Buồn vì cơ sở hạ tầng của ngành du lịch Việt Nam quá kém

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy 4 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, biển miền Trung đã bớt… “ế”, nhưng dư âm của vụ cá chết vẫn khiến các “thượng đế” đổ xô về biển miền Bắc "giải nhiệt" đầu hè, khiến những nơi này trở nên quá tải.

Du khách chuyển hướng

Mặc dù trước ngày nghỉ lễ, 5 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng đã công bố kết quả phân tích khẳng định nước biển ở đây an toàn cho du khách cũng như hải sản, tuy nhiên, không ít du khách vẫn chuyển hướng du lịch. Nhiều người Hà Nội quyết định "ở nhà". Thế nên, dạo quanh các khu vui chơi giải trí tại Hà Nội những ngày này vẫn khá đông đúc. Theo bà Phạm Thu Nga - Trưởng nhóm truyền thông, Công ty CP Dịch vụ giải trí Hà Nội, lượng khách ở Công viên nước Hồ Tây ước tính mỗi ngày lên tới 6.000 lượt. Các điểm vui chơi khác như Vườn Bách thú, Công viên Nghĩa Tân, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Royal City, Times City, Ecopark... cũng tấp nập người vào ra.
Trẻ em vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học dịp nghỉ lễ 1/ 5.	  Ảnh:  Tuấn Linh
Trẻ em vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học dịp nghỉ lễ 1/ 5. Ảnh: Tuấn Linh
Bên cạnh đó, trước lo ngại về tình trạng cá chết ở miền Trung, nhiều người chuyển hướng đến các bãi biển miền Bắc hoặc phía Nam để nghỉ dưỡng, khiến nhiều nơi trở nên quá tải, kèm theo nhiều hệ lụy. Hầu hết các khu du lịch biển phía Bắc như Hạ Long, Quất Lâm, Hải Tiến, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Cát Bà… trong tình trạng quá tải suốt 4 ngày nghỉ lễ. Mặc dù gần 1.000 phòng khách sạn tại khu FLC Sầm Sơn đã đưa vào vận hành và thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) cung ứng thêm hàng chục cơ sở lưu trú với hàng ngàn phòng khách sạn mới, song tình trạng cháy phòng vẫn diễn ra. Đợt này, Hạ Long (Quảng Ninh) đang tổ chức nhiều sự kiện như Carnaval Hạ Long, Lễ hội bản sắc Việt, cuộc thi người đẹp Hạ Long… nên thu hút đông đảo du khách. Các cơ sở lưu trú tại Bãi Cháy và Hòn Gai gần như chật kín. Các khách sạn lớn thực hiện niêm yết giá trong dịp lễ, song một số khách sạn nhỏ, nhà nghỉ có hiện tượng tăng giá. Lượng khách tham quan vịnh Hạ Long tăng gấp khoảng 5 lần so với ngày thường, khiến số tàu trên vịnh không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Tại cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, mỗi ngày có khoảng 700 chuyến tàu rời bến, nhưng nhiều du khách vẫn phải chờ đợi vài giờ đồng hồ mới mua được vé.

Vẫn “ăn xổi”

Bãi biển Quất Lâm và Hải Tiến (Nam Định) mỗi ngày đón khoảng 10.000 người khiến các cung đường, các nhà hàng ven biển chật kín. Trên một số tuyến phố xuất hiện tình trạng các phương tiện nối đuôi nhau, di chuyển chậm. Đáng buồn nhất là nhiều du khách thiếu ý thức xả rác bừa bãi khiến rác tràn ngập khắp nơi. Cảnh tượng này cũng diễn ra tại Nhà thờ đổ (Nam Định). Còn tại Hải Phòng, Liên hoan du lịch “Đồ Sơn - Điểm hẹn du lịch 2016” được tổ chức từ 30/4 – 3/5 với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao lớn cũng thu hút đông du khách. Tại các bãi tắm khu II, khu III, khách chen nhau tìm chỗ ăn uống, nghỉ ngơi. Một số du khách phàn nàn, giá trông xe tại khu vực ven biển cao chót vót, xe máy là 20.000 đồng/chiếc, còn phí trông ô tô lên đến 100.000 đồng, dịch vụ ăn uống cũng tăng giá so với bình thường. Tại nhiều điểm đến khác như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)… cũng xảy ra hiện tượng chặt chém. Vậy là vẫn như mọi năm, khi có sự kiện đặc biệt, ở hầu hết các điểm đến vẫn xảy ra tình trạng tăng giá dịch vụ bừa bãi gây khó chịu cho du khách. Và không chỉ phải ôm “cục tức” vì bị chặt chém, nhiều người còn vỡ kế hoạch do tắc đường.

Nhìn toàn cảnh 4 ngày qua, người ta vẫn buồn vì cơ sở hạ tầng của ngành du lịch Việt Nam quá kém, quản lý du lịch cũng chưa tốt. Lâu nay, chính quyền sở tại gần như vẫn quản lý theo kiểu “ngứa đâu gãi đó”. Rút giấy phép kinh doanh chỗ này, người ta lại mở nơi khác như cái vòng luẩn quẩn, nên thiệt thòi vẫn đổ đầu du khách. Vẫn biết, vài năm gần đây, hiện tượng “cả năm mài dao, vài ngày cắt cổ” chỉ còn là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cách làm du lịch theo kiểu “ăn xổi” vẫn là vấn nạn của ngành du lịch. Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn rằng, nếu mỗi du khách có trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, kiên quyết không trả tiền cho những dịch vụ bị đẩy giá lên cao và nhanh chóng thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý thì những vẫn nạn trên sẽ nhanh chóng được khắc phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần