Buông xuôi quản lý đất nông nghiệp, hàng ngàn m2 bị san lấp, xây dựng nhà tại Thanh Trì
Kinhtedothi - Tận dụng thời điểm Hà Nội sắp xếp lại địa giới hành chính, các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Thanh Trì mọc lên như nấm sau mưa. Việc buông lỏng quản lý ở thời điểm này sẽ để lại hậu quả khó lường...
Quán lý, giám sát lỏng lẻo
Như Báo Kinh tế và Đô thị đã đưa tin, thời gian vừa qua, những chiếc xe tải chở theo bùn, đất thải được lấy từ một số dự án trên địa bàn TP Hà Nội, về các xã Đại Áng, Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì để để san lấp ruộng.
Có thời điểm, đoàn xe nối đuôi nhau chạy rầm rập trên đường. Tại mỗi ô đất, luôn có người đứng cảnh giới ở cổng. Như có hẹn từ trước, những chiếc xe quá tải đến là cánh cổng nhanh chóng được mở ra để xe vào đổ đất. Bên trong máy xúc, máy ủi hoạt động ầm ì từ chập tối đến rạng sáng. Hoạt động đổ bùn, đất của mỗi chiếc xe chỉ diễn ra trong bóng tối. Những ô ruộng vốn được quy hoạch để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp sau mỗi đêm lại được lấp đầy bằng bùn, đất, trạc thải xây dựng.
Việc san lấp đất nông nghiệp trái phép với quy mô lớn kéo theo những vi phạm khác. Tại những ô đất được san lấp này, chỉ ít ngày sau nhà xưởng kiên cố, kho bãi, sân chơi thể thao lại nhanh chóng được mọc lên.
Tình trạng san lấp đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đại Áng tái diễn ngày một nghiêm trọng hơn.
Sau phản ánh của Báo Kinh tế và Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong đã ký văn bản yêu cầu Phòng Tài nguyên và môi trường, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thanh Trì, và các xã nói trên nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
UBND huyện yêu cầu, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Công an các xã liên quan kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo quy định.
Chỉ ít ngày sau khi bị san lấp, những thửa ruộng trở thành nhà xưởng, kho bãi.
UBND huyện Thanh Trì cũng giao UBND các xã Tả Thanh Oai, Đại Áng thống nhất phương án thông báo tạm dừng hợp đồng hoạt động của các chủ đầu tư để khắc phục hậu quả, trả lại hiện trường ban đầu; yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ hàng rào tôn dựng lên chưa đúng quy định.
Mới đây, Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 5/3/2025 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai thực hiện ngay các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời gian các cơ quan trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đang tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm pháp luật môi trường.
Thế nhưng, đi ngược chỉ đạo của UBND TP, cả trăm công trình xây dựng trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì lại mọc lên nhanh chóng trong những ngày qua.
Như nấm mọc sau mưa
Có mặt tại một số khu vực dọc theo tuyến đường Đại Thanh và bờ sông Hoà Bình, khu đồng Hạ hay cánh đồng sau ngõ 8 thôn Siêu Quần nằm trên địa bàn 2 xã Đại Áng và Tả Thanh Oai, có thể thấy nơi đây như một đại công trường. Tiếng máy xúc san lấp ầm ì, máy cắt gạch, cắt sắt vang lên chát chúa suốt ngày đêm.
Sau hàng rào tôn, những công trình nhà ở bê tông cốt thép cũng được mọc lên trên địa bàn xã Tả Thanh Oai.
Tại đây, nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đang được đồng loạt thi công rầm rộ. Kho xưởng hàng trăm mét vuông, hay cả những căn nhà bằng bê tông cốt thép mọc lên như "nấm sau mưa" trên cánh đồng. Nhiều mảnh ruộng, ao hồ được chia năm, xẻ bảy để xây dựng nhà cửa. Có những ngôi nhà vừa xây xong chưa khô xi măng hay cả những ngôi nhà rộng cả trăm mét vuông đang được xây dở.
