Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buồn vui “xe ôm sinh viên” dịp Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Xe ôm sinh viên” đã không còn lạ lẫm tại các bến xe, trạm xe buýt… Tuy nhiên vào thời điểm giáp Tết, nhiều nam sinh viên đã chọn việc làm xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Đằng sau chiếc xe gắn máy rong ruổi trên đường vất vả mưu sinh là những câu chuyện buồn vui.

Chạy xe ôm để trả nợ

Sau khi hoàn thành xong kỳ thi học kỳ, sinh viên có nhiều thời gian rảnh trước khi về quê nghỉ Tết. Do đó, nhiều sinh viên đã tìm việc làm thêm để có tiền tiêu Tết, mua quà về biếu gia đình. Công việc làm thêm được nhiều nam sinh lựa chọn là chạy xe ôm. Việc này không đòi hỏi về trình độ, bằng cấp, không gò bó về thời gian.

Vương – sinh viên trường Đại học Mỏ Địa chất chọn công việc chạy xe ôm đã được gần 1 tháng nay. Có sẵn chiếc “xế nổ” được bố mẹ mua cho 1 năm trước cộng với vốn hiểu biết về đường xá trong 3 năm học đại học nên Vương đã quyết định ra bến xe Mỹ Đình, gia nhập vào hàng ngũ xe ôm.

“Lần đầu ra bến xe, mình thấy lạ lẫm và sợ sệt vì không biết bắt khách như thế nào, mà lực lượng xe ôm trong những ngày giáp Tết đông hơn cả hành khách, khiến mấy lần mình định bỏ về. Nhưng nghĩ lại không chạy xe ôm thì lấy đâu ra tiền trả nợ”, Vương kể lại.

Sự miễn cưỡng lựa chọn công việc này của Cương là vì trong năm cậu đã trót tiêu quá tay vào việc mua quà cho bạn gái và chơi điện tử khi càng chơi lại càng lỗ nặng, trong khi số tiền bố mẹ chu cấp chỉ có hạn.

Tiền nợ chồng chất đến nay cũng là lên tới mấy triệu đồng. Biết sự nghiêm khắc của bố mẹ nên cậu không thể xin trả nợ giúp mình. Năm hết tết đến, cậu mong muốn trả hết nợ, không muốn để sang năm mới, tránh đen đủi. Vương cho biết nếu chịu khó chạy cả ngày, trừ tiền xăng xe, tiền bến, cậu cũng bỏ túi được trên dưới 200.000 đồng.

Buồn vui “xe ôm sinh viên” dịp Tết - Ảnh 1

 Xe ôm đông đúc trong và ngoài bến xe

Đã có thâm niên làm xe ôm được 2 năm tại bến xe Mỹ Đình, Hùng (trường ĐH Giao thông vận tải) cũng tích cực ra bến xe nhiều hơn vào dịp giáp Tết để mong nâng cao thu nhập. Hùng chia sẻ: “Trước kia mình chỉ ra bến chạy xe vào cuối tuần để có thể chi tiêu thoải mái hơn. Nhưng muốn tết về có tiền mua chút quà biếu cho gia đình, lì xì cho mấy đứa em hay đi liên hoan với bạn học cũ nên mình phải tích cực hơn. Ngoài cuối tuần chạy cả ngày, mỗi buổi tối sau khi học xong ở trường, mình cũng tranh thủ chạy xe ôm thêm 2 -3 tiếng. Số tiền kiếm được không nhiều, mỗi buổi tối nhiều lắm cũng chỉ được 50.000 – 80.000 đồng nhưng tích tiểu thành đại”.

Với khuôn mặt hiền lành, có chút thư sinh nên Hùng thường được nhiều khách hàng lựa chọn đi xe và nhiều khi còn được cho thêm tiền. Theo Hùng, làm nghề này, Hùng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, được nghe nhiều chuyện để nâng thêm vốn sống của mình.

