Bước tiến mới của làn sóng khởi nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 sẽ có những bước tiến vững chắc hơn trước về khởi nghiệp. Bởi có sự liên minh, hoặc sáp nhập của các nhóm khởi nghiệp để dám làm việc lớn hơn…

Ông Nguyễn Thế Trung - Giám đốc Công ty Công nghệ DTT, một trong những lãnh đạo DN từ Australia về Việt Nam khởi nghiệp và đang rất thành công, chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp, vốn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm tại Việt Nam.

Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2015 có gì đặc biệt khiến cho sức lan tỏa của nó lớn và sôi động như vậy, thưa ông?

 - Tôi cho rằng, quan trọng nhất là yếu tố kinh tế có sự hội nhập sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, không thể không nhắc đến hiện tượng anh Nguyễn Hà Đông - tác giả của trò chơi Flappy Bird. Hiện tượng Nguyễn Hà Đông là ví dụ tiêu biểu, gieo ước mơ cho rất nhiều người trẻ: “Tôi ngồi ở Việt Nam làm ra một cái gì đấy có thể bán khắp cả thế giới. Đó là ngọn lửa rất quan trọng làm bùng lên làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam”.
Ông Nguyễn Thế Trung-Giám đốc Công ty Công nghệ DTT.
Ông Nguyễn Thế Trung-Giám đốc Công ty Công nghệ DTT.
Cùng với đó, phải kể đến tinh thần của người Việt Nam, nhất là giới trẻ – vốn dám tự thân khởi nghiệp, hay nói cách khác là chấp nhận rủi ro tương đối cao. Làn sóng người Việt làm khởi nghiệp ở nước ngoài về Việt Nam chia sẻ, lập nghiệp mang lại hàng trăm người có kinh nghiệm quốc tế, có niềm tin vào khởi nghiệp.

Về mặt chính sách, 3 năm vừa qua, khi Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân ban hành một loạt chính sách, cho thấy DN làm về khoa học công nghệ có được sự chú trọng của Nhà nước cũng như có tương lai.

Cũng cách đây 3 năm, làm sóng đầu tư ở Mỹ bùng nổ, kết quả của nó là những DN khởi nghiệp như Uber - khởi nghiệp trong thời gian ngắn và quyết liệt chiếm thị trường. Với làn sóng đầu tư như vậy ở thị trường Mỹ đã tạo hiệu ứng ở các nước khác, giúp làn sóng đầu tư ở Đông Nam Á đi lên.

Cùng với đó, Việt Nam có nguồn nhân lực làm gia công phần mềm CNTT cho thế giới trong vòng 10 năm vừa qua, họ có căn bản trong kỹ thuật. Lĩnh vực CNTT dường như không có nhiều rào cản lắm. Cho nên có nhóm làm được việc tin rằng mình làm được việc thế giới chấp nhận - mặc dù chỉ đi làm thuê thôi. Tuy nhiên, điều đó tạo điều kiện “à, như vậy tôi có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực này”.

 “Đám cháy” này so với tổng thể chung vẫn là nhỏ, nhưng những người lãnh đạo đất nước đang rất khuyến khích mô hình kinh doanh mới. Cụ thể, thời gian qua có thể thấy như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều bộ trưởng ủng hộ. Tất cả những điều đó gặp nhau thì hiệu ứng khởi nghiệp mới được lan tỏa, bùng nổ…

Bên cạnh những thuận lợi như vậy, thách thức của người khởi nghiệp giai đoạn này ở Việt Nam thế nào, thưa ông?

- Lĩnh vực khởi nghiệp luôn luôn cực kỳ khó khăn, dù ở môi trường hoàn hảo như “thung lũng Silicon” thì tỷ lệ thành công dưới 10%.

Thường công ty khởi nghiệp rất cần khách hàng ban đầu, sau đó khách hàng có thể tạo sự bùng nổ, rồi lan tỏa ra toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có tiền lệ, thói quen dung dưỡng những công ty khởi đầu tốt để trở thành công ty khổng lồ.

