Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bưởi tôm vàng trên “quê hương người gái đảm”

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đan Phượng là huyện điển hình của Hà Nội về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với diện tích 300ha, hiệu quả kinh tế đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha/năm, cây bưởi tôm vàng không chỉ giúp nông dân Đan Phượng làm giàu mà còn là sản phẩm đặc trưng tiêu biểu trên quê hương phong trào “Ba đảm đang”.

Xứng danh “đệ nhất bưởi”
Hộ ông Đỗ Văn Thủy, ở xã Thượng Mỗ có 100 gốc bưởi tôm vàng 20 năm tuổi. Năm nay, vườn bưởi nhà ông Thủy được mùa, cho thu hoạch khoảng 5.000 quả. Với giá bán trung bình 45.000 đồng/quả, ước tính vườn bưởi của gia đình ông cho thu lãi 200 triệu đồng. Theo ông Thủy, để có những vụ bưởi bội thu và chất lượng quả ngon hảo hạng thì kinh nghiệm và kỹ thuật là hai yếu tố quan trọng nhất. Mới đây, tại hội thi Tìm hiểu khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi năm 2018 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức, ông Thủy đã vượt qua hàng chục chủ vườn dày dặn kinh nghiệm để giành giải Nhất.
Nhờ trồng bưởi tôm vàng, nhiều hộ dân tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Ánh Ngọc
Không chỉ có hộ ông Thủy, hầu hết các hộ trồng bưởi ở Thượng Mỗ đều làm giàu nhờ cây trồng này. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Mỗ Nguyễn Văn Mạnh cho biết, hiện toàn xã có 120ha trồng bưởi. Năm 2017, bình quân mỗi hécta trồng bưởi tôm vàng cho giá trị kinh tế xấp xỉ 1 tỷ đồng. Thu nhập từ trồng bưởi tôm vàng đã góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, tạo động lực cho Thượng Mỗ trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2011 – 2015.

Nhằm khai thác những lợi thế, tiềm năng về đất đai, tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho nông dân, ngay từ những năm 1990, huyện Đan Phượng đã bắt tay vào thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 2.000/4.000ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng bưởi là 300ha với giống chủ lực là bưởi tôm vàng.

Tăng sức cạnh tranh

Điểm đáng ghi nhận là từ những vườn bưởi thơm ngon nức tiếng của Đan Phượng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tuyển chọn được một số cây đầu dòng, làm cơ sở duy trì bảo tồn nguồn gen, cung cấp mắt ghép, cây giống đáp ứng nhu cầu trồng bưởi của nhiều nơi. Đặc biệt, năm 2013, giống bưởi Diễn trồng tại Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”, huyện giao cho Hội Nông dân làm chủ sở hữu. Từ đó đến nay, Hội Nông dân huyện Đan Phượng luôn quản lý và phát huy tốt giá trị nhãn hiệu tập thể. Chất lượng sản phẩm bưởi được nâng cao, khẳng định uy tín trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho hay, cùng với các chính sách hỗ trợ của TP, huyện còn có cơ chế riêng khuyến khích các xã chuyển đổi diện tích sang trồng bưởi. Đơn cử, huyện đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, lắp đặt đường điện phục vụ sản xuất. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho nông dân. Hàng năm, huyện hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng bưởi cải tạo vườn, mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại. Đặc biệt là mời các chuyên gia tư vấn, tháo gỡ những khó khăn nảy sinh quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các vườn bưởi.

Năm 2017, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản; đồng thời thiết lập thông tin mã hàng hóa, đưa sản phẩm bưởi tôm vàng vào chương trình bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Theo đó, thông qua quy trình xác thực, chống hàng giả, huyện hỗ trợ các hộ trồng bưởi dán tem truy xuất nguồn gốc, mã QR code nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cũng như bảo vệ nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”.

"Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển các vùng trồng bưởi theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, huyện sẽ thành lập mới hợp tác xã bưởi tôm vàng Đan Phượng và xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, giúp nông dân yên tâm sản xuất." - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng