Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: Cua chết hàng loạt trên diện rộng

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng cua chết hàng loạt tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân.

Anh Dương Văn Thum (ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn) cho biết, tình trạng cua chết đã xảy ra gần 2 tháng nay. Ban đầu, chỉ phát hiện cua chết rải rác, sau đó lượng cua chết ngày càng tăng. Nhiều con cua bò vào bờ vuông nuôi chờ chết, khi bóc ra thấy cua không có thịt.

Năm nay, anh Dương Văn Thum thả 10.000 con cua giống trong diện tích 2,5ha đất nuôi tôm - cua kết hợp, nhưng dự đoán số cua sẽ thiệt hại trắng. Qua quan sát, phát hiện một số bò vào bờ chết dần, số khác còn sống nhưng bắt lên một lúc sau cũng chết. Thương lái địa phương không dám thu mua cua bị bệnh. Theo anh Thum, trong vòng một tháng tới, 100% cua thả nuôi sẽ chết hết.

Tình trạng cua chết hàng loạt trên phần vuông của gia đình ông Trương Thanh Nhân, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hoàng Quân
Tình trạng cua chết hàng loạt trên phần vuông của gia đình ông Trương Thanh Nhân, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hoàng Quân

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Tùng thông tin, biểu hiện dễ thấy nhất khi cua nuôi chết là người dân đặt lú, đặt lợp hoặc xả nước vuông nuôi. “Cua bệnh có biểu hiện rất lạ, khi người nuôi bắt cua lên chỉ trong thời gian ngắn, có khi chưa kịp trói thì cua đã chết. Quan sát bên ngoài cua sẽ thấy hiện tượng vỏ bị mỏng hoặc bị đóng rong, khi tách con cua ra thấy bên trong không có thịt mà chỉ có nước, luộc lên ăn có vị mặn mặn” - ông Nguyễn Minh Hiếu nói.

Nghề nuôi cua ở Cà Mau cho người dân địa phương thu nhập cao nhiều năm nay. Chỉ riêng huyện Năm Căn có gần 8.900 hộ nuôi cua với diện tích khoảng 24.400ha. Theo người dân địa phương, thời điểm này, hằng năm cua nuôi dễ bị thiệt hại nhưng chưa bao giờ bị chết hàng loạt như năm ngoái đến nay. Đáng nói, tình hình năm nay còn có chiều hướng phức tạp hơn năm trước.

Theo ngành nông nghiệp Cà Mau, hiện tượng cua chết hàng loạt xuất hiện tại nhiều huyện như: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân... từ năm 2021 đến nay. Cụ thể, đã có hơn 4.300 hộ nuôi có cua bị bệnh, với diện tích trên 13.100ha, mức độ thiệt hại bình quân khoảng 52%.

Chỉ riêng huyện Năm Căn có 13.128ha của 4.386 hộ có cua bị bệnh, mức độ thiệt hại từ 30 - 100%; huyện Đầm Dơi có khoảng 16.606ha (9.983 hộ) có cua bị bệnh, mức độ thiệt hại từ 10 - 70%; huyện Ngọc Hiển khoảng 200ha chủ yếu ở 2 xã Viên An Đông và Tân Ân Tây, mức độ thiệt hại từ 50 - 100%...

Anh Dương Văn Thum (trái) ở  ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn cho biết, tình trạng cua chết đã xảy ra gần 2 tháng nay. Ảnh: Hoàng Quân
Anh Dương Văn Thum (trái) ở  ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn cho biết, tình trạng cua chết đã xảy ra gần 2 tháng nay. Ảnh: Hoàng Quân

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục để người dân yên tâm sản xuất.

Kết quả xét nghiệm mẫu của cơ quan chuyên môn cho thấy, nguyên nhân cua chết được xác định là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua… Tỷ lệ cua nhiễm bệnh lên đến hơn 93% với mật độ nhiễm là 17 ký sinh/cua. Bên cạnh đó, loại vi khuẩn V.parahaemolyticus hiện diện trong nước với mật độ khá cao cũng là tác nhân thứ hai có nguy cơ dẫn đến cua bệnh chết…

Sở NN&PTNT Cà Mau khuyến cáo, để hạn chế thiệt hại, đảm bảo tái thả nuôi thành công, những hộ nuôi cua bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh thời gian qua cần cải tạo vuông triệt để, đúng quy trình kỹ thuật vuông nuôi. Đặc biệt, đối với những hộ đã bị thiệt hại cần phơi đầm, dùng vôi để diệt khuẩn, ký sinh trùng, nấm gây bệnh… Cũng có thể dùng một số loại thuốc chứa Chlorine để diệt khuẩn. Riêng nguồn nước, cần được xử lý đảm bảo sạch trước khi đưa vào ao nuôi. Thả giống với mật độ vừa phải và con giống có kích cỡ lớn để có đề kháng tốt…