Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả nước có 32 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đề cập tới trong báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2019 vừa được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) công bố.

Cả nước đã xây dựng được 32 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, trong năm 2019, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn nhất cho ngành chăn nuôi. Tính đến nay, đã có hơn 6 triệu con lợn bị tiêu hủy. Tổng trọng lượng khoảng 342.000 tấn (chiếm hơn 9% tổng trọng lượng lợn cả nước).
Cùng với dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng cũng đã khiến 18.623 gia súc (chủ yếu là lợn) bị tiêu hủy. Ngoài ra, 133.023 con gia cầm tại 24 tỉnh, TP cũng đã bị tiêu hủy do bị dịch cúm gia cầm.
Một trong những nỗ lực lớn nhất của ngành thú y trong năm 2019 là việc xây dựng và duy trì các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, cả nước đã có 32 vùng an toàn dịch bệnh, trong đó có 31 vùng cấp huyện và 1 vùng cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có 138 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.662 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại.
Năm 2019, tổng cộng có 221 cơ sở, chuỗi sản xuất và vùng chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó, Cục Thú y cấp 53 giấy chứng nhận; các địa phương cấp 168 giấy.
Theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, năm 2020, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định và khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
“Bộ NN&PTNT đã đề nghị OIE cử các chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh, trong đó có chuỗi chăn nuôi lợn tại Bình Thuận, chuỗi chăn nuôi gia cầm tại Bình Phước đề xuất khẩu” - ông Đông thông tin thêm.