Cả một đời dấn thân của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sống thọ 96 tuổi, thiền sư Thích Nhất Hạnh có tới gần 90 năm dấn thân cùng Phật giáo kêu gọi hòa bình, đưa Phật giáo Việt Nam vươn ra thế giới. Cho đến lúc viên tịch, ngài lại chọn cách để người còn sống tưởng nhớ người ra đi theo nghi thức tâm tang – khóa tu tĩnh lặng.

“Phật giáo dấn thân”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo. Theo tư liệu của tăng đoàn Làng Mai, sau nhiều năm chờ đợi sự chấp thuận của cha mẹ, khi lên 16 tuổi, chàng trai Nguyễn Xuân Bảo đã quy y cùng anh trai rồi đến tu học tại chùa Từ Hiếu (TP Huế). Năm 1949, ở tuổi 23, ông cùng hai người bạn rời Huế vào Nam tiếp tục con đường tu học. Trên đường đi, những người xuất gia trẻ này khẳng định hạnh nguyện trở thành vị bồ tát của hành động bằng cách chọn cho mình tên mới. Cả ba người đều đồng tình lấy tên có chữ “Hạnh”, nghĩa là hành động. Thiền sư lấy tên là Nhất Hạnh (hành động duy nhất). Cũng từ ngày đó, ông được biết đến dưới pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân”. “Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền” – thiền sư Thích Nhất Hạnh từng bày tỏ. Tinh thần dấn thân của ông là ở việc vận động cho hòa bình. Tháng 6/1965, thiền sư viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam.

Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Ông ở nước ngoài từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây. Với việc tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây, thiền sư đã góp phần xây dựng một cộng đồng “Phật giáo dấn thân” cho thế kỷ XXI với gần 1.250 đệ tử xuất gia, theo tăng đoàn Làng Mai. Ngoài ra, còn hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu.

Thiền hành chung

Sáng 23/1/2022, hàng trăm tăng ni, phật tử đã đến và theo dõi lễ nhập quan thiền sư Thích Nhất Hạnh theo đúng tinh thần trang nghiêm và im lặng như ngài căn dặn khi còn sống (ảnh Dân trí)
Sáng 23/1/2022, hàng trăm tăng ni, phật tử đã đến và theo dõi lễ nhập quan thiền sư Thích Nhất Hạnh theo đúng tinh thần trang nghiêm và im lặng như ngài căn dặn khi còn sống (ảnh Dân trí)

Năm 2014, sau cơn tai biến nặng, thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Làng Mai ở Pháp chuyển đến sinh sống tại Làng Mai ở Thái Lan để gần quê hương. Ngày 28/10/2018, ông từ Thái Lan về chùa Từ Hiếu an dưỡng và viết tâm thư bày tỏ mong muốn được sống nơi đất Tổ cho đến này viên tịch. Sau hơn 40 năm hoạt động, sinh sống ở nước ngoài, năm 2005, thiền sư Thích Thích Nhất Hạnh lần đầu quay trở về thăm chùa Từ Hiếu kịp đón 3 cái Tết cổ truyền tại quê hương. Thiền sư cũng thỏa ước nguyện khi chứng kiến ngôi chánh điện chùa Từ Hiếu được trùng tu và tham gia lễ giỗ hòa thượng Nhất Định, người khai sơn chùa Từ Hiếu.

Vào vào 0 giờ ngày 22/1/2022, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trút hơi thở cuối cùng tại thất Lắng nghe chùa Từ Hiếu. Khi còn sống, thiền sư Thích Nhất Hạnh căn dặn các đệ tử của mình: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung”.

Thực hiện theo ý nguyện của ngài, đúng 8 giờ ngày 23/1 tại chùa Từ Hiếu, lễ nhập kim quan (khâm liệm) thiền sư Thích Nhất Hạnh đã diễn ra trong vòng 30 phút trong sự tiếc thương và tôn kính của hàng nghìn tăng ni, phật tử. Dự kiến lễ trà tỳ (lễ thiêu) lúc 7 giờ ngày 29/1. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong thời gian này, nhà chùa đề nghị khách đến thăm viếng cùng thực tập “tâm niệm cúng dường”, miễn phúng điếu vòng hoa, trướng liễn để toàn bộ tang lễ diễn ra trong sự im lặng, thanh tịnh và trang nghiêm. Sau lễ trà tỳ, xá lợi thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới (không xây bảo tháp đặt lọ tro) để thực hiện theo di nguyện của ngài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần