Kinhtedothi - Năm 2014 - một năm đánh dấu cột mốc Hà Nội tròn 60 năm sau ngày giải phóng, một năm với nhiều sự kiện quan trọng đã khép lại bằng những gam màu sáng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là bước đệm vững chắc để Hà Nội về đích trong năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm nhiệm kỳ 2011 - 2015.
Những điểm nhấn
Điều đầu tiên có thể nhận thấy tại các cơ quan, đơn vị, thời điểm gần cuối năm là việc “phấp phỏng” liệu có hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách đã không còn nữa. Hầu hết lãnh đạo các đơn vị đều “rất hồ hởi” trước kết quả vượt chỉ tiêu đặt ra. Nhìn trên toàn TP, những con số thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý sau cao hơn quý trước, nếu quý I/2014 mới đạt 6,6% đến quý IV đã tăng 11,2%, bình quân cả năm tăng 8,8% (cao hơn năm 2013 là 8,5%), cao hơn 1,52 lần mức tăng chung của cả nước. Trong đó, phải kể đến giá trị gia tăng ngành xây dựng ước tăng 9,9%, mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Như nhiều người đã nhận xét, những giải pháp mà TP Hà Nội triển khai từ các năm trước đến nay đã bắt đầu phát huy tác dụng, cùng với việc phục hồi của nhiều DN, thị trường bất động sản ấm lên, lượng hàng tồn kho giảm. Từ việc tăng trưởng đó, dẫn đến tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 130.100 tỷ đồng, đạt 103,1% dự toán, mức thu này đã đảm bảo cho các mục tiêu chi đầu tư phát triển của TP.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kiểm tra tiến độ thi công cầu Nhật Tân. Ảnh: Hải Linh
|
Đúng như Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhận xét: Một điểm nhấn rất quan trọng trong năm 2014 tại Hà Nội cần được ghi nhận chính là tình hình an ninh chính trị. Trước sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của nước ta ở Biển Đông và những biến động xảy ra ở một số địa phương, nhưng Hà Nội đã rất chủ động trong phòng ngừa và kiểm soát tình hình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Năm 2014 cũng đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển của Thủ đô, khi Hà Nội kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 15 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu TP vì hòa bình, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp Nhân dân và bạn bè quốc tế, tạo không khí mới và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Thủ đô.
Những kết quả bước đầu của "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014” cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng TP sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, trật tự ATGT được đảm bảo hơn. Những con số thống kê đã chỉ ra một khối lượng công việc khổng lồ TP đã làm được từ thanh thải, sắp xếp hệ thống đường dây, cáp đi nổi trên 56 tuyến phố nội thành; giải tỏa đứt điểm 97/209 tụ điểm chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...; duy tu 1.838km đường, 405 cầu các loại bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn... Hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật, đô thị đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Mỗi quận, huyện đều lựa chọn từ 2 - 3 tuyến phố trung tâm và các khu hành chính để tập trung xây dựng thành các tuyến văn minh đô thị...
Điều tiếp theo phải nói đến chính là bước phát triển mới ở khu vực ngoại thành khi phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh và là “điểm sáng” của cả nước: Hà Nội đã đạt 100 xã nông thôn mới và bằng 20% của cả nước. Từ thực tế các huyện cho thấy, đây là con số không dễ dàng gì trong khi tiềm lực nền kinh tế còn chưa thực sự ổn định, vốn đầu tư hạn chế, nhưng hầu hết các huyện đều có một quyết tâm lớn để “về đích” trong phong trào này. Không chỉ có sự thay đổi về hạ tầng, cùng với việc thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 76.000ha, Hà Nội đã xuất hiện nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.
Những năm trước, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và lãnh đạo TP đã xác định điểm mấu chốt là phải đẩy mạnh cải cách hành chính. Và năm 2014, một điểm sáng nữa trong bức tranh tổng thể của TP xuất hiện, chính là chỉ số cải cách hành chính đã tiến thêm 2 bậc, đứng thứ 5/63 tỉnh, TP; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng tăng thêm 18 bậc (xếp thứ 33/63 tỉnh, thành); chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 2; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 3 (tăng một bậc). Đây chính là bước chuyển được các DN và người dân đánh giá cao.
Và tiềm lực cho một năm về đích
Với mục tiêu lớn nhất TP đặt ra trong năm 2015 là tăng trưởng ở tất cả các mặt phải có một sự đột phá lớn, ngay sau Kỳ họp HĐND TP cuối năm, Hà Nội đã triển khai nhiệm vụ tới các đơn vị. Để đạt mục tiêu năm 2015, tốc độ tăng GRDP 9 - 9,5%; GRDP bình quân đầu người 75 - 77 triệu đồng; giảm 0,2% hộ nghèo so với năm 2014; 55 xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới…, nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp TP đã đặt ra là rất đúng và những kết quả bước đầu đã đạt được trong năm 2014 chính là một bước đệm vững chắc để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2015.
Khi bàn về các giải pháp cho năm 2015, nhiều ĐB HĐND TP đồng tình với mục tiêu chung của TP đề ra là huy động mọi nguồn lực, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhưng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 9 - 9,5% trong năm 2015 không dễ dàng, TP cần xem xét tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần chú trọng đơn giản thủ tục hành chính để DN tiếp cận được nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu được lãnh đạo TP đã xác định. Trong năm sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, lãi suất vay vốn đối với các DN sản xuất mặt hàng chủ lực, hàng thay thế nhập khẩu; đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, nhất là thị trường bất động sản. Thực hiện tốt kế hoạch kết nối ngân hàng - DN, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2015 khoảng 12 - 14%. Như lãnh đạo TP khẳng định: Hà Nội sẽ tăng cường nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; tích cực đối thoại với DN, tạo động lực và niềm tin giúp DN sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động...
Việc huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư hạ tầng cũng là một nhiệm vụ được ưu tiên trong năm 2015. Theo lãnh đạo TP, trong năm, Hà Nội sẽ hoàn thành phê duyệt 14/35 đồ án quy hoạch phân khu, 9/33 đồ án quy hoạch chung, 19 quy hoạch chi tiết tại các tuyến đường, khu vực quan trọng, 36/48 đồ án thiết kế đô thị, 16/49 quy hoạch chuyên ngành. Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài định hướng vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường. Từ kết quả đạt được của năm 2014, Hà Nội sẽ tiếp tục phấn đấu đến hết năm 2015 có 155 xã nông thôn mới được công nhận, để thực sự tạo ra một bước chuyển lớn cho khu vực ngoại thành.
Năm 2015 tiếp tục được TP chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Như nhiều ý kiến nhận xét, từ kết quả bước đầu của năm 2014, các giải pháp tiếp theo phải tập trung vào lĩnh vực giao thông đô thị nhằm tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông và chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong cuộc họp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh: Để duy trì, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, tiếp tục nâng cao chỉ số cạnh tranh, từng đơn vị, sở, ngành phải có kế hoạch khắc phục những nhược điểm, minh bạch hơn nữa các thông tin về đất đai, các đầu mối chịu trách nhiệm từng công việc.
Nói cách khác, Hà Nội sẽ quyết liệt trong tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Theo lãnh đạo UBND TP, Hà Nội cũng sẽ tăng cường phân cấp theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm, đảm bảo các điều kiện để thực hiện, từ đó cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Bởi năm 2014, cải cách hành chính tuy đã tăng 2 bậc, nhưng so với yêu cầu và lợi thế của Thủ đô thì vị trí này chưa đáp ứng được mong muốn của người dân và cộng đồng DN. Vì vậy, để tạo ra đột phá trong năm tới, TP xếp khâu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và hoạt động DN vào nhóm giải pháp trọng tâm. Và hy vọng, từ đây sẽ thực sự tạo nên một bước đột phá mới, thúc đẩy mọi công việc thuận lợi hơn, là tiềm lực để Hà Nội về đích.