U23 Việt Nam lần đầu vô địch Đông Nam Á:

Bước đệm cho cầu thủ trẻ

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Vượt qua khó khăn để tạo nên bước ngoặt trong lịch sử, U23 Việt Nam đã có lần đầu tiên vô địch Giải U23 Đông Nam Á. Chức vô địch này là minh chứng cho những cố gắng của các cầu thủ trẻ cũng như là bệ phóng cho tương lai của bóng đá Việt Nam.

Vượt qua nghịch cảnh

Bước vào Giải U23 Đông Nam Á 2022, thầy trò HLV Đinh Thế Nam chỉ có hơn 1 tháng chuẩn bị từ việc lựa chọn cầu thủ cũng như đưa ra các chiến thuật phù hợp. U23 Việt Nam hội quân với 23 cầu thủ thuộc lứa U23 và U21. Có thể dễ dàng nhận ra một số gương mặt khá quen thuộc đã từng được HLV Park Hang-seo triệu tập vào đội hình U23 Việt Nam trong năm 2020-2021 vừa qua như: Thủ môn Y Êli Niê, Trần Liêm Điều, Trịnh Xuân Hoàng, tiền vệ Hoàng Xuân Tân, Trần Bảo Toàn, Dụng Quang Nho, tiền đạo Mai Xuân Quyết...

U23 Việt Nam lần đầu tiên vô địch tại Đông Nam Á sau khi đánh bại Thái Lan. Ảnh: VFF.
U23 Việt Nam lần đầu tiên vô địch tại Đông Nam Á sau khi đánh bại Thái Lan. Ảnh: VFF.

Một tháng tập trung tại Hà Nội và 1 tuần hội quân tiếp theo tại Bình Dương, U23 Việt Nam đã hoạt động hết công suất. Các cầu thủ không được nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Có thời điểm, thời tiết nắng nóng tại vùng đất Bình Dương khiến các cầu "sốc" nhiệt và gặp khó khăn để thích nghi.

Nhìn lại hành trình của U23 Việt Nam đến chức vô địch, nhiều người phải “ngả mũ” cho tinh thần của các cầu thủ trẻ. U23 Việt Nam ở bảng C cùng với Thái Lan và Singapore. Đây được cho là bảng tử thần của giải đấu, quy tụ những đội bóng là ứng cử viên cho chức vô địch. Ngay trận đấu mở màn trước U23 Singapore, U23 Việt Nam đã mất 4 cầu thủ do nhiễm Coivd-19. Nhưng chúng ta vẫn may mắn hơn đối thủ khi họ mất 10/24 cầu thủ. Tận dụng lợi thế, đoàn quân của U23 Việt Nam đã có chiến thắng áp đảo, hơn thế là sự đa dạng trên mặt trận tấn công vì có tới 6 cái tên xuất hiện trên bảng tỷ số.

Ở trận đấu thứ 2 gặp U23 Thái Lan, HLV Đinh Thế Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi U23 Việt Nam tiếp tục mất 2/15 cầu thủ vì chấn thương và nghi nhiễm Covid-19. Có thời điểm, toàn đội chỉ còn 9 cầu thủ đủ điều kiện thi đấu. Cũng từ đây, 2 đợt chi viện với 10 cầu thủ đã có mặt để giúp U23 Việt Nam đủ số cầu thủ đăng ký tham dự 1 trận đấu. Nhưng thiếu vắng quá nhiều khiến U23 Việt Nam phải sử dụng thủ môn đá tiền đạo ở trận đấu với U23 Đông Timor, tiền vệ phải chám vào vị trí hậu vệ hay tiền đạo làm thay nhiệm vụ của tiền vệ.

Lịch thi đấu 2 ngày 1 trận cùng với dịch Covid-19 phần nào bào mòn thể lực cũng như quân số của U23 Việt Nam. Nhưng 4 trận đấu, U23 Việt Nam đã  ghi được 9 bàn thắng, không để thủng lưới và mỗi trận một đội hình khác nhau đã cho thấy sự vượt lên hoàn cảnh khó khăn để mang về vinh quang là chức vô địch đặc biệt và đầy cảm xúc. Sau chức vô địch này, các cầu thủ trẻ đã được trải nghiệm và có thêm những bài học khi chơi ở nhiều vị trí khác nhau, sơ đồ khác nhau để phát triển bản thân phù hợp với bóng đá hiện đại.

“Khó khăn lớn nhất trong toàn giải là nỗi lo sợ các ca mắc Covid-19 làm đội thiệt hại quân số. Trong từng ngày, tôi chỉ biết hồi hộp, cầu mong các cầu thủ có sức khỏe. Dù khó khăn thế nào, tôi cũng đều động viên các học trò. Đây là kỷ niệm đáng nhớ với các cầu thủ trẻ" – HLV Đinh Thế Nam bày tỏ.

Bàn đạp cho tương lai

Giải U23 Đông Nam Á 2022 là sân chơi cho các cầu thủ trẻ cọ xát, tích luỹ thêm kinh nghiệm khi không được đá chính tại V-League cũng như các giải đấu trẻ phải huỷ bỏ do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây sẽ là tiền đề cho kế hoạch xây dựng lực lượng hướng tới SEA Games 32 năm 2023 và những cầu thủ có sự thể hiện xuất sắc cũng sẽ được giới thiệu để bổ sung vào đội hình U23 Việt Nam tham dự SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam tháng 5 tới.

Giải U23 Đông Nam Á 2022 là sân chơi cho các cầu thủ trẻ cọ xát, tích luỹ  thêm kinh nghiệm. Ảnh: VFF. 
Giải U23 Đông Nam Á 2022 là sân chơi cho các cầu thủ trẻ cọ xát, tích luỹ  thêm kinh nghiệm. Ảnh: VFF. 

Người hâm mộ và giới chuyên môn chắc chưa thể quên nhiều lần HLV Park Hang-seo phàn nàn về việc lựa chọn nhân sự, mới nhất là vào tháng 11/2021 sau trận thua trước ĐT Nhật Bản: “4 năm làm việc tại Việt Nam tôi thấy không có thêm 1 tiền đạo thực thụ. Sau Anh Đức, Tiến Linh và Đức Chinh không ai hơn. V-League đa số dùng tiền đạo ngoại và chúng ta không có tiềm năng nào từ U22 Việt Nam”.

Lời phàn nàn của HLV Park Hang-seo là có cơ sở khi thời gian qua U23 Việt Nam cũng như ĐTQG không có quá nhiều sự thay đổi về con người, đâu đó vẫn là những cái tên quen thuộc. Nhưng sau màn thể hiện của các cầu thủ trẻ, HLV người Hàn Quốc sẽ có những cái nhìn mới hơn về lứa cầu thủ sẽ tiếp nối cho tương lai bóng đá Việt Nam.

Những cái tên như Y Êli Niê, Đoàn Anh Việt, Trần Bảo Toàn, Tuấn Hưng, Quang Thịnh, Quang Nho, Nguyên Hoàng, Văn Tùng… sẽ là tương lai của bóng đá nước nhà và chính HLV Đinh Thế Nam là người muốn thể tiến cử cho đội U23 Việt Nam dự SEA Games 31 sau chức vô địch tối ngày 26/2.

Việc tạo điều kiện cũng như sân chơi cho các cầu thủ trẻ cần cọ xát, nuôi dưỡng tình yêu cũng phát triển phẩm chất cá nhân, hoàn thiện bản thân là không phải thời điểm này mới nhắc tới, nhưng không dễ để giải quyết một sớm một chiều. Điều quan trọng lúc này VFF phải đưa ra kế hoạch thực hiện chi tiết và có lộ trình rõ ràng hơn, không chỉ là còn là lời nói không, chính các CLB cần phải nhìn ra lợi ích lâu dài vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

 

“U23 Việt Nam sẽ về nước vào lúc 18 giờ 45 ngày 27/2, dự kiến hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất với 27 thành viên (gồm cầu thủ và ban huấn luyện) khi có kết quả xét RT-PCR âm tính vào ngày 26/2. 19 thành viên dương tính với Covid-19 và trợ lý Lê Cao Cường ở lại Campuchia để hỗ trợ các thành viên điều trị đến khi bình phục”