Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP:

Bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. Dẫu vẫn có những trường hợp vi phạm, nhưng nhìn chung tình hình trật tự, an toàn giao thông đã chuyển biến rõ nét.

Vẫn có những trường hợp hi hữu vi phạm nồng độ cồn

Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP phố Hà Nội) cho biết, sau hơn 1 tháng thực hiện xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, kết quả người vi phạm nồng đồn đã giảm đáng kể. 

Trong nhiều ca trực ghi nhận kiểm tra hơn trăm chủ phương tiện không phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vi phạm hi hữu vượt mức kịch khung, đi xe đạp vi phạm, tái phạm nhiều lần... Có trường hợp bị phạt lên tới hàng chục triệu đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn.

Điển hình, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông có phát hiện xử lý trường hợp ông N.V.H, (sinh năm 1959 ở phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung 0,4 miligram/lít khí thở.

Sau 1 tuần, ngày 13/2 ông H, có đến giải quyết thủ tục vi phạm hành chính và có trình bày điều khiển xe máy của vợ. Tuy nhiên ông H, không chứng minh được quan hệ vợ chồng so với đăng ký phương tiện... Căn cứ vào các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển... ông H, đã bị xử phạt tổng cộng 22 triệu đồng.

Ông H.T.S sau khi ký biên bản tạm giữ xe đạp vì vi phạm nồng độ cồn.
Ông H.T.S sau khi ký biên bản tạm giữ xe đạp vì vi phạm nồng độ cồn.

Đáng chú ý, trên đường chở vợ bằng xe máy từ quận Hoàn Kiếm sang trụ sở Đội Cảnh sát giao thông số 5, quận Long Biên giải quyết thủ tục hành chính, ông H, tiếp tục uống bia và bị lực lượng chức năng phát hiện vi phạm nồng độ cồn. Tổ công tác tiếp tục lập biên bản xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Còn trong ca trực trưa 17/2, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 5, tiến hành dừng hàng chục phương tiện chỉ phát hiện 2 trường hợp người điều khiển vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 1 trường hợp điều khiển xe đạp.

Ông H.T.S (sinh năm 1956 ở phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội) sau khi ký biên bản tạm giữ xe đạp đã cam kết từ bỏ thói quen cứ dùng bữa là phải có cốc bia, chén rượu.

Trực tiếp làm nhiệm vụ, Trung tá Hà Tuấn Minh - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 5 cho biết, vi phạm nồng độ cồn đã giảm đáng kể nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Có nhiều ca trực, dừng hàng trăm phương tiện kiểm tra nhưng gần như không phát hiện vị phạm. Từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã phát hiện tạm giữ 2 xe đạp do người điều khiển có nồng độ cồn khi kiểm tra. Có những xe đạp có giá trị cao lên đến hàng chục triệu đồng.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, trong đợt cao điểm phòng chống tội phạm, duy trì trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (15/12/2024 đến nay), toàn TP đã xử lý 40.595 trường hợp vi phạm so liền kề giảm 18.719 trường hợp. Trong đó, đường bộ xử lý 40.150 trường hợp, đường sắt 65 trường hợp và đường thủy 380 trường hợp.

Cảnh sát giao thông đã tạm giữ 12.251 phương tiện vi phạm; tước 3.615 giấy phép lái xe , trừ điểm 2.724 giấy phép lái xe. Qua phân tích, vi phạm nồng độ cồn là 9.264 trường hợp; vi phạm tốc độ 2.593 trường hợp; vi phạm quá tải 1.527 trường hợp. Qua đó phát hiện 1 việc ma tuý, vượt đèn đỏ 1.180 trường hợp, vi phạm 12.410 vũ bảo hiểm và dừng đỗ 6.190 trường hợp.

Có thể thấy, việc xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn của Công an TP Hà Nội, đặc biệt là dưới sự tác động của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều quy định chặt chẽ, nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn liên quan đến nồng độ cồn.

Hình thành văn hóa giao thông an toàn và văn minh

 

Nhiều chuyên gia giao thông nhìn nhận, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định rất rõ ràng về mức xử phạt mới cho các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt cho những trường hợp điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn. Trong đó, các mức phạt cho hành vi điều khiển xe với nồng độ cồn vượt giới hạn đã được tăng lên rõ rệt. Cụ thể, mức phạt cho nồng độ cồn vượt từ 50 đến 80 miligam/100 mililit máu là từ 6 triệu đến 8 triệu đồng, và nếu vượt 80 miligam/100 mililit thì mức phạt sẽ từ 8 triệu đến 10 triệu đồng.

 

Sau hơn một tháng triển khai, có thể thấy rõ rệt những chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Không chỉ tại Hà Nội, mà trên cả nước số vụ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, số vụ tai nạn đã giảm đi đáng kể, với tỷ lệ giảm tới 18,25% về số vụ và 9,83% về số người tử vong so với tháng trước đó. Đặc biệt, vi phạm nồng độ cồn đã giảm tới 13%, điều này cho thấy người dân đã có ý thức hơn khi tham gia giao thông, bất kể có sự hiện diện của lực lượng chức năng hay không.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, khi người dân có xu hướng sử dụng rượu bia nhiều hơn, tình hình vi phạm vẫn được kiểm soát tốt. Trong 9 ngày nghỉ Tết, số vụ tai nạn giảm mạnh, cho thấy hiệu quả của các biện pháp xử lý của công an cũng như sự tuân thủ của người dân. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc đã giảm 36,69%, số người chết giảm 37,61% và số người bị thương giảm 38,34% so với năm trước đó.

Để có được kết quả này, lực lượng công an đã thực hiện nhiều biện pháp để tuyên truyền rộng rãi về Nghị định 168/2024/NĐ-CP, bao gồm việc lắp đặt các biển thông báo mức phạt tại nhiều nút giao thông quan trọng; Ứng dụng công nghệ mới trong việc xử phạt vi phạm giao thông; Công tác tuần tra đã được nâng cao với sự tham gia của nhiều thiết bị ghi hình, camera phạt nguội giúp ghi nhận các vi phạm ngay cả khi không có sự hiện diện của cơ quan chức năng. Điều này đã tạo ra tâm lý e ngại cho những người vi phạm và khuyến khích cộng đồng tự giác tuân thủ luật giao thông.

Việc Công an TP Hà Nội cũng như CSGT trên cả nước xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua, đặc biệt dưới tác động của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. Ý thức chấp hành của người dân đã được cải thiện, số vụ tai nạn đã giảm mạnh, đồng thời tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc hình thành văn hóa giao thông an toàn và văn minh trong cộng đồng. Những chuyển biến tích cực này không chỉ góp phần bảo vệ tính mạng người tham gia giao thông mà còn góp phần xây dựng một xã hội có văn hóa giao thông tốt đẹp hơn.