Tủi thân vì bị đặt biệt danh “xe ôm”

Cũng như nhiều công việc làm thêm khác, nghề xe ôm có những buồn vui riêng của nghề và cả nguy hiểm luôn rình rập trên từng cây số.

Ngày đầu ra bến xe gia nhâp đội ngũ xe ôm, vừa dựng được chiếc chân trống xe, Vương đã bị một đám xe ôm có thâm niên tới “hỏi thăm” và cướp khách trắng trợn. Cậu cho biết những ngày đầu chỉ chạy được “cuốc” 30.000 đồng  nhưng phải nộp tiền bến mất 15.000 đồng rồi tiền ăn trưa đắt đỏ tại bến xe, tiền đổ xăng xe khiến Vương không thu được gì mà lại bị thâm hụt tiền.

Buồn vui “xe ôm sinh viên” dịp Tết - Ảnh 2

“Xe ôm là nghề tự do, thoải mái nhưng tính cạnh tranh cao. Ngày Tết càng đến gần, ngoài đội ngũ xe ôm đông đảo vốn có, mỗi ngày bến xe cũng có nhiều cánh xe ôm mới, đôi khi còn đông đúc hơn cả hành khách đi xe nên phải nhanh chân chạy theo xe khách, chèo kéo khách mỏi miệng may ra mới được một chuyến”, Vương cho biết.

Vì đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, không còn chịu cảnh chèn ép của “ma cũ”, nhưng Hùng lại thấy tủi thân vì bị bạn bè gọi là “Hùng xe ôm”. Hùng kể lại: “Ngày đầu đi chạy xe mình ngại nên giấu bạn bè về việc làm thêm. Không ít lần gặp bạn bè tại bến xe, mình đều phải bịt khẩu trang và nhanh chóng đi chỗ khác để không bị bắt gặp. Nhưng nghĩ lại mình kiếm tiền chính đáng, công việc không có gì phạm pháp thì sao phải giấu giếm như thằng ăn cắp.”.

Với suy nghĩ đó, Hùng quyết định chia sẻ với bạn bè về việc mình đi chạy xe ôm, “nhiều bạn thông cảm nhưng cũng có nhiều người ác ý nói này nói nọ”, Hùng gượng cười.

Buồn vui “xe ôm sinh viên” dịp Tết - Ảnh 3

 Tại trạm xe buýt, lực lượng xe ôm cũng  khá đông đảo

Mỗi lần nghe thấy bạn bè gọi là “Hùng xe ôm” cậu cũng đã có ý nghĩ bỏ việc nhưng Hùng lại nghĩ trêu mãi rồi cũng chán, gọi mãi rồi cũng quen, mình phải sống cho bản thân chứ không phải suốt ngày ngồi nghe người khác nói gì.

Hùng cũng cho biết, lợi dụng ngày giáp tết, bến xe nhốn nháo, nhiều đối tượng trộm cắp trà trộn thành hành khách đi xe nhằm mục đích cướp xe của xe ôm. Hùng suýt chết khi được 2 đối tượng tầm tuổi 40 – 45 tuổi yêu cầu trở về Vĩnh Phúc. Khi đang thương lượng giá cả, rất may cậu đã được bác xe ôm đứng cạnh đánh động. Hiểu ý, cậu từ chối 2 vị khách này dù trong lòng đầy tiếc nuối. Hỏi ra Hùng mới biết, bác xe ôm đứng bên cạnh bảo rằng nhìn thấy chiếc dao phớ được giấu trong bánh mì dài mà 2 người khách này mang theo. Khi kể lại cậu vẫn còn thấy sợ vì những vị khách “cáo già” này. “Hùng thường tránh trở khách cho nhu cầu đi về khu vực vắng vẻ hoặc chạy đường dài vào buổi tối.” – Hùng chia sẻ kinh nghiệm làm xe ôm.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.