phải thi hành án.

Để thực sự thực hiện đầy đủ 4 công việc do Chính phủ giao quyền cho các Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại thì rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị. Trong đó, có các cơ quan tố tụng bao gồm: Tòa án, kiểm sát, thi hành án.

Ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Việt Hưng thông tin tại Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy
Ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Việt Hưng thông tin tại Tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Trưởng Văn phòng thừa phát lại Việt Hưng Phạm Anh Dũng cho biết thêm, đối với công việc tống đạt có 2 hình thức nhưng thực tế việc tống đạt qua bưu điện chất lượng không cao, dễ thất lạc và gặp nhiễu cho việc mở phiên tòa xét xử, hoặc khó cho biện pháp kê biên, phát mại, xử lý tài sản,...

Do đó, giao việc cho Thừa phát lại sẽ đảm bảo được việc tống đạt đến tận tay người nhận, không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, truy tố, thi hành án, xử lý thu hồi tài sản của bên phải thi hành án,… Nếu tống đạt mà không tống đạt trực tiếp thì sẽ gây ra việc hoãn phiên tòa.

 

Tham gia buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình; bà Nguyễn Phương Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội; ông Quách Sỹ Hiển, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thăng Long – Hà Nội; ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Thừa Phát Lại Việt Hưng.

Về phía khách mời còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP cùng các cơ quan báo chí của TP và Trung ương.

Về phía Báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị, chủ trì Tọa đàm.