Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước tiến trong hội nhập văn hóa quốc tế

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định các nguồn nội lực, các đối tác hợp tác quốc tế tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội không thể bỏ qua việc xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị tầm nhìn, xác định mục tiêu chiến lược phát triển của Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại trong lĩnh vực văn hóa.

Góp ý và mong muốn chung tay hợp tác văn hóa, đại diện các quốc gia như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Italia, Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn, phát triển các kiến trúc, di sản văn hóa gắn với phát triển kiến trúc hiện đại; cải tạo và tái sử dụng các tòa nhà di sản, nhà cổ trong một thành phố hiện đại về thiết kế; mô hình hợp tác ba bên (Nhà nước - DN - cộng đồng) trong phát triển đô thị…
 Người tiêu dùng tham khảo sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Thanh Hải
Đánh giá tầm quan trọng của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và đổi mới cho phát triển Thành phố sáng tạo, bà Ann Mawe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có tham vọng lớn trong việc theo đuổi đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, và đang đi đúng hướng để thực hiện mục tiêu này. Từ các mô hình đổi mới sáng tạo thành công của Thụy Điển, Đại sứ Ann Mawe cho rằng, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có sự cởi mở với những suy nghĩ, ý tưởng vượt ra ngoài ranh giới cũ. Việc lắng nghe các ý tưởng sáng tạo của Hà Nội thực sự đã truyền cảm hứng cho các hành động thực tế.

“Với mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và nhiều tiềm năng giữa hai nước, Thụy Điển mong muốn trở thành một phần của quá trình này. Đại sứ quán Thụy Điển, các công ty, các trường đại học và các TP của Thụy Điển sẵn lòng hợp tác, thảo luận với TP

Hà Nội để biến mục tiêu dài hạn này trở thành hiện thực” - Đại sứ Ann Mawe nhấn mạnh.

Việc hợp tác công tư để xây dựng những không gian sáng tạo cũng được đại diện tập đoàn Sovico đề cập tới khi cho rằng đây là lĩnh vực mà khu vực tư nhân hoàn toàn có thể hỗ trợ TP. Các DN tư nhân với các dự án phát triển đô thị ra các khu vực ngoại vi có thể đầu tư xây dựng những không gian văn hóa, trung tâm thiết kế sáng tạo, viện bảo tàng nghệ thuật, song cần có sự kết nối giữa nội đô với ngoại đô.

Trong khi đó, theo đại diện của Viện Pháp tại Việt Nam, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển lâu dài của giao lưu văn hóa là phải dựa vào cơ cấu các CCI ở Việt Nam. Những năm qua, Viện Pháp đã tích cực hỗ trợ sự xuất hiện của các sự kiện văn hóa và nghệ thuật quốc tế lớn trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác (theo mô hình của Biennales). Điển hình như Photo Hanoi’21 được tổ chức với mục đích dài hạn là thành lập một sự kiện nghệ thuật thị giác quốc tế tại Hà Nội, diễn ra hàng năm hoặc hai năm một lần. Đầu năm 2021, Viện Pháp còn hợp tác với Believe, Monsoon Music Festival ra mắt dự án LiveSpace Việt Nam. Đây là cuộc gặp gỡ âm nhạc và nghệ thuật định kỳ hai tháng một lần, hướng đến công chúng nói chung. Và đây cũng là một chương trình nâng cao năng lực cho các nghệ sĩ trẻ nhằm hỗ trợ họ xây dựng sự nghiệp chuyên nghiệp, mang đến cho họ những công cụ cần thiết để điều hướng những biến đổi trong ngành công nghiệp âm nhạc. Không chỉ thế, Viện Pháp còn phối hợp với Viện Goethe tổ chức ngày truyện tranh và hình ảnh với mong muốn đưa Hà Nội vào lĩnh vực hoạt hình và trò chơi điện tử đang phát triển, đồng thời hỗ trợ sự sáng tạo mới nổi trong truyện tranh (nghệ sĩ và nhà xuất bản).

Ngoài ra, với dự án Rethink Hà Nội, UNESCO mong muốn làm nổi bật và kết nối những điều đã và đang diễn ra trong nền công nghiệp văn hóa sáng tạo của TP. Và chính giới trẻ sẽ là trọng tâm chính của cả ba hợp phần dự án, kết nối trực tiếp với ba tổ chức để xác định, thiết kế và thực hiện các hoạt động liên quan. “Những nỗ lực của chúng ta sẽ được hiện thực hóa bởi suy nghĩ, tiếng nói và bàn tay của giới trẻ. Chúng ta tiếp nối tầm nhìn của TP và những nỗ lực của Đảng, đặt thanh niên vào vị trí trung tâm bởi họ chính là nòng cốt, nguồn tài nguyên quý giá nhất của quốc gia, và chính họ là những tác nhân chủ chốt cho sự đổi mới của xã hội” - bà Donna McGowan gợi mở.

Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội phải bắt đầu từ tìm một bản sắc riêng biệt cho TP này, chứ không phải là thiết kế cho nó một cái biểu tượng (logo) để làm truyền thông. KTS Lê QuốcVinh đưa ra một định nghĩa: “Xây dựng thương hiệu không có gì khác hơn là làm cho những giá trị khác biệt, đơn nhất được in dấu đậm nét trong nhận thức của đối tượng khách hàng, thông qua quá trình trải nghiệm trọn vẹn với sản phẩm/dịch vụ của chúng ta”. Thương hiệu đó là tiền đề để Hà Nội từng bước ra hội nhập với thế giới.