Gỡ nút thắt cho OCOP Ninh Bình trên nền tảng số
Kinhtedothi - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng lan rộng trên mọi lĩnh vực, các nền tảng thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả và linh hoạt cho các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, thực tiễn tại Ninh Bình cho thấy hành trình đưa sản phẩm nông thôn hòa nhập không gian số đang đối mặt với không ít rào cản.
Là một trong những đơn vị tiên phong tiếp cận thương mại điện tử từ năm 2019, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sapo (xã Khánh Nhạc) từng bước đưa sản phẩm Hương hồng hạc đạt OCOP 4 sao lên các sàn số. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Thu Hoài - đại diện Công ty, giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn do quy trình sản xuất chưa hoàn thiện, kiến thức nền tảng về kinh doanh số còn hạn chế. Sau một thời gian tạm ngưng, đầu năm 2025, doanh nghiệp mới kích hoạt trở lại các tài khoản trên Shopee và TikTok Shop.
Dù thị trường số hứa hẹn nhiều tiềm năng, song chị Hoài thừa nhận sản lượng bán hàng qua kênh trực tuyến chỉ chiếm khoảng 15%, trong khi các loại thuế, phí sàn có thể chiếm đến 25% doanh thu. Theo chị Hoài, các nền tảng số thay đổi thuật toán liên tục, buộc doanh nghiệp phải luôn cập nhật và thích nghi. Nhân lực lại chưa được đào tạo bài bản nên việc vận hành gian hàng gặp rất nhiều trở ngại.
Không riêng Sapo, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang loay hoay tìm đường trên không gian số. Anh Vũ Anh Toản, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại mật ong sú vẹt biển Kim Sơn cho biết, dù đã thử sức trên TikTok Shop, nhưng chi phí quá cao và rủi ro hoàn hàng, đổi trả... khiến doanh nghiệp phải cân nhắc quay lại phương thức phân phối truyền thống thông qua đại lý.

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Ninh Bình có 980 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó hơn 80% là sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm. Ảnh: IT
Khó khăn không chỉ đến từ chi phí, mà còn nằm ở yêu cầu khắt khe của các sàn như tiêu chuẩn đóng gói, kho vận, vận chuyển xa... Trong khi đó, đặc thù của nhiều sản phẩm OCOP - nhất là thực phẩm, nông sản - vốn dễ hư hỏng, đòi hỏi bảo quản nghiêm ngặt khiến việc giao hàng và hậu mãi càng thêm thách thức.
“Giá một chai tinh dầu mùi già 5ml bán trực tiếp tại xưởng là 25.000 đồng, nhưng khi lên sàn chỉ còn khoảng 20.000 đồng sau khi trừ các chi phí. Mức giá này khiến chúng tôi khó cạnh tranh so với hàng nhập khẩu hay công nghiệp”- anh Trần Văn Quốc (xã Lai Thành) nêu thực tế và cho biết hiện vẫn ưu tiên tiêu thụ thông qua đối tác lớn để đảm bảo sản lượng và giảm rủi ro.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình, hiện nay tỉnh đã có 980 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP trở lên, trong đó hơn 80% là sản phẩm thực phẩm. Hầu hết sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều có sự tăng trưởng rõ rệt về doanh thu, giá trị, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ, nguồn nguyên liệu hạn chế, mẫu mã còn đơn điệu và nhân lực thiếu kỹ năng số đang là lực cản trong hành trình mở rộng thị trường online.
Thực tế, việc đưa sản phẩm lên sàn không khó. Cái khó là vận hành hiệu quả, xây dựng thương hiệu bài bản và giữ chân khách hàng. Nếu thiếu quảng bá, chăm sóc khách hàng, sản phẩm OCOP dễ bị “chìm” giữa hàng trăm nghìn lựa chọn trên các nền tảng số.
Trước nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực hoàn thiện chính sách hỗ trợ các chủ thể OCOP: từ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực sản xuất, đến đào tạo kỹ năng thương mại điện tử, đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại qua hội chợ và gian hàng số.
Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với mô hình OCOP của Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng, như chuyến thăm gần đây của đoàn Bộ trưởng và lãnh đạo ngành nông nghiệp các nước châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, cần có chiến lược đồng bộ: từ quy trình sản xuất đến truyền thông, từ đào tạo nhân lực đến ứng dụng công nghệ.
Trong hành trình chuyển đổi số, mỗi sản phẩm OCOP không chỉ là đại diện của một vùng đất, mà còn là "sứ giả văn hóa" mang bản sắc Việt Nam ra thế giới. Nhưng để tiếng nói đó được lắng nghe trong “biển thông tin” toàn cầu, cần sự đầu tư bài bản, kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Đó chính là chìa khóa để OCOP Ninh Bình không chỉ trụ vững, mà còn bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.

Lạc đỏ Mường Chà: từ bữa ăn dân dã đến sản phẩm OCOP tiềm năng
Kinhtedothi - Ở xã Mường Chà (tỉnh Điện Biên), nơi điều kiện canh tác còn nhiều khó khăn, cây lạc đỏ – loài cây từng chỉ quen thuộc trong bữa ăn thường nhật nay đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành sản phẩm hàng hóa tiềm năng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.

Sở hữu 640 sản phẩm OCOP, Quảng Ngãi tập trung nâng hạng và mở rộng thị trường
Kinhtedothi-Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi có 640 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao còn hiệu lực, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Địa phương đang chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, hướng đến phát triển chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Vốn tín dụng chính sách “tiếp sức” chủ thể OCOP và làng nghề Hà Nội
Kinhtedothi – Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP và cơ sở sản xuất làng nghề trên địa bàn Hà Nội có thêm nguồn lực mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, gia tăng sức cạnh tranh và doanh thu.