Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: chống hạn thuận thiên khi vận hành hồ chứa nước ngọt 3,85 triệu m3

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cà Mau bắt đầu đưa vào vận hành tích nước ở hồ nước ngọt tại xã Khánh An huyện U Minh. Đây là hồ nhân tạo được xem là lớn nhất ĐBSCL nhằm trữ ngọt mùa khô cho một vùng U Minh hạ rộng lớn.

Hồ nước ngọt tại xã Khánh An huyện U Minh tỉnh Cà Mau bắt đầu vận hành quy trình tích nước Hoàng Nam).
Hồ nước ngọt tại xã Khánh An huyện U Minh tỉnh Cà Mau bắt đầu vận hành quy trình tích nước Hoàng Nam).

Những năm gần đây, nhất là đầu 2024, tình hình hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng diễn ra ngày càng khốc liệt. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống tại địa phương. Việc vận hành và đưa vào sử dụng hồ nước ngọt tại U Minh có giá trị thực tế vô cùng lớn đối với môi trường tự nhiên và đời sống người dân.

Thông tin dự án (Hoàng Nam)
Thông tin dự án (Hoàng Nam)

Hoàn thiện trong tháng 6/2024

Ngày 17/6, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Văn Sol Giám đốc Ban quản lý Dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau cho biết, hạng mục hồ chứa nước ngọt tại xã Khánh An (huyện U Minh) đã thi công hoàn thành, bắt đầu quy trình tích nước.

 “Hiện còn vài hạng mục phụ như bờ kè hồ, đổ bê tông mặt đường đấu nối vào hồ sẽ hoàn thành trong tháng 6 này. Sau đó, sẽ tổ chức nghiệm thu và đưa toàn bộ công trình vào sử dụng” - ông Sol thông tin.

Hồ chứa nước ngọt nói trên nằm trong hạng mục đầu tư của Tiểu dự án 8, thuộc Dự án Chống chịu khí hậu bền vững và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là ICRSL). Hồ được xây dựng trên diện tích rộng 102ha, riêng diện tích mặt hồ rộng 60ha, dung tích chứa được 3,85 triệu m3 nước ngọt. Đây là một trong những hồ chứa nước ngọt có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Công trình được khởi công tháng 1/2022, vốn đầu tư 248 tỷ đồng (sau khi điều chỉnh) từ vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau là đơn vị giám sát dự án, Liên doanh Công ty cổ phần xây dựng thương mại Thới Bình và Công ty cổ phần xây dựng thủy lợi Cà Mau là đơn vị thi công.

Nhiều hạng mục đã hoàn tất (Hoàng Nam).
Nhiều hạng mục đã hoàn tất (Hoàng Nam).

Sau quá trình tích nước, vận hành ổn định, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước, phục vụ nước sạch cho người dân quanh vùng, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, nhất là cao điểm hạn hán, phục vụ công tác phòng chống cháy rừng vào mùa khô...

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, kế hoạch ban đầu, hồ được thi công trong 22 tháng. Song khi thực hiện có hai lần gia hạn. Việc gia hạn này là do nhà tài trợ yêu cầu phải lấy mẫu nước khu vực thí nghiệm vào cả mùa mưa và mùa khô. Do đó, thời gian thi công công trình kéo dài.

"Nguyên nhân điều chỉnh là do phải thay đổi thiết kế cho phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng, như quy mô mặt đường 5km quanh hồ từ 3m lên 5m, phát sinh đường đấu nối từ hồ ra đường U Minh – Khánh Hội khoảng 500m; phát sinh áp mái thành rọ đá xung quanh hồ để đảm bảo không bị xói lở..." – ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm.

Chống hạn thuận thiên

Là vùng đất mưa nhiều, nhưng khô hạn vào mùa nắng, U Minh hạ Cà Mau lại không được hưởng ngọt dòng Mekong như các địa phương khác nên hàng năm chịu thiệt hại rất lớn do hạn mặn.

Cụ Huỳnh Thị Sáu, 85 tuổi trú ấp 1 xã Khánh An huyện U Minh cho biết, để đối phó với thiên nhiên, người dân địa phương có thói quen trữ nước ngọt bằng cách đào nhiều ao, đìa quanh nhà. Sau mùa mưa, các ao đìa trữ đầy nước ngọt. Khi mùa hạn đến, những ao đìa này là nơi trữ nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. “Nhưng kinh nghiệm dân gian cho thấy, những ao đìa trữ nước ngọt tốt nhất ít bị rò rĩ và xì phèn chính là những hố bom trong chiến tranh. Chính lượng thuốc nổ tạo nên sức ép đã lèn chặt mặt đất, tạo nên những ao hồ tự nhiên tốt nhất. Nên bây giờ nhà nước làm hồ nước ngọt như vậy, dân mừng lắm” – cụ Huỳnh Thị Sáu nói.

Hồ nước ngọt tại tại xã Khánh An cũng được thực hiện theo nguyên lý thuận thiên như trên. Công trình được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2021, tại khu B3, B4 khu tái định cư - định canh xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau. Quá trình xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị thi công rất chú trọng công tác xử lý nén nền để hạn chế thấp nhất việc xì phèn, rò rỉ. Hiện đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Cà Mau cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 11.300 người dân ở huyện U Minh. Ngoài mục tiêu chính cung cấp nước sinh hoạt, công trình hồ chứa nước ngọt ở vùng đất rừng U Minh hạ còn giúp trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp nước phục vụ sản xuất vào mùa khô.

“Trong tương lai, nếu được tiếp nguồn nước ngọt từ sông Hậu về hồ có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho người dân khu vực huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình của tỉnh Cà Mau” – ông Phan Hoàng Vũ nhấn mạnh.