Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, cô làm việc trong văn phòng đến 6 giờ 30 chiều, sau đó về nhà cho đứa con ở độ tuổi mẫu giáo ăn và tắm rửa, trước khi tham gia cuộc họp trực tuyến vào buổi tối. Trước đó, Hara từng cho rằng vị trí của mình “không dành cho các bà mẹ”.
Nét cấp tiến ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản
Bộ Ngoại giao Nhật Bản hiện do nữ Bộ trưởng Yoko Kamikawa dẫn dắt, là một tấm gương cho nhiều cơ quan chính phủ khác và những tập đoàn lớn như Mitsubishi, Panasonic và SoftBank ở một dấu hiệu tiến bộ quan trọng: bố trí phụ nữ vào các công việc chuyên môn, khuyến khích họ theo đuổi sự nghiệp.
Kotono Hara khẳng định, tỷ lệ phái yếu như cô đang xuất hiện nhiều hơn trong hàng ngũ của bộ, thông qua việc cải cách phương thức làm việc, với giờ giấc linh hoạt hơn và lựa chọn làm việc từ xa.
Một số tiến bộ đối với phụ nữ làm việc tại Bộ Ngoại giao cũng diễn ra khi nam giới từ các trường đại học ưu tú chuyển sang làm các công việc tư vấn và ngân hàng lương cao, còn phụ nữ có trình độ học vấn ngày càng coi khu vực công là hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi phụ nữ thăng tiến trong các cơ quan ngoại giao, giống như các đồng nghiệp ở các công ty - vẫn phải sắp xếp thời gian làm việc dài bên cạnh việc gánh vác phần lớn các nhiệm vụ gia đình.
Các nhân viên của Bộ thường làm việc đến 9 hoặc 10 giờ đêm, và có lúc muộn hơn. Shiori Kusuda, 29 tuổi, một công chức tại Bộ Ngoại giao gia nhập 7 năm trước, đã rời đi vào đầu năm nay để làm công việc tư vấn ở Tokyo.
Bài toán nhân lực của Nhật Bản
Vào năm 2021, năm gần nhất có số liệu thống kê của chính phủ, những phụ nữ đi làm đã kết hôn và có con tại Nhật Bản phải đảm nhận hơn 3/4 công việc gia đình. Theo một cuộc khảo sát năm ngoái của Doda, một trang web tìm việc làm, gánh nặng đó càng tăng lên bởi thực tế là nhân viên Nhật Bản phải làm việc thêm gần 22 giờ mỗi tháng.
Trong nhiều ngành nghề, số giờ làm thêm cao hơn nhiều, thực tế khiến chính phủ gần đây phải giới hạn thời gian làm thêm ở mức 45 giờ một tháng.
Trước khi Đạo luật Việc làm Cơ hội Bình đẳng có hiệu lực vào năm 1986, phụ nữ tại Nhật Bản chủ yếu được thuê làm công việc ochakumi hay còn gọi là "phục vụ trà nước". Các nhà tuyển dụng hiếm khi tuyển dụng phụ nữ vào các vị trí có thể thăng tiến đến vị trí điều hành, quản lý hoặc bán hàng.
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Trong khi hơn 80% số phụ nữ từ 25 - 54 tuổi đi làm, họ chỉ chiếm hơn 1/4 số nhân viên toàn thời gian, cố định. Theo dữ liệu của chính phủ, chỉ có khoảng 1 trong 8 nhà quản lý là phụ nữ.
Một số giám đốc điều hành cho rằng phụ nữ cũng tự chọn cách giới hạn sự nghiệp của mình. Tetsu Yamaguchi, giám đốc nhân sự toàn cầu của Fast Retailing, hãng sản xuất thời trang sở hữu Uniqlo, cho biết phụ nữ Nhật Bản “không có nhiều tham vọng như phụ nữ trên thị trường toàn cầu; ưu tiên hàng đầu của họ là chăm sóc con cái hơn là phát triển con cái”.
Trên toàn thế giới, 45% số quản lý của công ty là phụ nữ. Ở Nhật Bản, tỷ lệ đó chỉ hơn 25%.
Nâng cao trách nhiệm người sử dụng lao động
Các chuyên gia cho rằng, trách nhiệm của người sử dụng lao động là giúp phụ nữ dễ dàng cân bằng hơn giữa thành công nghề nghiệp và vai trò làm mẹ. Rào cản nghề nghiệp đối với phụ nữ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nói chung, và khi tỷ lệ sinh của quốc gia này giảm dần, mâu thuẫn trong việc phát triển sự nghiệp hay chăm lo gia đình có thể khiến những phụ nữ tham vọng không muốn sinh con.
