Ca Covid-19 tăng đột biến thử thách chính sách “zero Covid” của Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc khi hơn nửa số đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước này đã phát hiện ca bệnh, trong đó thủ đô Bắc Kinh ghi nhận số ca nhiễm trong cộng đồng cao nhất kể từ ngày 19/1/2021.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 3/11 cho biết nước này có thêm 93 trường hợp mắc Covid-19 mới, mức cao kỷ lục. Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, bên cạnh số ca có triệu chứng mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới không triệu chứng. Các ca không triệu chứng không được Trung Quốc tính vào số liệu Covid-19 chính thức.
 Người dân thủ đô Bắc Kinh xếp hàng tiêm mũi vaccine tăng cường hôm 29/10/2021. Ảnh: Reuters
Đợt bùng phát dịch mới tại Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền bắc. Địa phương ghi nhận nhiều ca mới nhất là Hắc Long Giang (35 ca), tiếp đến là Hà Bắc (14 ca), Cam Túc (14 ca), Bắc Kinh (8 ca). Cụm dịch mới bùng phát ở Trung Quốc từ ngày 17/10, khi một cặp vợ chồng ở Thượng Hải cho kết quả xét nghiệm dương tính trong chuyến du lịch ở miền bắc nước này.
Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, tính từ ngày 17/10 đến 2/11, làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta gây ra đã khiến nước này có thêm 631 ca bệnh và lan ra ít nhất 17 tỉnh, thành và khu tự trị. Tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trung bình 7 ngày cũng tăng lên, cho thấy cụm dịch Covid-19 mới đang diễn biến căng thẳng bất chấp  các biện pháp chặt chẽ mà giới chức sở tại đã ban hành nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Trung Quốc hiện ghi nhận tổng cộng 97.423 ca nhiễm và 4.636 ca tử vong.
Hiện giới chức Trung Quốc đang tăng cường áp dụng các biện pháp cứng rắn như xét nghiệm hàng loạt, truy vết ca nhiễm, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn đợt bùng phát mới nhất, đặc biệt là trước Thế vận hội Olympic mùa Đông Bắc Kinh dự kiến khai mạc vào 4/2/2022. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc mới đây đã khuyến khích người dân tích trữ nhu yếu phẩm ở thời điểm nước này tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Theo hãng thông tấn AFP, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 1/11 đăng thông báo trên trang web chính thức đề nghị “các gia đình tích trữ một lượng nhu yếu phẩm cần thiết để đáp ứng nhu cầu hàng ngày và khẩn cấp”. Hướng dẫn không đề cập trực tiếp một loại thực phẩm nào.
Giới chức Trung Quốc hiện vẫn kiên định theo đuổi chính sách "zero Covid” bất chấp các đợt bùng phát đang tăng với tốc độ nhanh hơn, lan rộng hơn và vượt qua nhiều biện pháp từng được Bắc Kinh áp dụng để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua.
Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ không sớm từ bỏ chiến lược “zero Covid” - tiến tới mục tiêu không có ca mắc Covid-19 - và sẽ tiếp tục truy vết dập dịch, kênh Channel News Asia đưa tin hôm 2/11.
Hiện nay, khoảng 76% dân số Trung Quốc đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế và chưa áp dụng chính sách sống chung với dịch.
Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan - người đã góp phần định hình chiến lược chống Covid-19 của Trung Quốc đầu năm 2020, ngày 1/11 nói rằng Trung Quốc sẽ duy trì chiến lược “zero Covid” trong một thời gian dài nữa. Chuyên gia Zhong Nanshan khẳng định chiến lược “zero Covid” ít tốn kém hơn sống chung với virus và tái áp đặt hạn chế mỗi khi dịch bùng phát. Ông nói rằng một số quốc gia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong khi vẫn ghi nhận một vài trường hợp nhiễm Covid-19. Chính những ca nhiễm ít ỏi này đã lây lan rộng khiến cho các chính phủ phải tái áp đặt biện pháp giãn cách. Theo ông Zhong Nanshan, chính sách như vậy sẽ tốn kém hơn và gây ảnh hưởng đến người dân nhiều hơn.
Tờ South China Morning Post đưa tin, giáo sư Leo Poon Lit-man của Trường Y tế Công cộng, ĐH Hồng Kông nói rằng Trung Quốc sẽ không áp dụng chiến lược “zero Covid” mãi mãi. Tuy nhiên, chiến lược như vậy như thời gian qua và cả tới đây có thể giúp Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có thời gian để tìm ra cách đối phó với giai đoạn tiếp theo của đại dịch./.