Kết quả tích cực ban đầu này là điểm tựa để công viên Thống Nhất chuyển mình đổi mới toàn diện, phát huy hết giá trị phục vụ Nhân dân.
Lượng khách đến công viên tăng cả lượng và chất
Cuối tháng 12/2022, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội, công viên Thống Nhất được thí điểm hạ một phần hàng rào dài khoảng 400m, trở thành công viên “mở” kết nối với không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Sau 1 năm triển khai, khu vực này hiện đã có diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây, cảnh quan xanh, sạch đẹp, thông thoáng, nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Hầu hết người dân khi được hỏi đều cho rằng không gian công viên thoáng đãng, đẹp hơn rất nhiều, trở thành không gian công cộng, vui chơi, thư giãn đúng nghĩa.
Thong thả dạo bộ trên vỉa hè sát thảm cỏ xanh mướt cùng những luống hoa hồng đang khoe sắc, bà Trần Thị Hảo Tâm (số 11A, phố Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) vui vẻ chia sẻ: Sau khi hàng rào sắt được hạ xuống, khu vực này được chỉnh trang, trồng nhiều hoa cỏ tạo cảnh quan sạch đẹp, người dân ra vào công viên thuận tiện hơn nhiều nên rất phấn khởi. Riêng những người sống gần công viên như chúng tôi còn thấy vui hơn vì được hưởng không khí trong lành từ màu xanh cây cỏ, quanh cảnh thoáng đẹp của công viên.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán cho biết, ngay sau khi hạ phần hàng rào, đơn vị đã chủ động cải tạo, duy trì vườn hoa, tiểu cảnh, tạo không gian mở kết nối với tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông. Hàng rào sắt ngăn cách địa giới công viên trước đây đã được thay thế bằng “hàng rào mềm” là vườn hoa hồng dài 300m, với hơn 1.000 gốc hồng nhiều màu sắc vừa tạo cảnh quan vừa để ngăn các phương tiện ra vào công viên trái phép. Cùng đó mở 4 lối dành cho người đi bộ được tiếp cận công viên dễ dàng.
Theo ông Ma Kiên Hán, do được người dân nhiệt tình ủng hộ nên sau 1 năm mở hàng rào tình hình an ninh trật tự trong công viên đã nâng lên. Mỗi người vào công viên đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, kịp thời phản ánh những hành vi vi phạm và được xử lý kịp thời. Cùng với các hoạt động của không gian đi bộ phố Trần Nhân, công viên cũng thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc, thu hút đông đảo mọi người tham gia như: Triển lãm, giới thiệu các sản vật địa phương, văn hóa, văn nghệ,... Ngoài ra, đơn vị cũng cải tạo, nâng cấp cảnh quan; sửa chữa, nâng cấp thiết bị vui chơi, giải trí, ốp vật liệu gốm khu vực nhà gương; tăng cường chiếu sáng, chăm sóc các bồn hoa...
“Hiệu quả rõ nét nhất sau khi chuyển thành công viên “mở” lượng khách vào công viên đã tăng 20-30%, chất lượng khách cũng được nâng cao khi trước đây chủ yếu là người vào tập thể dục thì nay có nhiều đoàn đến công viên tham quan, chụp ảnh kỷ niệm trong đó có nhiều người nước ngoài” – ông Ma Kiên Hán cho hay.
Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã phân cấp 5 công viên gồm: Tuổi trẻ, Bách Thảo, Lê Nin, Thống Nhất, Hòa Bình chuyển từ Sở Xây dựng sang cho các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm quản lý, duy trì, chăm sóc từ 1/1/2024. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho rằng, đây là điểm thuận lợi giúp công tác duy tu, sửa chữa các hạng mục xuống cấp trong công viên được kịp thời hơn, công tác đảm bảo an ninh trật tự được phối hợp chặt chẽ thường xuyên hơn. Nhờ đó, công viên sẽ phục vụ người dân được hiệu quả hơn.
Thời gian tới để công viên thành điểm đến, thu hút nhiều du khách hơn nữa Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất sẽ phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức các buổi biểu diễn ca múa nhạc dân gian, triển khai các không gian ẩm thực, văn hóa, văn nghệ; mở không gian đọc sách; dành khu vực cho các hoạt động dã ngoại, cắm trại...
Xây dựng lộ trình, kịch bản rõ ràng khi mở rào công viên
Có thể khẳng định sau khi dỡ bỏ một đoạn hàng rào, công viên Thống Nhất đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để TP quyết định tiếp tục đầu tư nâng cấp toàn diện công viên, dỡ bỏ toàn bộ hàng rào bao quanh công viên để phát huy tối đa hiệu quả của công trình.
Tháng 9/2023, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP. Trong đó, công viên Thống Nhất được dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo. Mục tiêu là nhằm hoàn thiện không gian môi trường, mặt nước hài hòa với cảnh quan xung quanh, góp phần cải thiện môi trường và phát triển TP xanh, sạch, đẹp. Đồng thời bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa lịch sử của Công viên Thống Nhất; bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, đáp ứng nhu cầu không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Nhân dân địa phương và du khách đến Thủ đô.
Ngoài việc bỏ toàn bộ hàng rào sắt còn lại, công viên được đầu tư thêm một số hạng mục như cải tạo nâng cấp cổng phía đường Nguyễn Đình Chiểu, Đại Cồ Việt; nhà quản lý cũ tại công Trần Nhân Tông; đường chính quanh hồ Bảy Mẫu và nội bộ; đường dạo nhỏ kết hợp sân nghỉ; trục trung tâm, quảng trường lớn, sân trưng bày triển lãm kết nối khu phố đi bộ; hệ thống cấp điện, chiếu sáng tổng thể; hệ thống cấp, thoát nước; khu sinh hoạt văn hóa, sân khấu ngoài trời; khu vui chơi tự do cho trẻ em, có mái che và thiết bị cố định; khu sân tập thể dục thể thao, có mái che và thiết bị cố định. Xây dựng mới các chòi nghỉ kết hợp vệ sinh và khu tiện ích, hệ thống chiếu sáng thẩm mỹ, hệ thống truyền thanh và hệ thống camera, hệ thống thu gom rác.
Khẳng định việc mở rào các công viên là cần thiết, nhất là trong bối cảnh lâu nay khu vực đô thị Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng, điểm vui chơi, tuy nhiên TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi thực hiện phải đánh giá đầy đủ, xây dựng lộ trình, kịch bản rõ ràng. Cần đồng bộ ở nhiều khía cạnh từ cơ chế quản lý, vận hành công viên, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cho đến biện pháp về thiết kế, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giao thông, trật tự an ninh, an sinh xã hội, đặt biệt tệ nạn xã hội rất dễ phát sinh.
Nhất là công viên Thống Nhất là công viên mang nhiều dấu ấn lịch sử, thời đại, là nơi Bác Hồ trồng cây. Cổng công viên (đường Lê Duẩn, Trần Nhân Tông) là kết quả của cuộc thi sáng tạo,... Vì vậy, trong quá trình “mở”, TP cần lưu ý xem xét các khu vực có giá trị lịch sử cần bảo tồn; quy hoạch các khu vực chuyên đề riêng về văn hóa, giải trí... để khai thác tối đa giá trị sử dụng, phục vụ mọi lứa tuổi.
Công viên Thống Nhất là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích khoảng 456.760m² (trong đó diện tích mặt nước khoảng 16.500m²), nằm giữa 4 phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Theo chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp, Công viên Thống Nhất được dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2026, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội.