Buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

Báo Kinh tế và Đô thị nhận được đơn của một số công dân Cụm 4, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng khiếu nại quyết định số 5268/QĐ-CCK của UBND huyện về việc cưỡng chế vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp thuộc xứ đồng Đạc 4, Cụm 4, xã Thọ xuân chưa thấu tình đạt lý.

Qua tìm hiểu được biết, tại đây hiện có khoảng 70 ngôi nhà được xây dựng từ năm 1986 đến nay. Nhiều ngôi nhà rêu xanh bám quanh tường bao, ngói đã bạc màu. UBND xã Thọ Xuân đã nhiều lần có kế hoạch, quy hoạch thành khu dân cư, nhưng huyện chưa đồng ý. Theo một số người dân cho biết, hôm nay, 26/10, huyện, xã sẽ tổ chức cưỡng chế 13/70 ngôi nhà ở đây. Trong số này, có 3 gia đình xây nhà  và sử dụng gần 20 năm qua. Hiện nay, cả 3 gia đình này đều không có đất thổ cư ở trong làng và có hộ vừa đầu tư bốn trăm triệu đồng để xây nhà.

Bà Đào Thị Nga, một trong 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân mắc bệnh ung thư nói nghẹn ngào trong nước mắt: Tôi xây nhà ở đây từ năm 1996, khi xây chẳng thấy ai nhắc nhở hay lập biên bản xử lý gì cả. Gia đình tôi đang ổn định thì nhận được thông báo ngôi nhà sẽ bị cưỡng chế. Hiện nay, tôi đang mắc bệnh hiểm nghèo, lo tiền chữa bệnh đã kiệt sức rồi! Tiền chẳng có, tới đây đất để ở cũng không còn nữa, gia đình tôi chỉ còn cách đi ăn xin thôi!.

Bà Trần Thị Dần tuy đứng đơn khiếu nại, nhưng cũng thừa nhận: Tất cả những ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc xứ đồng Đạc 4 đều vi phạm. Nhưng huyện, xã chỉ lập kế hoạch cưỡng chế 13 ngôi nhà là không thỏa đáng. Trong số này, có gia đình xây nhà và sinh sống tại đây đã được hơn 20 năm. Do số lượng thành viên ngày một tăng, nhu cầu ở càng lớn nên một số gia đình đã cải tạo, xây mới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. 

Ông Trần Văn Giáp, cán bộ địa chính xã thẳng thắn cho biết: Việc các gia đình đua nhau xây nhà tại xứ đồng Đạc 4 từ năm 1986 đến nay là có thật. Hầu hết các gia đình có ruộng 10% ở xứ đồng Đạc 4 đều "tranh thủ" xây nhà. Năm 2008, UBND xã Thọ Xuân đã đề nghị UBND huyện Đan Phượng cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các gia đình đang sinh sống ở đây thành đất thổ cư, nhưng huyện không đồng ý.

Bao biện cho việc buông lỏng quản lý đất đai tại địa phương, ông Lê Tiến Điền, Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân cho rằng: Chỉ vì tôi "thương" dân nên đã làm ngơ cho các gia đình xây nhà trên đất nông nghiệp. Chúng tôi đã nhắc nhở "bằng miệng", thậm chí có nguy cơ ban hành văn bản để người dân hiểu việc xây nhà trên đất nông nghiệp là vi phạm. Nhiều lần định tổ chức cưỡng chế, nhưng vì "nể nang" tình làng nghĩa xóm nên lại thôi. Ciệc làm ngơ này đã khiến người dân ồ ạt đua nhau xây nhà.

Việc vi phạm đã rõ, UBND huyện Đan Phượng cần sớm làm rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên buông lỏng trong quản lý đất đai tại xã Thọ Xuân đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tiền mất tật mang, thậm chí còn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.