Xuất khẩu tăng 7,5%
Năm 2024, tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến động do chiến tranh, thiên tai, suy thoái kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng. Tuy nhiên, với nỗ lực riêng, Cà Mau vẫn đạt được những thành tựu đáng kể trên lĩnh vực xuất khẩu khi vẫn đang đà tăng. Năm 2023, Cà Mau đặt và đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, tiếp tục duy trì là tỉnh dẫn đầu của cả nước về xuất khẩu thủy sản. Kết quả này đúng như kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 5-6%/năm của tỉnh đã đề ra trước đó.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt 838,7 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu khả quan để Cà Mau xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong năm 2024.
Theo đó, đến quý III/2024, các Sở, ngành, địa phương tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong đó, Cà Mau đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…Trong 8 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản tỉnh Cà Mau đạt 432.163 tấn, tăng 1,4%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,8%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 838,7 triệu USD, tăng 7,5%. Giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (bao gồm năm 2023 chuyển sang năm 2024) đạt gần 2.167 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch; Thu ngân sách nhà nước đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 8,9%. Tổng doanh thu du lịch đạt 2.313,4 tỷ đồng, tăng 6,5%...
Duy trì tăng trưởng theo kế hoạch
Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đến năm 2030 do UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành năm, tỉnh này phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1,73 tỷ USD. Trong đó, thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, phân bón đạt 100 triệu USD và các mặt hàng khác gồm nông lâm sản, may mặc... đạt 30 triệu USD.
Theo lộ trình trên, UBND tỉnh Cà Mau định hướng xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa dựa trên quan điểm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển sản xuất xanh, sạch, bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, có hàm lượng giá trị gia tăng cao của tỉnh; xuất khẩu chính ngạch; tăng cường xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa tỉnh Cà Mau và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo đó, địa phương chú trọng phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao vị thế hàng hóa của tỉnh Cà Mau trong chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Toàn tỉnh sẽ tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phát triển thị trường xuất nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững; tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sản xuất... nhằm tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản.
Nỗ lực cuối năm
Theo UBND tỉnh Cà Mau, để hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, trong những tháng còn lại năm 2024 tỉnh này còn phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ nặng nề. Theo đó, các sở, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và chống đánh bắt hủy diệt thủy sản nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư các dự án đột phá, các dự án trọng điểm. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng “thuận thiên”, đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện điểm số và thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. "Đáng chú ý, tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý chất lượng các công trình, dự án, nhất là Dự án giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau" - Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết thêm.