Lấp lỗ hổng
Tổng thống Biden đã công bố ý tưởng về khuôn khổ kinh tế mới trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10/2021 và dự kiến sẽ công bố chi tiết trong những tuần tới. Với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mới, Mỹ đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia cởi mở về các vấn đề bao gồm thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và công nghệ xanh. Mặc dù chi tiết của kế hoạch hiện vẫn chưa được tiết lộ, nhưng khuôn khổ dự kiến sẽ không cố gắng đưa Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nước này đã đơn phương rời đi vào năm 2017.
WSJ dẫn nguồn một số nhà kinh tế, nhà ngoại giao và chuyên gia thương mại cho biết, chính quyền Biden đã phải vật lộn để tạo ra một hiệp ước mới hiệu quả, tập hợp nhiều nền kinh tế châu Á để thiết lập các quy tắc tham gia cho thương mại và công nghệ mới. Tổng thống Biden cũng được cho sẽ không đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế quan và các công cụ mở cửa thị trường truyền thống khác cho các đối tác thương mại - vốn bị các nhóm lao động Mỹ và các đồng minh Dân chủ của họ cũng như một số đảng viên Cộng hòa phản đối, với lý do họ phải trả giá bằng việc làm và sản xuất của nước Mỹ.
Trong khi đó, những biện pháp được gọi là tiếp cận thị trường này được coi là cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là với các quốc gia kém phát triển hơn ở Nam và Đông Nam Á đang tìm cách bán nhiều sản phẩm nông nghiệp và sản xuất hơn tại thị trường Mỹ. “Tiếp cận thị trường có thể là một trong những lợi nhuận quan trọng mà các nước trong khu vực mong đợi từ sự dẫn dắt của Mỹ” - Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han Koo nói với báo giới sau cuộc họp với các quan chức Mỹ tại Washington vào tháng trước.
Theo WSJ, chính quyền Biden coi khuôn khổ Ấn Độ - Thái Bình Dương mới là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm vượt ra ngoài các mối quan hệ an ninh để tạo đối trọng với tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á. Ông Biden năm ngoái đã củng cố sự hiện diện đáng kể của Mỹ với việc tăng cường nhóm “Bộ tứ” - gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, cũng như một hiệp ước tàu ngầm mới với Australia và Anh. Nhưng lỗ hổng trong kế hoạch của Mỹ vẫn là một chiến lược kinh tế toàn diện tại khu vực, trong bối cảnh lưỡng đảng lo ngại về tác động tiêu cực của các hiệp định thương mại đối với việc làm của người Mỹ.
Khuôn khổ mới được đưa ra còn đúng vào thời điểm Trung Quốc tăng cường ngoại giao kinh tế trong khu vực. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã nộp đơn xin tham gia phiên bản mới của TPP - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số - một liên minh giữa New Zealand, Chile và Singapore, được coi là hình mẫu cho các hiệp định thương mại kỹ thuật số trong tương lai. Thỏa thuận thương mại kỹ thuật số có thể bao gồm một loạt vấn đề, như các tiêu chuẩn công nghệ để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử như thanh toán và lập hóa đơn điện tử, cũng như các quy tắc quản lý việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và các luồng dữ liệu xuyên biên giới. Việc thiết lập các tiêu chuẩn cho công nghệ 5G và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có đạo đức cũng có thể là một phần của các thỏa thuận như vậy.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của mình trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại gồm 15 quốc gia được đưa ra hồi tháng trước. Theo WSJ, các bước ủng hộ thương mại của Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại giữa các DN Mỹ và các đồng minh thân cận. Họ lo lắng rằng việc Mỹ vắng mặt trong các hiệp định thương mại khu vực tạo cơ hội cho Trung Quốc định hình vai trò lãnh đạo của mình trong việc thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn cho thương mại và kinh tế, đặc biệt là trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và thương mại kỹ thuật số.
Bài toán cân bằng lợi ích
Laura Rosenberger - Giám đốc cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết trong một bài phát biểu gần đây với Cục Nghiên cứu châu Á: “Đây (khuôn khổ kinh tế mới) là một khía cạnh cực kỳ quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm đảm bảo một khu vực tự do và cởi mở”. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc thiết lập các quy tắc “để Trung Quốc không đặt các công nhân và công ty Mỹ vào tình thế bất lợi lâu dài”.
Khuôn khổ dự kiến sẽ được cấu trúc như một tập hợp các thỏa thuận riêng lẻ, mà các quốc gia trong khu vực có thể chọn và lựa chọn để đăng ký. Nó có khả năng sẽ loại trừ việc cắt giảm thuế quan và các bước mở cửa thị trường ràng buộc pháp lý khác đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ dẫn dắt phần thương mại của khuôn khổ, bao gồm thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và tạo thuận lợi thương mại. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ giám sát các phân đoạn về chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, khử cacbon, thuế và tham nhũng.
Đưa ra một chiến lược chung như vậy, chính quyền Biden được cho sẽ phải tìm lời giải cho sự cân bằng giữa nhu cầu, lợi ích của các đối tác thương mại, các DN và lao động Mỹ và cánh tiến bộ của Đảng Dân chủ. Các nhóm DN Mỹ đã vận động hành lang để có các điều khoản thương mại kỹ thuật số mạnh mẽ trong khuôn khổ, hy vọng nó sẽ đóng vai trò như một phương tiện để đảm bảo sự dẫn đầu của Hoa Kỳ trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và 5G. Charles Freeman - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ, nói rằng một thỏa thuận kỹ thuật số phải là “tiền đề và trung tâm” của chiến lược mới. “Còn rất nhiều việc cần phải làm để đưa Mỹ trở lại vị thế cạnh tranh ngang bằng với Trung Quốc”, ông nói.
Nhiều nhà ngoại giao và nhà kinh tế lưu ý, nếu không có các biện pháp tiếp cận thị trường hợp lý, khuôn khổ có thể trở thành một “câu lạc bộ” khác của Mỹ và các đồng minh giàu có như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Singapore - vốn đã hoạt động dựa trên các giá trị và quy tắc tương tự. Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với WSJ: “Vấn đề đặt ra làm thế nào để Mỹ thu hút được các quốc gia như Việt Nam và Indonesia? Tôi nghĩ rằng đây là những quốc gia thận trọng, sẽ thực hiện cách tiếp cận bình tĩnh để xem xét các loại cam kết này có thể tiến triển như thế nào”.
Trong khi đó, một số người trong đảng Dân chủ của ông Biden lo lắng rằng khuôn khổ có thể trở thành một kế hoạch “cửa hậu” để đưa ra các quy tắc quan trọng trong thương mại kỹ thuật số và các lĩnh vực khác gây bất lợi cho người lao động và người tiêu dùng mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
"Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thành công trong việc điều chỉnh khu vực công nghệ ngay tại quê nhà để đảm bảo các quyền riêng tư của người tiêu dùng được bảo vệ. Làm thế nào chúng ta có thể chắc rằng sự tham gia của Mỹ vào thương mại kỹ thuật số trong các thỏa thuận tương lai không kéo cuộc đua xuống đáy?" - Hạ nghị sĩ Mỹ Andy Levin