Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đột phá chuyển đổi số tại Đan Phượng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025

 Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo” đã thực sự tạo đột phá trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như đời sống người dân.

Từng bước đưa công nghệ số cuộc sống

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dù công việc bộn bề nhưng các cán bộ, công chức xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng vẫn luôn cảm thấy phấn khởi vì chuyển đổi số đã làm thay đổi ngoạn mục phương thức giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, 100% cán bộ, công chức của xã đã được trang bị máy tính, sử dụng hòm thư điện tử, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành, chuyển nhận văn bản…

Bước đột phá chuyển đổi số tại Đan Phượng - Ảnh 1

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU của Huyện ủy Đan Phượng, việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Các dịch vụ công hướng đến người dân và DN được chú trọng phát triển, ngày càng dễ sử dụng. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được công khai, minh bạch, nhanh chóng. Xã đã tổ chức các cuộc họp không giấy tờ, tài liệu được mã hóa dưới dạng mã QR code. Đồng thời thành lập nhóm Zalo UBND xã để trao đổi các công việc thuộc phạm vi giải quyết của xã…

Còn tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, việc quét mã QR code làm thủ tục hành chính đã trở thành chuyện quen thuộc thường ngày với người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh cho biết, UBND xã đã lập mã QR code hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân), lắp đặt 20 bảng tại nhà văn hóa, điểm công cộng và đầu một số xóm, ngõ chính trên địa bàn để người dân dễ tiếp cận. 4/4 nhà văn hóa thôn của xã đã được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí…

Sức sống của một Nghị quyết chuyên đề

Ngay sau khi Huyện ủy Đan Phượng có Nghị quyết số 28-NQ/HU, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 16/2/2022 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số huyện Đan Phượng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, các ngành, đơn vị, các xã, thị trấn cũng đồng loạt xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, tạo ra làn gió mới trong hoạt động.

Đến nay, toàn huyện Đan Phượng có 16 Tổ công nghệ số, 129 Tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên, xây dựng 101 mô hình “Thôn thông minh”; 101 nhà văn hóa được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí; lắp đặt hơn 2.700 camera an ninh; thành lập 569 nhóm Zalo…

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 155 di tích lịch sử văn hóa, trong đó nhiều di tích đã được số hóa, sử dụng công nghệ hình ảnh 360 độ hiện đại kết hợp các video, âm thanh thuyết minh, được mã hóa qua QR code như điểm di tích Quán Phượng Trì, thị trấn Phùng; cụm di tích xã Hạ Mỗ… Qua đó góp phần quảng bá giá trị di tích, thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải chia sẻ, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Đây là giải pháp đột phá nhằm hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành và góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, huyện Đan Phượng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số theo Nghị quyết 28-NQ/HU, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện năm 2024. Trong đó, lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số. “Chuyển đổi số phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển” – ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.