Tại Sony, chỉ 1 trong 9 người quản lý ở Nhật Bản là phụ nữ. Tập đoàn này đang thực hiện các biện pháp nhỏ để hỗ trợ các bà mẹ đang đi làm, chẳng hạn như cung cấp các khóa học cho các ông bố tương lai, trong đó họ được dạy cách thay tã và cho trẻ ăn.
Trong một lớp học như vậy gần đây tại trụ sở chính của công ty ở Tokyo, Satoko Sasaki, 35 tuổi, đang mang thai 7 tháng, đã được quan sát chồng mình, Yudai, 29 tuổi, một kỹ sư phần mềm của Sony, đeo bụng giả mô phỏng cảm giác vật lý khi mang thai.
Satoko Sasaki, quản trị viên tại một công ty khác ở Tokyo, cho biết cô rất cảm động khi chủ lao động của chồng cô đang cố gắng giúp đàn ông “hiểu được hoàn cảnh của tôi”.
Takayuki Kosaka, người hướng dẫn khóa học, đưa ra một biểu đồ cho thấy thời gian mà một ông bố bà mẹ điển hình cần dành ra trong 100 ngày đầu đời của trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, văn hóa tiệc rượu sau giờ làm việc với đồng nghiệp gần như là bắt buộc ở nhiều công ty Nhật Bản, khiến thời lượng dành cho công việc càng trở nên quá sức. Để cắt giảm những điều như vậy, Itochu, tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart cùng các DN khác, yêu cầu tất cả các bộ phận phải hoàn toàn kết thúc công việc trước 10 giờ tối - vẫn là thời điểm khiến việc chăm sóc trẻ trở nên khó khăn.
Rina Onishi, 24 tuổi, làm việc tại trụ sở chính của Itochu ở Tokyo, cho biết cô tham dự những bữa tiệc như vậy ba lần một tuần. Đó là sự tiến bộ, “trước đây còn nhiều hơn thế nữa” - cô Rina Onishi cho biết.
Những đêm nhậu nhẹt nối tiếp những ngày dài. Công ty hiện cho phép nhân viên bắt đầu làm việc sớm nhất là 5 giờ sáng, chính sách này một phần nhằm hỗ trợ các bậc cha mẹ muốn về sớm hơn. Nhưng nhiều nhân viên vẫn phải làm thêm giờ. Cô Onishi đến văn phòng lúc 7 giờ 30 sáng và thường ở lại đến sau 6 giờ chiều.
Một số phụ nữ đặt ra giới hạn về số giờ làm việc, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải từ bỏ cơ hội thăng tiến. Maiko Itagaki, 48 tuổi, làm nghề viết quảng cáo với tốc độ chóng mặt trước khi phải nhập viện vì xuất huyết não. Sau khi khỏi bệnh, cô kết hôn và sinh được một cậu con trai. Một lần, trong khi đang ở văn phòng, cô nhận được cuộc gọi từ mẹ báo rằng con trai cô mới chập chững những bước đi đầu tiên.
“Thời điểm đó tôi đã tự hỏi, tại sao mình lại làm việc?” - Maiko Itagaki nói.
Cô chuyển đến một công ty chuyên thực hiện các chiến dịch gửi thư trực tiếp, nơi cô đến lúc 9 giờ sáng và ra về lúc 6 giờ chiều và từ chối thăng chức lên quản lý.
Tại Bộ Ngoại giao, Hikariko Ono, đại sứ Nhật Bản tại Hungary, là người phụ nữ duy nhất trong số 26 nhà ngoại giao vào năm 1988. Bà từng chia sẻ phải trì hoãn việc có con vì sợ bị đánh giá là không coi trọng sự nghiệp của mình. Nhưng đến ngày nay, chính bà lại là người nhắc nhở các đồng nghiệp nữ trẻ rằng nếu muốn có con, họ không đơn độc.
Kể từ năm 2020, phụ nữ chiếm gần một nửa số công chức ngoại giao ở Nhật và nhiều phụ nữ tiếp tục sự nghiệp sau khi kết hôn. Những tiến bộ này, ở một đất nước mà phụ nữ chủ yếu chỉ được tuyển dụng cho các vị trí văn thư vào những năm 1980, cho thấy tiềm năng tái tạo văn hóa làm việc khuyến khích phụ nữ cũng như có một hệ thống lãnh đạo cấp tiến hơn.