Một cuộc chơi để biến DN từ 0 đến hàng tỷ USD đòi hỏi rất nhiều bên phải đánh cược ở mức độ cao, từ nhà đầu tư, nhà làm chính sách đến người lao động... Ví dụ, người thiết kế văn phòng đầu tiên cho Facebook không được trả bằng tiền mà trả bằng cổ phiếu, sau đó người này đã rất giàu có nhờ Facebook lớn mạnh.

Nếu có người thân quen thành công như vậy sẽ tạo cho bạn niềm tin cao hơn rất nhiều so với việc chỉ nghe kể lại. Việt Nam chưa có tiền lệ và thói quen để làm việc đó.

Thách thức khác tôi muốn nói đến, hiện nay, các lĩnh vực lớn ở Việt Nam hầu như có các DN lớn làm, họ be bờ, tạo ra những rào cản rất lớn. Nếu một DN còn nhỏ, mới làm lên  1 triệu USD thì có thể chưa gặp rào cản gì. Nhưng DN đó lớn mạnh từ 1 triệu USD làm lên 100 triệu USD hay 1 tỷ USD thì sẽ vướng vào những rào cản, có thể lúc đó bị thôn tính, thậm chí thất bại.

Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó đề cập đến những vấn đề nóng, như quỹ tổ chức, tạo môi trường cho các DN khởi nghiệp. Ông hy vọng đề án này sẽ giúp ích cho các DN khởi nghiệp?

- Chắc chắn tác động rất tốt, thể hiện sự cam kết của Chính phủ vào hỗ trợ khởi nghiệp. Chính vì thế, năm 2016 sẽ có những bước tiến vững chắc hơn so với năm 2015 trở về trước về khởi nghiệp. Bởi có sự liên minh, hoặc sáp nhập của các nhóm khởi nghiệp để dám làm việc lớn hơn.

Với những chuyển biến trên, lãnh đạo DN khởi nghiệp dám nghĩ đến chuyện đầu tư để DN lớn mạnh trị giá 100 triệu USD chứ không chỉ dừng lại kiếm 1 triệu USD. Do đó, năm 2016, Việt Nam có thể có những DN với tầm nhìn lớn hơn, thậm chí những nhóm khởi nghiệp cùng lĩnh vực sẽ hợp nhất lại để tạo ra thành công lớn.

Những bạn trẻ khi khởi nghiệp thường luôn cho rằng ý tưởng là quan trọng nhất, ý tưởng của mình là xuất sắc, và đem ý tưởng đi gọi vốn. Vậy, ý tưởng có phải là yếu tố quyết định thành công không?

- Mọi khởi nghiệp đều bắt đầu bằng ý tưởng. Ý tưởng có thể khởi lên từ người lãnh đạo, nhưng ý tưởng thành hiện thực thường không phải từ ý tưởng ban đầu mà từ sự quyết tâm ban đầu. Ý tưởng có thể thay đổi theo thời gian, vì phụ thuộc vào tri thức, hiểu biết, trải nghiệm, năng lực của nhóm người khởi nghiệp.

Do vậy, các bạn trẻ khi bắt đầu bằng quyết tâm thì cố gắng bám sự quyết tâm của mình và sẵn sàng thay đổi ý tưởng khi cần thiết.

Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về yếu tố để một DN bắt đầu khởi nghiệp và đi đến thành công? Yếu tố nào quan trọng nhất để DN thành công?

- Không có lời giải chung cho tất cả mọi người. Nếu một nhóm khởi nghiệp mạnh về ý tưởng thì sự quyết tâm rất quan trọng; nếu nhóm mạnh về quyết tâm thì vấn đề ý tưởng lại rất quan trọng. Tôi cho rằng, thứ mà quyết định khởi nghiệp thành công hay không chính là ở điều người ta thiếu, không phải điều đã có.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần