Cơ chế vượt trội để đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao
Kinhtedothi - Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển thể thao Hà Nội nâng tầm quốc tế, Luật Thủ đô 2024 quy định mức thưởng bổ sung đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) lập thành tích tại giải thể thao thành tích cao của khu vực và quốc tế.
Hà Nội tuyển chọn, đào tạo khoảng 1.300 VĐV đến năm 2030
Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu và khẳng định được vị thế về thể thao thành tích cao, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam ở các giải đấu quốc tế. Đó là thành quả của những định hướng, cơ chế đặc thù của TP giúp các HLV, VĐV yên tâm tập luyện. Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 mang đến sự hứng khởi cho các HLV, VĐV thể thao thành tích cao yên tâm, tập trung vào việc tập luyện cũng như thi đấu mang thành tích về cho Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.

Điểm nhấn nổi bật trong Luật Thủ đô 2024 là các quy định về phát triển thể thao Thủ đô nâng tầm quốc tế. Ảnh: Ngọc Tú
Theo Kế hoạch 230/KH-UBND ngày 26/8/2022 về xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể dục, thể thao (TDTT) Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành thể thao Thủ đô sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài TDTT. Cụ thể, từ năm 2022 - 2023, ngành thể thao TP bổ sung những chính sách chiêu mộ các VĐV đã đạt thành tích cao, còn khả năng tiếp tục giành huy chương tại Asiad và Olympic; thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Từ năm 2024 - 2025, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với HLV, VĐV Hà Nội được triệu tập tập huấn đội tuyển quốc gia (ngoài định mức đã được quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP). Ngoài ra, ngành thể thao Thủ đô đẩy mạnh chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu thể thao. Trong khi đó, từ năm 2026 - 2030, 2 nhiệm vụ chính được tập trung là nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế độ, hình thức khen thưởng cho các VĐV, HLV khi đạt huy chương tại Olympic và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính của giai đoạn 2022 – 2025; cập nhật điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo kế hoạch đề ra, năm 2025, Hà Nội sẽ tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.200 VĐV, trong đó khoảng 150 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trên 200 HLV để có trên 30% lực lượng HLV, VĐV có thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 33 tại Thái Lan và trên 30% lực lượng VĐV và thành tích thi đấu trong đội tuyển quốc gia tham dự Asiad lần thứ 20 tại Nhật Bản năm 2026.
Thực tế, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để hướng tới những mục tiêu cụ thể, trong đó có việc tăng cường đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất hiện có, mua sắm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng phục vụ việc tập luyện, thi đấu, đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa ở một số môn nhằm hỗ trợ HLV, VĐV trọng điểm. Những giải pháp được đưa ra hướng đến năm 2030, việc tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.300 VĐV. Trong đó khoảng 250 VĐV đạt thành tích quốc tế, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng trên 200 HLV tài năng, có trên 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 34 tại Brunei năm 2027 và SEA Games 35 tại Lào năm 2029.
Cùng với đó, trên 30% lực lượng VĐV đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic lần thứ 34 tại Mỹ năm 2028, phấn đấu có huy chương và trên 30% lực lượng VĐV, số huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 20 và 21 tổ chức tại Nhật Bản năm 2026, Qatar năm 2030.
Tạo cơ chế cho VĐV sau đỉnh cao
Hà Nội khi xây dựng Luật Thủ đô đã đưa vào những cơ chế, chính sách vượt trội, trong đó, ngành thể thao được chú trọng, đầu tư chuyên sâu và có trọng điểm. Điều 21 Luật Thủ đô 2024 nêu rõ, HĐND TP quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng VĐV, HLV đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Trong đó, HĐND TP quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách TP đối với trường hợp: VĐV, HLV tham gia đào tạo, huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao, tập huấn đội tuyển thể thao thành tích cao của TP, đội tuyển thể thao thành tích cao quốc gia; đào tạo, bồi dưỡng VĐV trở thành HLV, trọng tài viên quốc gia, quốc tế; VĐV, HLV bị tai nạn, suy giảm sức khỏe do đào tạo, huấn luyện, thi đấu...
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, HLV đấu kiếm Phạm Anh Tuấn - người đi lên từ VĐV cho biết, việc xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đã góp phần kết nối, tăng cường năng lực hội nhập, nâng cao tiêu chuẩn thể thao Việt Nam ngang tầm châu lục cũng như thế giới. Cùng với việc đưa Luật Thủ đô 2024 vào thực tiễn giúp việc các VĐV, HLV có điều kiện tham gia đào tạo, huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao, tập huấn đội tuyển thể thao thành tích cao của TP, đội tuyển thể thao thành tích cao quốc gia. Đặc biệt, mỗi VĐV sẽ có cơ hội tiếp tục đồng hành với sự nghiệp thể thao sau khi kết thúc thời kỳ đỉnh cao, chuyển sang chuyên môn huấn luyện.
"Vấn đề phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV tài năng, năng khiếu đặc biệt ở các môn thể thao thi đấu Asiad, Olympic và các môn của Hà Nội có những thuận lợi riêng. Trong đó, việc tập trung vào công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thu hút tài năng, năng khiếu thể thao có kế hoạch bài bản và được sự quan tâm từ TP" - ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Từ thực tiễn cho thấy, những quy định cho ngành thể thao Thủ đô đã rõ và Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thể hiện quyết tâm của Hà Nội đầu tư vào các môn thể thao cũng như VĐV trọng điểm nằm trong hệ thống Asiad, Olympic, lấy đấu trường SEA Games làm nền tảng. Ngoài ra, từ đó làm cơ sở từng bước tiếp cận đấu trường châu lục và thế giới và giúp thể thao thành tích cao của TP Hà Nội luôn duy trì ổn định vị thế dẫn đầu cả nước.
Trích dẫn
Hiện nay, thể thao Hà Nội đang đào tạo, huấn luyện 33 môn thể thao với tổng gần 40 phân môn, sở hữu số VĐV đông đảo. Trong nhiều năm qua, ngoài vấn đề chuyên môn, thể thao Hà Nội còn quan tâm đến đời sống của các VĐV, HLV. Cùng với đó, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước trong thi đấu thành tích cao tại nhiều giải quốc gia, giải trẻ quốc gia. Đặc biệt, đóng góp của thể thao Hà Nội cho thể thao Việt Nam luôn đứng đầu trong các địa phương cả nước về VĐV, HLV và số lượng huy chương ở các giải đấu.

Đánh thức công trình văn hóa, thể thao còn “đắp chiếu”
Kinhtedothi - Trong bối cảnh nhiều công trình văn hóa, thể thao rơi vào cảnh “xây xong rồi… đắp chiếu”, không phát huy hết công năng, gây lãng phí nguồn lực, các chuyên gia cho rằng cần phải có tư duy quản trị mới theo hướng công trình công – quản trị tư.

Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2026 tổ chức tại Tam Á, Trung Quốc
Kinhtedothi - Hội đồng Olympic châu Á đã thông báo, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á sẽ trở lại vào năm sau tại Tam Á, đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.

Cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre bị khởi tố
Kinhtedothi - Ngày 22/5, tin từ Công an tỉnh Bến Tre, cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Bến Tre.