Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: Nguy cơ "phố biến thành sông"

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều ngày qua, dù mưa không nhiều nhưng những đợt triều cường đã khiến Cà Mau ngập úng trên diện rộng. Từ ven biển, vùng nông thôn cho đến các thị trấn hay trung tâm thành phố đều bị nước "bao vây".

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, trong 1 tuần qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa to kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ngập gần 349 căn nhà, tập trung ở thành phố Cà Mau, huyện Năm Căn và huyện Trần Văn Thời. Nước ngập đã làm 161km đường giao thông nông thôn và 16km đường giao thông ở vùng ngọt hóa bị hư hỏng. Ngoài ra, 705ha lúa bị ngập úng, thiệt hại 2ha rau màu và 1,1ha diện tích nuôi tôm cá.

Xuất hiện nhiều "con sông” giữa lòng đô thị

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, những ngày qua, tại trung tâm TP Cà Mau, nước dâng cao gây ngập một số tuyến đường, ảnh hưởng không nhỏ đến lưu thông, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Nước lên cao đã đẩy nguồn nước ô nhiễm nặng trong các tuyến cống tràn ra mặt đường, bốc mùi hôi thối rất khó chịu, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Do ngập nước trong thời gian dài nên mặt đường nhiều nơi xuống cấp, tạo thành những hố sâu. Có nơi trũng ngập thành sông.

Cảnh ngập úng ở phường 5, TP Cà Mau. Clip do người dân địa phương cung cấp cho báo Kinh tế và Đô thị.

“Hơn 1 năm nay, triều cường cũng ngập, nắng cũng ngập, mưa cũng ngập, ngập triền miên. Hàng trăm hộ dân ở đây có buôn bán được gì đâu” - ông Nguyễn Minh Tâm, nhà ở đường Nguyễn Ngọc Sanh (khóm 7, phường 5) nói.

Ông Tâm cho biết, nhiều năm nay con đường này là nơi kinh doanh mua bán quán cà phê, quán nhậu, quán ăn, karaoke… đông khách, nhưng giờ đã giảm nhiều vì nước ngập. Trước đây, con đường này chỉ ngập vào mùa mưa, sau đó rút dần. Nhưng hơn một năm nay, đã diễn ra tình trạng nước không rút hết sau khi mưa mà ứ đọng lại cộng thêm triều cường nên nhiều lúc như một con sông nằm giữa lòng thành phố. “Triều cường dâng, nước ngập, mưa nước không rút được cũng ngập. Nên con đường luôn bốc mùi hôi thối do nước tù đọng lâu ngày. Sợ nhất là mỗi khi ô tô đi qua, mùi nước cống cùng với nước bẩn tràn vào nhà gây mùi hôi thối” - ông Tâm cho biết thêm.

Thực trạng "con sông" ở đường Nguyễn Ngọc Sanh phường 5, TP Cà Mau.

Sáng 14/12, triều cường dâng cao lên gây ngập nhiều nơi trong địa bàn TP Cà Mau. Ngay góc công viên phường 5 (đường Hùng Vương – Phan Ngọc Hiển) nước ngập khiến các phương tiện lưu thông chậm. Nhiều phụ huynh lo lắng học sinh sẽ đến trường chậm trễ và bị nước ở đường làm bẩn đồng phục.

Nhiều biển cắm cảnh báo nguy hiểm ở trung tâm TP Cà Mau vì triều cường.
Nhiều biển cắm cảnh báo nguy hiểm ở trung tâm TP Cà Mau vì triều cường.

Tại đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 8) nước cũng đã dâng lên cao. Ở đây có đoạn do bị trũng sâu nên thường xuyên bị ngập do triều cường hay mưa lớn, dẫn đến mặt đường xuống cấp, xuất hiện những hố sâu, gây khó khăn cho người dân đi lại.

Đường Nguyễn Công Trứ, phường 8, TP Cà Mau.
Đường Nguyễn Công Trứ, phường 8, TP Cà Mau.
Đường Đề Thám, phường 2.
Đường Đề Thám, phường 2.
Góc đường Hùng Vương - Phan Ngọc Hiển Phường 5.
Góc đường Hùng Vương - Phan Ngọc Hiển Phường 5.

Tương tự, mặt đường Nguyễn Công Trứ (phường 8) hiện bị hư hỏng nặng do mưa ngập. Cộng thêm triều cường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông, nhất là vận chuyển hàng hóa vì đây là tuyến đường "độc đạo" để đi vào nhiều xí nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và cảng cá Cà Mau. Góc đường Lê Lai - Hoàng Diệu, đường Đề Thám (phường 2) là khu trung tâm mua bán sầm uất của TP Cà Mau cũng bị ngập do triều cường.

Xe đua với xuồng trên cùng “dòng sông”

Ngày 13/11, tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, nước đã ngập tràn trên con đường xi măng rộng 3m chạy song song với bờ sông. 

Khó phân biệt đâu là đường, đâu là sông.

Phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời nằm trong vùng "ngọt hóa" của tỉnh. Là vùng chuyên canh sản suất lúa, hoa màu của hàng trăm ngàn hộ dân. Còn là nơi lưu giữ hệ sinh thái ngọt đặc trưng của rừng U Minh Hạ. Trong quá khứ, có thời điểm giáp tết 2020, vùng này từng chứng kiến trận hạn hán kinh hoàng khiến hàng chục km đường bị nứt nẻ, sụp lún nghiêm trọng. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại thì hoàn toàn trái ngược khi cả vùng ngọt hóa mênh mông nước do triều cường cùng mưa lớn kéo dài.

Nước ngập vùng ngọt hóa, khiến người dân không thể xuống giống vụ Đông Xuân.

Tại xã Trần Hợi, nhiều hộ dân đã không thể xuống giống Đông Xuân để kịp thu hoạch tết vì khắp nơi đều ngập. Người dân không thể gieo cấy mà phải đợi nước rút. “Tình hình chắc bỏ vụ lúa này vì nước ngập quá, đợi nước rút thì trễ quá” – ông Nguyễn Văn Đức, một người dân địa phương nói.

Thị trến Năm Căn huyện Năm Căn ngập úng.
Thị trến Năm Căn huyện Năm Căn ngập úng.

Ngày 16/11, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Triều cường đã làm tê liệt hệ thống cống, đê bao của vùng ngọt hóa. Nước biển dâng cao đã tràn qua bờ đê, làm cho nước mưa lâu ngày không thể rút, nên vẫn ngập lâu như vậy.”

Ở các vùng khác ven biển Đông, tuy triều cường chưa đạt đỉnh lịch sử như năm 2019 nhưng tình trạng nước ngập đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân nơi đây. Nhiều ngày nay, nước đã gây ngập nhiều tuyến đường của Thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn làm cho hoạt động của khu đô thị biển sầm uất nhất của Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lực lượng dân quân đang hỗ trợ người dân huyện Trần Văn Thời chống ngập úng.
Lực lượng dân quân đang hỗ trợ người dân huyện Trần Văn Thời chống ngập úng.

Theo ông Nam, để đối phó với triều cường, cần phải nhanh chóng xây dựng tuyến đê Biển Đông. Theo lộ trình của chính phủ, tuyến đê này của Cà Mau sẽ được xây dựng giai đoạn 2025-2030, nhưng tình trạng úng ngập hiện nay đã diễn ra sớm hơn dự kiến. Do đó, Cà Mau đang trình Trung ương xem xét xây dựng sớm hơn dự kiến. Còn vấn đề vùng ngọt hóa bị úng ngập, Sở NN&PTNT đang trình UBND tỉnh Cà Mau thí điểm thử nghiệm chống úng ngập cục bộ. Theo đó sẽ củng cố hệ thống đê bao nội vùng ngọt hóa, đồng thời tăng cường máy bơm công suất lớn. Kết hợp với đào nhiều ao lớn trữ nước giảm úng, kiêm trữ nước mưa cho mùa khô để phục vụ chống hạn hán. Trước mắt, sẽ thí điểm thực hiện trong năm 2023, nếu thành công sẽ đề nghị tỉnh triển khai trên diện rộng.

Nhiều vùng ven biển, nước ngập cả nhà dân trong nhiều ngày liền.
Nhiều vùng ven biển, nước ngập cả nhà dân trong nhiều ngày liền.

“UBND tỉnh cũng vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo ngập lụt, thông tin kịp thời đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, tổ chức kiểm tra hệ thống cống ngăn triều và phối hợp vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống để làm chậm tác động của triều cường cũng như bảo vệ vùng ngọt hóa” - ông Nam cho biết thêm.