Bước tạo đà cho hội nhập kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những nhận định về tình hình kinh tế trong nước và thế giới giai đoạn 2016 - 2020, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII cũng chỉ ra những thách thức và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam phải vượt qua trong quá trình hội nhập.

Lắp ráp máy ô tô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam. 	 Ảnh:  Trần Việt
Lắp ráp máy ô tô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam. Ảnh: Trần Việt
Quyết tâm này dựa trên sự kết hợp giữa việc quyết liệt thực hiện đột phá chiến lược với khẩn trương triển khai cam kết quốc tế theo chiều sâu khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Xây dựng nền tảng vĩ mô         

Một loạt cam kết hội nhập được Báo cáo nhận định sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, để hội nhập chủ động, tích cực và sâu rộng có tác động đến toàn bộ nền kinh tế, cần có sự chuẩn bị đầy đủ hơn các điều kiện thuận lợi và nhiều thách thức đang đến gần. Đối với cấp vĩ mô, cần coi trọng việc thực hiện các đột phá chiến lược mà Đại hội đã đề ra và coi đó là nền tảng để nền kinh tế tăng trưởng cao, chi phí thấp, năng lực cạnh tranh cao của các DN.

Các đột phá chiến lược còn là những tiêu điểm thu hút và tập trung lớn nhất nguồn lực để tạo nội động lực của nền kinh tế, trong đó có cả nguồn đầu tư công và nguồn xã hội hóa, song đầu tư công phải đóng vai trò tiên phong và dẫn đường.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tuân thủ các cam kết theo chiều sâu để huy động nguồn lực trong Nhân dân và nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy vòng vận động liên tục của các giao dịch kinh tế thị trường, hình thành môi trường cạnh tranh bình đẳng, giảm thiểu rào cản và tự do cao nhất. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại như hàng ngàn cây số đường cao tốc, sân bay, bến cảng hiện đại, trung tâm logistics hiệu quả, hệ thống năng lượng thông minh… đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn từ nhiều nguồn phải huy động. Coi trọng việc khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm hình thành chuỗi giá trị mới dựa trên công nghệ và nhân lực trình độ cao.

Các cấp, các ngành, địa phương cần có giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược hiệu quả để tạo động lực phát triển nền kinh tế, tránh bỏ sót hoặc huy động thiếu triệt để nguồn lực. Điều này đòi hỏi tư duy hoạch định và điều hành thực hiện các đột phá mang tính liên ngành, liên lĩnh vực để giảm thiểu tình trạng đầu tư công bị sử dụng phân tán, thiếu hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành cần được coi trọng, đặc biệt trong xây dựng và triển khai kịp thời các dự án hỗ trợ kỹ thuật theo ngành, lĩnh vực và các địa phương thực hiện các hiệp định được ký kết.

Tạo lợi thế cho kinh tế vi mô    

Đối với cấp vi mô, cần có định hướng phát triển theo xu hướng tự do hóa từ các FTA thế hệ mới tạo ra. Giai đoạn 2016 - 2020 hình thành nền tảng phát triển mới, lấy cam kết quốc tế làm tiêu chuẩn để xây dựng, phát triển, đánh giá và điều chỉnh chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm mới của các DN, hộ gia đình, trang trại, gia trại… Các nguồn lực từ đầu tư tư nhân cần được thu hút vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành lập, phát triển DN, khai thác cơ hội thị trường, mở rộng quy mô để tạo lợi thế theo quy mô, phát huy lợi thế về nguồn lực sẵn có về lao động, thị trường và thế mạnh về chính sách được điều chỉnh theo hướng minh bạch, đơn giản và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Coi trọng phát triển sản phẩm và dịch vụ mới có thương hiệu Việt Nam để tránh bị DN nước ngoài “lấn át”. Các DN cần liên kết với nhau chặt chẽ hơn để khai thác triệt để cơ hội và giảm thiểu thách thức, trong đó có liên kết với DN có vốn đầu tư nước ngoài để tranh thủ vốn, công nghệ hiện đại, thương hiệu, mạng lưới và kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Việc quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược và khẩn trương triển khai các cam kết quốc tế trong các FTA thế hệ mới cần được kết hợp hữu cơ, thậm chí tạo điều kiện để chúng có sự cộng hưởng lớn nhất nhằm thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020. Sự đồng hành và cộng tác bền vững giữa Nhà nước và DN là mối liên kết và quan hệ cơ bản cần được xây dựng và phát triển hiệu quả.