Cá chết, du lịch biển vạ lây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa du lịch biển vừa khởi động, bất ngờ xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Người làm du lịch như đang “ngồi trên đống lửa” trước "tai nạn" này.

Doanh nghiệp thất thu

Trước thực trạng cá chết hàng loạt, ngành du lịch Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế lo ngại hoạt động du lịch biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa du lịch hè 2016, trước mắt là dịp lễ 30/4 - 1/5. Theo ông Nguyễn Hữu Thắng – Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Trị, tình trạng cá chết đã và đang gây ảnh hưởng nặng tới du lịch biển, bởi du khách lo ngại tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm cũng như ô nhiễm nguồn nước biển. “Chúng tôi mới khai trương mùa du lịch biển, vừa qua cũng mở tuyến du lịch biển ra đảo Cồn Cỏ. Nhưng với tình trạng này thì du khách ra đó cũng chỉ đứng trên bờ, không dám tắm” - ông Thắng bày tỏ.
Cá chết bất thường tại vùng biển Hà Tĩnh đã gây ảnh hưởng đến ngành du lịch của địa phương này.
Cá chết bất thường tại vùng biển Hà Tĩnh đã gây ảnh hưởng đến ngành du lịch của địa phương này.
Các hoạt động của ngành du lịch 3 tỉnh còn lại cũng “ngồi trên đống lửa”. Thế nên, lãnh đạo 4 tỉnh đã yêu cầu các nhà hàng, khách sạn không sử dụng cá ven bờ và cá chết phục vụ du khách. Ông Hồ An Phong – Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Bình cho biết: “Tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các cơ sở chỉ được sử dụng nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ các tàu đánh bắt xa bờ tại các ngư trường ở Vịnh Bắc Bộ, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, tuyệt đối đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách và người tiêu dùng”.

Về vấn đề này, hầu hết DN lữ hành đều đã tính chuyện thay đổi thực đơn cho du khách theo hướng thay cá biển bằng gà thả vườn, cá sông và những đặc sản không có xuất xứ từ biển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours: “Khách đi biển chỉ có 2 nhu cầu là tắm và ăn hải sản. Nếu không có thông tin rõ ràng để du khách yên tâm thì dù có thay đổi thực đơn, sức hấp dẫn của điểm đến cũng không còn”. Mặt khác, dù thời điểm này, tình hình đặt tour tại hầu hết các hãng lữ hành chưa có nhiều xáo trộn, song, theo nhiều chuyên gia, từ tháng 5 mới là thời điểm vàng của du lịch biển. Nếu các cơ quan chức năng không sớm tìm ra nguyên nhân, thì tình trạng này sẽ gây thất thu cho du lịch, đặc biệt là 4 tỉnh trên. Thực tế, Công ty Đầu tư du lịch Phucgroup vừa thông báo tạm ngừng bán cho khách hàng các chương trình du lịch khu vực từ Hà Tĩnh đến Bắc Quảng Bình từ 25/4. Các chương trình chỉ được bán trở lại khi hiện tượng ô nhiễm biển được kiểm soát.

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách  

Trước tình hình trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là ngành NN&PTNT, TN&MT sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân, có kết luận chính thức để có giải pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, để hạn chế thấp nhất thiệt hại và ảnh hưởng, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú, lữ hành, các cơ quan quản lý về du lịch tại các địa phương nói trên nắm chắc tình hình, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như theo dõi sát các cuộc thẩm tra, điều tra của các cơ quan chức năng để có xử lý kịp thời, đảm bảo hoạt động du lịch. Đối với các cơ sở lưu trú, khách sạn, Tổng cục cũng yêu cầu phải lấy cá và các loài hải sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, chất lượng.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, hiện Tổng cục chưa đưa ra khuyến cáo gì đối với các DN lữ hành mà chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. “Nếu Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT kết luận cá chết ở những vùng biển này do ô nhiễm thì chúng tôi sẽ khuyến cáo không đưa khách đến những vùng biển bị ô nhiễm” – ông Chung cho hay.
Liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Thủ tướng nhấn mạnh không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản; đồng thời giao các bộ, ngành chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.
Sớm hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sống
Chiều tối 25/4, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức thông tin tới báo chí liên quan tới hiện tượng cá chết bất thường xảy ra tại vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Nhận định về nguyên nhân dẫn tới cá chết hàng loạt, đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng cá ở tầng đáy cũng bị chết cho thấy có thể có nguồn độc tố xuất phát từ Hà Tĩnh theo dòng hải lưu lan xuống Thừa Thiên – Huế, đi tới đâu làm cá chết tới đó. Do vậy cần lấy mẫu đất, cá, nước xung quanh khu vực cá chết ban đầu để phân tích, làm rõ nguyên nhân.
Cũng trong chiều qua, Bộ NN&PTNT có thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám liên quan tới sự việc trên. Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương thu gom, tiêu hủy cá chết theo quy định, nghiêm cấm làm thực phẩm hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức; tích cực tuyên truyền để người dân biết thông tin, tránh hoang mang, ổn định tâm lý. Theo Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện tại, không còn thấy xuất hiện cá chết như những ngày trước đó. (Thiên Tú)