Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau khai mạc Hội chợ triển lãm Quốc tế ngành tôm

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/3, UBND tỉnh Cà Mau, Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp với Cục Thủy sản, Sở NN&PTNT của tỉnh tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp 2024). Đến dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Cà Mau khai mạc Hội chợ triển lãm Quốc tế ngành tôm năm 2024
Cà Mau khai mạc Hội chợ triển lãm Quốc tế ngành tôm năm 2024
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc (Hoàng Nam)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc (Hoàng Nam)

Đây là lần thứ 5 VietShrimp hội chợ chuyên ngành về tôm mang tầm cỡ khu vực và châu Á. VietShrimp 2024 được tổ chức tại Cà Mau có khoảng 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội thủy sản Việt Nam cho biết, tôm là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung. Hằng năm, ngành hàng này đã mang về nguồn thu cho nước ta gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45 – 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Tại hội chợ, nhiều công nghệ nuôi tôm mới tiến tiến được giới thiệu đến người nuôi (Hoàng Nam)
Tại hội chợ, nhiều công nghệ nuôi tôm mới tiến tiến được giới thiệu đến người nuôi (Hoàng Nam)

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, mong muốn ngành tôm phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đây là động lực quyết định nâng cao sức cạnh tranh để giảm giá thành cạnh tranh với tôm thế giới. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, qua những lần tổ chức hội chợ VietShrimp đã tạo tác động rất lớn đối với sự phát triển của ngành tôm. Ông cũng đề nghị Hội thuỷ sản Việt Nam cần nghiên cứu tổ chức thêm hội thảo, hội chợ triển lãm về cá tra, cá ngừ,…

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết:  “Việc tổ chức hội chợ triển lãm lần này là sự kiện có ý nghĩa thiết thực không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để chúng ta cập nhật tình hình và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Qua đó, tạo bước đi thích hợp cho ngành tôm theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.”

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam,  năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt khoảng 737.000 ha, sản lượng khoảng 1,12 triệu tấn. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 bị sụt giảm và chỉ đạt 3,45 tỷ USD (giảm hơn 19 % so với năm 2022).

“Những khó khăn, thách thức của ngành tôm trong năm 2024 vẫn chưa hết. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này có lẽ sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bởi dự báo phát triển của ngành tôm vẫn rất khả quan, đặc biệt là từ nửa cuối năm nay. Tình hình xuất khẩu cũng được nhận định sẽ khởi sắc và tăng nhẹ từ 10 - 15% so với năm 2023, dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD” – ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.