Để tạo vỏ bọc cho những căn nhà xây dựng trái phép bằng bê tông, cốt thép, người dân dùng bạt, rào tôn để thi công bên trong. Tại các nhà, kho, xưởng đang được xây dựng, máy xúc, xe tải, công nhân hoạt động rầm rộ cả ban ngày.
Chị L. T. H, trú tại xã Tả Thanh Oai cho biết: “Những căn nhà được xây dựng một cách thần tốc. Họ làm ngày, làm đêm để hoàn thiện công trình trái phép. Với kho, xưởng mất khoảng 1 tuần. Còn đối với những căn nhà mái bằng thì mất khoảng 1 tháng”.
Theo chị H, ngày trước những cánh đồng này vẫn có thể canh tác hoa màu, thả cá, thế nhưng dần dần người dân cứ lấp đất xuống, nhà trước chặn nhà sau khiến dòng nước không thể lưu thông được. Cũng có không ít người từ nơi khác về mua ruộng của dân làng sau đó chia lô, dựng nhà lên bán lại. Nhìn từ trên cao, cánh đồng của xã Đại Áng và xã Tả Thanh oai như một khu công nghiệp với những xưởng sản xuất tự phát.
Xe tải chở chất thải đi san lấp đất nông nghiệp suốt ngày đêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Toàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: “Thời điểm này, nhiều người dân tranh thủ thông tin sáp nhập để lợi dụng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Một bộ phận cán bộ thời điểm này có tư tưởng buông xuôi. UBND huyện Thanh Trì đã liên tục có văn bản chấn chỉnh cũng như đốc thúc các đơn vị liên quan thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong việc quản lý đất nông nghiệp và trật tự xây dựng”.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Toàn, sau phản ánh của phóng viên, UBND huyện sẽ yêu cầu Đội Thanh tra xây dựng huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên đất nông nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban liên quan xử lý vi phạm có báo cáo lại UBND huyện Thanh Trì.
Dự kiến, cả nước sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6 để đến ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới. Đồng thời, HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc các quận, huyện, thị xã sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/7. Đang trong thời điểm chuyển giao, có thể thấy rằng, trên địa bàn huyện Thanh Trì đang xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý, là thời cơ cho các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Việc không siết chặt quản lý trong thời gian này sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn trong việc quản lý đất đai sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp.
Khu vực này, đất nông nghiệp đã bị huỷ hoại hoàn toàn bằng bê tông.
Không chỉ kho xưởng, nhà mái bằng 2 tầng cũng được xây dựng hàng loạt.
Người dân chia lô đất nông nghiệp để xây nhà.
Hoạt động xây dựng diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày.
Theo người dân ở đấy, chỉ mất khoảng 1 tuần là những kho, xưởng rộng hàng trăm mét vuông được dựng lên.

Một huyện ở Khánh Hòa chuyển đổi 14.372ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp
Kinhtedothi - Giai đoạn 2025-2030, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) sẽ chuyển đổi hơn 14.372ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp gồm 432ha đất trồng lúa; 3.159ha đất trồng cây hàng năm; 7.032ha đất trồng cây lâu năm; 3.037ha đất rừng sản xuất; 19ha đất rừng phòng hộ; 595ha đất nuôi trồng thủy sản.

Nha Trang chuyển đổi hơn 665ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp
Kinhtedothi - Trong năm 2025, TP Nha Trang sẽ chuyển đổi hơn 665ha đất phi nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Huyện Phúc Thọ: cuối tháng 4, đấu giá 102.000m2 đất nông nghiệp công ích
Kinhtedothi - 102.000m2 đất nông nghiệp công ích thuộc xã Nam Hà (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) sẽ được đưa ra đấu giá cho thuê vào cuối tháng 4/2025. Mục đích sử dụng là sản xuất nông nghiệp, trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản.