Buôn thúng bán bưng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sài Gòn có số dân nhập cư đông nhất nước. "Đất lành chim đậu", người tứ xứ đổ về đây. Đa số họ chọn nghề buôn thúng bán bưng, bởi chỉ cần số vốn nhỏ nhoi dăm bảy trăm ngàn là có thể kiếm sống hàng ngày bằng cách mua đầu chợ bán cuối chợ.

Chị X. tạm trú ở khu Ông Tạ, Tân Bình cứ 4 giờ sáng có mặt để đón đầu các nhà vườn mang rau từ Bà Quẹo xuống để mua. Sau đó chị sang tay lại cho những sạp rau trong chợ, chị bảo: "Chịu khó thức khuya dậy sớm cũng kiếm được dăm bảy chục, một trăm ngàn tùy từng hôm đắt hay ế". Bé M. 12 tuổi ở chợ Hòa Hưng mỗi buổi cũng kiếm được vài chục ngàn đồng chỉ với mẹt tỏi, chanh, ớt. Anh S. nhà ở quận 8 bán rong kim, chỉ, lược, gương ở chợ Bến Thành, nói: "Rất khó xác định tiền lời mỗi ngày, vì cùng một món hàng nói thách trúng người dễ tính thì lời, còn hôm nào ế có hòa vốn cũng phải bán để lấy tiền xoay sở.

Đường Lê Thánh Tôn, quận 1 có một đoạn trước cửa tây chợ Bến Thành luôn tấp nập từ chập tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Đó là nơi tập trung mua bán sang tay hoa từ các nơi như: Đà Lạt, Vĩnh Long, Củ Chi, Hóc Môn… đổ về, họ là những người ít vốn không có khả năng thuê sạp cố định, họ đón mua rồi sang tay kiếm chút tiền lời.

Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh là những quận tập trung rất đông người nhập cư tứ xứ. Những người hành nghề bán vé số dạo nếu không có vốn, họ lân la đến các đại lý, sau khi có được tín nhiệm họ có thể được chủ đại lý giao cho vé số rồi rong ruổi trên mọi nẻo đường, trước giờ quy định họ trở lại trả đại lý số vé ế, còn số bán được họ được trích hoa hồng. H. quê Thái Bình vào bán vé số dạo đã được 3 năm, mỗi ngày chị cuốc bộ vài chục cây số, khéo mời mọc cũng bán được trên trăm vé trung bình cũng lời được cả trăm ngàn đồng.

Có những người buôn bán theo mùa, khi nông nhàn họ tranh thủ vô buôn thúng bán bưng để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Khi vào vụ họ lại lũ lượt trở về quê cày bừa gặt hái. Chị T.L từ Nam Định vô thành phố đã được hai mùa. Chị buôn đủ các mặt hàng theo kiểu mùa nào thức nấy, tằn tiện từng đồng gởi về quê cho chồng nuôi hai đúa con nhỏ, còn đứa con gái lớn theo chị vô đây cùng mẹ thức khuya dậy sớm. Tang tảng sáng, khi mọi người còn yên giấc ngủ, mẹ con chị đã lục tục trở dậy chở hàng từ tận Hóc Môn đến hông ngoài rìa chợ Bà Chiểu bán bán buôn buôn đến chiều muộn mới về.

C. quê Hưng Yên làm nghề bán dạo cây kiểng có thâm niên đã 5 năm, anh kể, hàng ngày đến các vựa cây ở Gò Vấp cất hàng rồi rong ruổi chạy xe đi bán rong khắp các nẻo đường. Được biết, dân Hưng Yên, Hải Dương chẳng những độc quyền bán cây cảnh mà nhiều người còn bán một mặt hàng khá ồn ào bằng xe đạp đó là keo dính chuột. Hàng ngày, đội quân này rảo khắp hang cùng ngõ hẻm với chiếc loa phóng thanh gắn ở ghi đông xe ra rả rao hàng.

Anh T. quê ở Quảng Ngãi  bán mì gõ đã được 6 năm. Anh bảo, dân quê anh vô làm nghề này đông lắm, họ thuê hẳn một khu nhà trọ ở Gò Vấp nên dân địa phương đặt hẳn cho một cái biệt danh là xóm mì gõ.

Anh bảo, làm nghề này thức đêm thức hôm đã quen rồi, cứ chập tối là mì gõ lên đường, mỗi xe thường có hai người: một đứa bé trạc hơn mười tuổi đi trước gõ hai thanh tre lách cách rao hàng, người lớn đẩy xe túc tắc đằng sau. Lách… cách… lách… cách… người Sài Gòn đã quá quen với cái âm thanh này, trong đêm khuya tĩnh lặng thi thoảng lại có tiếng kẹt cửa, rồi tiếng người: Ơ… ơi… mì… gõ!

Tôi theo anh chị L. người Sóc Trăng về gian nhà trọ của họ bên kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè, một dãy những căn nhà cấp bốn lợp tôn, vách cũng bằng tôn, gian trọ của họ ngoài mấy cái nồi niêu xoong chảo méo mó, chẳng có gì đáng giá, nóng như nồi hấp. Anh T. cười cười phân bua: "Cô tính cứ ba, bốn giờ sáng vợ chồng tôi ra chợ trái cây mua hàng rồi thuê chiếc xe ba gác kéo đi bán rong suốt ngày. Thằng cu này - anh  chỉ đứa bé chừng ba, bốn tuổi - cũng lê la cùng cha mẹ trên mọi nẻo đường, tối về cơm nước xong là rải chiếu ra sàn nhà lăn lóc ngủ. Nói cho ngay, đêm nó dịu đi, chứ ban ngày hầm hập thế này chui vào nhà làm sao chịu thấu!".