Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cá nhân cản trở hoạt động tố tụng có thể bị phạt đến 40 triệu đồng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Trong đó, đề xuất mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm của cá nhân lên đến 40 triệu đồng.

Nhà báo livestream phiên tòa có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình Dự thảo tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình Dự thảo tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật” – Phó Chánh án Thường trực TANDTC nói.

Về mục đích xây dựng Pháp lệnh, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết, việc xây dựng Pháp lệnh nhằm quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử phạt các vi phạm; phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; bảo đảm quyền uy tư pháp, giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo quy định hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có cảnh cáo và phạt tiền, bên cạnh đó có xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân lên đến 40 triệu đồng, còn với tổ chức đến 80 triệu đồng.

Pháp lệnh cũng thể hiện cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự; hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bắt giữ tàu bay, bắt giữ tàu biển và Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.

Liên quan đến hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, Dự thảo quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; Nhà báo không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

Ngoài ra, nhà báo bị xử phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Mức phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng sẽ được áp dụng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định các hình thức xử phạt bổ sung, trong đó có tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cùng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và tán thành tên gọi là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại khoản 3, Điều 4, Luật Xử lý vi phạm hành chính và phúc đáp yêu cầu của thực tiễn đang xảy ra ngày càng nhiều các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cần được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Bổ sung thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND các cấp

Thảo luận về Dự thảo Pháp lệnh, một số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng do các hành vi này bản chất đều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, thuộc phạm vi quản lý của UBND.

Chánh án TANDTC  Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chánh án TANDTC  Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với hành vi can thiệp nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế, trong một số trường hợp, ngay trước khi thực hiện công tác thi hành án thì lại có can thiệp trực tiếp bằng văn bản từ cơ quan tố tụng có thẩm quyền yêu cầu dừng lại để xem xét.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các đối tượng bị xử phạt cao hơn khi có hành vi cản trở hoạt động tố tụng được nêu trong dự thảo luật, đồng thời, dự thảo cần dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật về các hành vi xử phạt đã được quy định.

Giải trình thêm về vấn đề giao thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND các cấp, Chánh án TANDTC  Nguyễn Hòa Bình nhận định, gây rối ngoài xã hội hay gây rối trong phiên tòa cũng thuộc thẩm quyền xử lý của UBND các cấp. Tiếp thu nội dung này, Chánh án TANDTC cho rằng, cần có phương án loại trừ, trong trường hợp các vụ án hành chính mà UBND các cấp là một bên đương sự thì không được giao thẩm quyền xử phạt.

Đồng thời, Chánh án TANDTC cũng lý giải, xử phạt trong lĩnh vực tư pháp phải nặng hơn các lĩnh vực khác bởi hoạt động tố tụng liên quan đến quyền con người, sinh mạng của con người. Tuy nhiên, quy định xử phạt đều nằm trong khung pháp luật, không vượt quá thẩm quyền.

Theo dự kiến chương trình Phiên họp, ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thảo luận trước khi thông qua Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.